|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mastercard thay đổi chiến lược, hợp tác với các ví điện tử tại Việt Nam

09:30 | 16/02/2021
Chia sẻ
Tại Việt Nam, số lượng người dùng các ví điện tử vượt xa số lượng người dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ đến từ các tổ chức phát hành quốc tế như Visa hay Mastercard.

Phần lớn người Việt không có thẻ Mastercard và Mastercard nói rằng công ty có thể tồn tại với thực tế này. Tất cả những gì Mastercard muốn là khách hàng ở nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á thôi dùng tiền mặt, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng lựa chọn các sản phẩm của đối thủ như ví điện tử.

Theo Nikkei, công ty có trụ sở tại Mỹ đang đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài thẻ tín dụng để tìm kiếm cơ hội ở các thị trường và công nghệ mới nổi.

'Ông lớn' thẻ tín dụng Mastercard làm gì trong cuộc chiến với các startup fintech ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Văn phòng Mastercard ở Việt Nam. (Ảnh: Nikkei)

Bà Winnie Wong, Giám đốc Mastercard khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào, nói rằng công ty đang chuẩn bị cho những thay đổi công nghệ ở Việt Nam để có thể trở thành một phần của các phương thức thanh toán tương lai, từ mã QR cho tới đồng hồ thông minh.

"Câu chuyện không chỉ là thẻ", bà nói với Nikkei Asia. "Vấn đề là bất kỳ hình thức nào khác, dù là mã QR, thẻ ảo, đồng hồ hay bất kì thứ gì khác khi chúng ta thực hiện số hoá".

Ở thời điểm hiện tại, Mastercard phải chấp nhận thế đang lên của ví điện tử ở Châu Á, nơi nhiều người đang bỏ qua các sản phẩm thẻ tín dụng để sử dụng ví điện tử.

Tại Việt Nam, chỉ 56% dân số sở hữu thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, thuộc hàng thấp nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, theo nghiên cứu Visa Consumer Payment Attitudes Study phát hành năm 2020.

Cùng thời điểm, với đầu tư từ những "ông lớn" như Warburg Pincus và Goldman Sachs, ví điện tử lớn nhất Việt Nam, Momo, cho biết đã có 20 triệu người dùng trong năm 2020 và đặt mục tiêu có 50 triệu người dùng trong vòng 3 năm tới.

Con số trên lớn hơn rất nhiều so với 3,9 triệu người dùng thẻ tín dụng Visa, 2,7 triệu người dùng thẻ tín dụng Mastercard, 340.000 người dùng thẻ tín dụng American Express và 270.000 người dùng thẻ tín dụng JCB, theo dữ liệu năm 2019 của Euromonitor (không bao gồm thẻ ghi nợ và các loại thẻ khác).

Hiện Việt Nam đã cấp phép cho 29 công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử.

'Ông lớn' thẻ tín dụng Mastercard làm gì trong cuộc chiến với các startup fintech ở Việt Nam? - Ảnh 2.

(Nguồn: Nikkei/ Euromonitor).

Đây là một vấn đề lớn của các mạng lưới thẻ tín dụng ở Việt Nam. Các cửa hàng có thể tránh khoản phí xử lý thẻ tín dụng bằng cách để khách hàng thanh toán qua Momo hoặc các ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) khác.

Bà Winnie Wong không cho rằng Mastercard sẽ đối đầu trực tiếp với các startup thanh toán. Thay vào đó, Mastercard sẽ tìm kiếm một cách tiếp cận thân thiện hơn: hợp tác thông qua sử dụng công nghệ của chúng.

Một ví dụ cho xu hướng này là việc người dùng có thể liên kết thẻ Mastercard với nhiều ví điện tử. Trong quá khứ, người dùng phải mang theo 5 chiếc thẻ tín dụng mà mình đang sử dụng. Tuy nhiên, trong tương lai, tất cả những gì họ phải làm là mang theo điện thoại thông minh chứa thông tin của 5 chiếc thẻ tín dụng ảo.

