Mất việc vì dịch bệnh COVID-19, người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm nào?
Dưới tác động dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… dẫn đến việc làm của một bộ phận người lao động bị cắt giảm.
Chính sách BHTN là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội nhằm giúp người lao động đảm bảo phần nào đời sống của bản thân và gia đình sau khi thất nghiệp, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.
Vậy những người tham gia bảo hiểm xã hội nhưng bị mất việc vào thời điểm này sẽ được hưởng các chế độ như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Kim Loan – Phó trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay: “Người lao động cứ đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp từ 12-36 tháng thì sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng sẽ bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Ngoài trợ cấp hàng tháng, người lao động sẽ được hỗ trợ học nghề nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng và mức hỗ trợ cụ thể tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề, từng khóa học nhưng thời gian tối đa cũng không quá 6 tháng”.
Đối với trường hợp người lao động mắc Covid-19, bà Loan cho biết, nếu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không may mắc Covid-19 thì thời gian nghỉ điều trị bệnh có giấy ra viện, có giấy chứng nhận nghỉ việc chữa bệnh sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội do cơ sở khám chữa bệnh cấp đủ nội dung theo Thông tư 56 của Bộ Y tế, được hưởng chế độ ốm đau theo quy định.
Trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh Covid-19 buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.
Về vấn đề tiền lương, đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
Tức là được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động.
Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.