|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Máy bay 'Made in China' tìm kiếm khách hàng quốc tế, để mắt đến thị trường Đông Nam Á

11:01 | 18/03/2024
Chia sẻ
Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc COMAC đang tìm kiếm khách hàng cho dòng C919. Thị trường máy bay Đông Nam Á có tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng COMAC đang phải đối mặt với rào cản về giấy phép.

Một chiếc C919 tại Triển lãm Hàng không Singapore. (Ảnh: Nikkei Asia). 

Tham vọng vươn ra quốc tế

C919 - dòng máy bay 'Made in China' của COMAC - vừa có màn ra mắt quốc tế đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Singapore tháng trước.

Tại sự kiện trên, COMAC đã công bố hai đơn hàng dành cho máy bay thân hẹp C919 và máy bay phản lực hai động cơ ARJ21 từ những hãng hàng không Trung Quốc. China Eastern Airlines đã đưa mẫu C919 vào sử dụng từ năm ngoái.

Song, tham vọng của COMAC không chỉ bó hẹp trong thị trường nội địa. COMAC muốn có được đơn đặt hàng chính thức đầu tiên từ người mua nước ngoài cho máy bay C919.

Sau triển lãm ở Singapore, máy bay C919 và ARJ21 đã được đem đi trình diễn tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Malaysia.

Năm ngoái, hãng hàng không giá rẻ Gallop Air có trụ sở ở Brunei đã ký thư ngỏ ý mua 15 chiếc C919 và 15 chiếc ARJ21.

Nikkei Asia cho biết có rất ít thông tin công khai về GallopAir, hãng hàng không này thậm chí còn chưa có chuyến bay đầu tiên. Tuy nhiên, GallopAir có vẻ có mối liên kết với Trung Quốc. CEO Cham Chi cho biết chủ sở hữu của công ty là doanh nhân Trung Quốc Yang Qiang, Reuters đưa tin.

Máy bay ARJ21 mất gần 7 năm để có được đơn đặt hàng chính thức đầu tiên từ nước ngoài sau chuyến bay thương mại lần đầu năm 2016. Người mua là TransNusa, hãng hàng không liên doanh Trung Quốc - Indonesia.

Công ty nhà nước Trung Quốc China Aircraft Leasing kiểm soát 49% TransNusa. Hãng hàng không này thuê máy bay ARJ21 từ China Aircraft Leasing và đã sử dụng chúng trong nhiều chặng bay, bao gồm từ Jakarta tới Kuala Lumpur.

COMAC mang tổng cộng 5 chiếc ARJ21 và C919 tới triển lãm ở Singapore. C919 có thể chở 192 hành khách, còn ARJ21 có sức chứa tối đa 97 người.

Những người tham dự sự kiện, bao gồm lãnh đạo các hãng hàng không và quan chức chính phủ các nước, thể hiện sự quan tâm lớn đối với máy bay C919.

 C919 bay trình diễn tại triển lãm Singapore. (Ảnh: Nikkei Asia). 

Tuy nhiên, để có thể gia nhập thị trường toàn cầu, COMAC cần phải vượt qua rào quản về giấy phép. Cụ thể, nhà sản xuất máy bay Trung Quốc cần có được chứng nhận chủng loại (type certification) từ các cơ quan quản lý hàng không quốc tế.

Hai mẫu máy bay của COMAC vẫn chưa được cấp chứng nhận từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA). Các cơ quan hàng không ở Đông Nam Á lại thường theo dõi các nhà quản lý phương Tây khi xem xét cấp giấy phép chủng loại.

Ông Luc Tytgat, quyền Giám đốc điều hành EASA, nói với Reuters rằng ông không biết việc phê duyệt C919 sẽ dễ dàng hay không, bởi mẫu máy bay này “quá mới với chúng tôi”.

Ông Christian Scherer, CEO mảng kinh doanh máy bay thương mại của Airbus, bình luận: “C919 không mang đến điểm khác biệt nào cho thị trường”. Ông nói thêm là Airbus không dự kiến máy bay của Trung Quốc “sẽ gây xáo trộn thị trường”. 

 

Tiềm năng của Đông Nam Á

Trong bối cảnh Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ và đồng minh về công nghệ, Bắc Kinh kỳ vọng C919 sẽ là đối thủ cạnh tranh với máy bay do Boeing và Airbus sản xuất.

Trong báo cáo công tác chính phủ tại phiên họp Quốc hội diễn ra đầu tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gọi việc bắt đầu các chuyến bay thương mại C919 là một trong “những thành tựu đổi mới công nghiệp quan trọng đã đạt đến đẳng cấp quốc tế vào năm ngoái”.

C919 là biểu tượng cho nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với phương Tây.

Các thành viên của dự án C919 được Chủ tịch Tập Cận Bình chào đón và khen ngợi tại ngày lễ Quốc khánh tại Đại lễ đường Nhân dân năm 2022. Ông Tập nói chiếc máy bay này “mang theo ý chí của nhà nước, giấc mơ của quốc gia và niềm hy vọng của người dân”, tờ Xinhua News đưa tin.

COMAC nằm trong nhóm “các doanh nghiệp trung ương” của Trung Quốc. Đây là nhóm bao gồm các doanh nghiệp nhà nước ưu tú nhất nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính quyền trung ương.

Tờ Nikkei Asia cho biết hiện nay có rất nhiều tin đồn về khả năng hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong mua máy bay COMAC. Cổ đông lớn thứ hai của Cathay là công ty nhà nước Trung Quốc Air China, với tỷ lệ sở hữu 29,9%.

Ông Alex McGowan, Giám đốc vận hành và cung cấp dịch vụ của Cathay, xác nhận COMAC là một trong các “nhà cung cấp chiến lược của chúng tôi”. Tuy nhiên, đối với máy bay thân hẹp, Cathay chủ yếu sử dụng Airbus A320. Cathay đã đặt 64 chiếc A320 cho tới năm 2019 và có quyền mua thêm 32 chiếc nữa nếu cần.

Ông Dave Schulte, Giám đốc tiếp thị của Boeing tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ước tính Đông Nam Á sẽ có nhu cầu mua 4.200 chiếc máy bay mới trong 20 năm tới.

Ông Shulte nói: “C919 là dòng máy bay mà từ nay về sau Boeing sẽ phải cạnh tranh. Đối thủ lâu năm của chúng tôi là Airbus cũng vậy. Cả hai đều sẽ phải đối mặt với thách thức khi thị trường gia tăng tính cạnh tranh". 

Giang