Một ví dụ khác là bổ sung ví điện tử vào mạng lưới toàn cầu của Mastercard. Dù vậy, đến nay, mục tiêu này chưa được thực hiện hoá. "Chúng tôi vẫn đang đàm phán với một số ví điện tử", bà Wong chia sẻ.

Điều gì sẽ xảy ra khi 20 triệu người dùng của Momo di chuyển ra bên ngoài Việt Nam nhưng không có thẻ tín dụng? Đây từng là một câu hỏi dành cho Grab. Đến nay, Grab đã bổ sung thêm tuỳ chọn cho phép khách hàng ở Singapore và Philippines sử dụng GrabPay để mua thẻ Mastercard trả trước (ảo hoặc vật lý). Qua đó, người dùng GrabPay có thể thanh toán ở 53 triệu đơn vị bán hàng trên toàn cầu.

Các mạng lưới thẻ tín dụng cũng có ví điện tử của riêng mình. Chủ thẻ Visa hay Mastercard có thể sử dụng các ứng dụng của thương hiệu thẻ mình sử dụng hoặc thêm thẻ của mình vào một ứng dụng của ngân hàng hay công ty fintech. Các mạng lưới thẻ cũng hợp tác với các ngân hàng để phát hành thẻ ảo của các thẻ tín dụng truyền thống. Điều này giúp các đơn vị phát hành thẻ bắt kịp cuộc chơi khi khách hàng có xu hướng bỏ qua thẻ tín dụng và thích thanh toán không chạm.

Ở thời điểm hiện tại, các đơn vị phát hành thẻ tín dụng hướng tới mục tiêu tương thích với các ví điện tử. Một ngày nào đó, họ sẽ hướng tới khả năng tương tác chéo, bà Wong nhận định. Như vậy, nếu Mastercard hợp tác với ZaloPay, chủ thẻ có thể thanh toán ở bất kỳ nơi nào chấp nhận ZaloPay và ngược lại. MasterCard đã ký thành công các thoả thuận tương tác lẫn nhau tương tự ở các thị trường khác.

Đối với tăng trưởng ở Việt Nam, bước đầu tiên là thuyết phục khách hàng ở Việt Nam từ bỏ tiền mặt. Bước thứ hai là thuyết phục khách hàng sử dụng thẻ tín dụng ở quốc gia mà người dân có xu hướng tiết kiệm hơn là vay mượn. Một số người Việt Nam thậm chí vẫn đang mua nhà và xe bằng tiền mặt.

Cuối cùng, mục tiêu chính là làm khách hàng địa phương bất ngờ với các sản phẩm của Mastercard, thường là thẻ được phát hành bởi các ngân hàng. Mastercard sẽ sử dụng các phương thức marketing truyền thống như giảm giá cho khách hàng thanh toán bằng Mastercard ở các công ty đối tác, theo Nikkei.

Không dừng lại ở đây, Mastercard cũng khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hợp tác với đối tác Zoho, vốn là nhà cung cấp phần mềm cho các công việc văn phòng như ghi chép sổ sách kế toán.

Lý do đằng sau quyết định này là việc doanh nghiệp có thể thay thế các phương thức kế toán phi chính thống bằng các bản ghi kế toán điện tử. Những dữ liệu từ các bản ghi số hoá có thể dùng để ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm và cấp thẻ tín dụng cho doanh nghiệp.

Ở khía cạnh tiêu dùng, thẻ tín dụng vẫn là một cơ hội. Thanh toán bằng thẻ tín dụng ở Việt Nam chạm mốc 12 tỷ USD vào năm 2019 – tăng gấp hơn 4 lần con số ghi nhận năm 2015, theo Euromonitor. Bà Wong cho rằng các ngân hàng và các ứng dụng fintech đều đang nỗ lực số hoá hoạt động thanh toán bởi "thị trường đã đến thời điểm chín muồi để mở rộng."

Thái Sơn