|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mất vị thế là kênh giữ tài sản, vàng SJC đầu tư trang sức có muộn?

21:39 | 12/02/2017
Chia sẻ
Năm 2015, kinh doanh vàng miếng chỉ chiếm 7% lợi nhuận của công ty và rất khó để đạt mức tăng trưởng hơn nữa trong năm 2016 và các năm tiếp theo. SJC đang đầu tư vào trang sức để bù đắp sự sụt giảm lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng.
mat vi the la kenh giu tai san vang sjc dau tu trang suc co muon

Ảnh minh họa.

“Ăn nên làm ra” nhờ giá vàng liên tục biến động

Được thành lập vào tháng 7/1988, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã làm thay đổi việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ tại thị trường trong nước khi cho ra đời sản phẩm vàng miếng mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9.

Trong một thời gian dài vàng SJC được dùng làm phương tiện thanh toán trong giao dịch mua bán bất động sản, cũng như là nơi “trú ẩn” an toàn khi người dân muốn cất trữ tài sản. Tuy nhiên, từ năm 2007 - 2008 với biến động mạnh trên thị trường bất động sản cùng việc giá vàng tăng, vàng SJC mất dần vị thế là phương tiện thanh toán trong các giao dịch bất động sản trước khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hạn chế lưu thông vàng miếng trong dân.

Dẫu vậy vàng SJC vẫn là kênh giữ tiền quan trọng của người dân. Năm 2011, SJC ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 111.222 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD. Nhưng phải đến năm 2012, SJC ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất 389,4 tỷ đồng.

mat vi the la kenh giu tai san vang sjc dau tu trang suc co muon

Nguồn: Số liệu công bố của SJC và báo cáo tài chính HN KT của PNJ

Năm 2012 là năm giá vàng trong nước biến động liên tục và ở mức kỷ lục gần 50 triệu đồng/lượng vàng SJC. Đây phải chăng là lý do SJC lãi kỷ lục trong năm 2012.

Thách thức chuyển đổi sang vàng trang sức

Vàng miếng SJC vẫn là lựa chọn của đa số người dân muốn cất trữ tài sản bằng vàng. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương hạn chế lưu thông và tiêu dùng vàng miếng, các ngân hàng không huy động vàng, việc gửi vàng vào ngân hàng phải chịu phí, vàng không còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản của mỗi gia đình. Hẳn nhiên hoạt động kinh doanh vàng miếng SJC bị suy giảm mạnh.

mat vi the la kenh giu tai san vang sjc dau tu trang suc co muon

Nguồn: Số liệu công bố SJC

Năm 2015, SJC cho biết lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng chỉ chiếm 7% lợi nhuận của công ty và rất khó để đạt mức tăng trưởng hơn nữa trong năm 2016. SJC không còn là doanh nghiệp vàng dẫn đầu về lợi nhuận khi bị CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - doanh nghiệp cùng thời bẻ hướng phát triển kinh doanh vàng trang sức vượt mặt về lợi nhuận.

Trước tình hình đó SJC phải chủ động chuyển hướng tập trung sản xuất và kinh doanh mặt hàng nữ trang – lĩnh vực kinh doanh không được chú trọng. Dù cho năm 2000, tác phẩm nữ trang do SJC thiết kế và chế tác là sản phẩm duy nhất của Việt Nam lọt vào vòng chung kết tại cuộc thi Nữ trang quốc tế Gold Virtuosi 200 diễn ra tại Ý và năm 2007 SJC đã thành lập bộ phận sản xuất nữ trang, nữ trang vẫn là “sản phẩm mới được bắt đầu tập trung đầu tư phát triển”. Do đó, việc thâm nhập thị trường, tạo ra doanh thu và lợi nhuận nữ trang tuy có tăng và có hiệu quả nhưng cũng không thể thay thế ngay được vai trò chủ lực của vàng miếng.

mat vi the la kenh giu tai san vang sjc dau tu trang suc co muon

Vàng trang sức của SJC đã tăng tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu từ 13% lên gần 18% trong giai đoạn năm 2014 - 2015.

Năm 2015, SJC tập trung phát triển mạng lưới bán lẻ khai trương 7 cửa hàng mới nâng tổng số cửa hàng bán lẻ lên 37 cửa hàng trên toàn quốc.

Báo cáo thường niên năm 2015 của PNJ cho biết, thị trường trang sức Việt Nam hiện đang có sự phân mảng cao với phần lớn thị phần đang thuộc về các doanh nghiệp nhỏ lẻ vốn không có sự đầu tư về thương hiệu, cũng như thiếu định hướng trong dài hạn. Khách hàng đang ngày càng khó tính hơn. Nhu cầu về sản phẩm có uy tín, thương hiệu được xem là tất yếu, đặc biệt khi kinh tế Việt đang phát triển nhanh như hiện nay.

Vì vậy, với lợi thế thương hiệu SJC gần 30 năm qua, SJC dễ dàng hơn trong việc thâm nhập thị trường trang sức, nhưng đồng thời thách thức SJC về thay đổi phong cách phục vụ khách hàng khi họ không còn kinh doanh trên lĩnh vực “độc quyền”.

Hồng Quân