Masan Resources lên kế hoạch huy động gần 1.000 tỉ đồng từ các nhà đầu tư
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, mã: MSR) trong năm 2020, Masan Resources đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 8.000 – 9.000 tỉ đồng, tăng trưởng tối thiểu 70% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty dự kiến từ 200 đến 500 tỉ đồng, tương ứng giảm 57% hoặc tăng trưởng 42% so với cùng kì.
Đáng chú ý, trong năm nay hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2021, Masan Resources có kế hoạch chào bán cổ phần mới mệnh giá 10.000 đồng/cp trong một hoặc nhiều lần. Số lượng cổ phần phát hành tối đa 9,99% tổng số cổ phiếu MSR đang lưu hành. Theo đó, tổng số vốn huy động dự kiến vào khoảng 988 tỉ đồng.
Giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất của công ty. Đối tượng phát hành không phải là công ty con của Masan MEATLife; không phải là công ty mà có chung công ty mẹ với Masan MEATLife.
Ngoài ra, công ty sẽ không chào bán cho bất cứ tổ chức, cá nhân hoặc một nhóm tổ chức, cá nhân và người có liên quan của tổ chức, cá nhân từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty trong đợt chào bán.
Bên cạnh đó, HĐQT công ty sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm của thành viên HĐQT Nguyễn Đăng Quang cho nhiệm kì 2016 – 2021.
Ông Nguyễn Đăng Quang hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, đơn vị đang sở hữu cổ phần chi phối tại Masan Resources thông qua công ty con là CTCP Tầm nhìn Masan.
Tính đến ngày 31/12/2019, lãi chưa phân phối của Masan Resources là 2.727 tỉ đồng. Về phương án phân chia lợi nhuận năm 2019, công ty dự kiến không chi trả cổ tức năm vừa qua.
Mới đây, ngay trước thềm đại hội, công ty đã hoàn tất mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck vào ngày 19/6.
Trước đó, tháng 9/2019, thông qua công ty con là Công ty TNHH Vonfram Masan, Masan Resources đã kí hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH - nhà chế tạo các sản phẩm vonfram công nghệ cao "midstream" (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram và vonfram các-bua.
Theo Masan Resources, giao dịch này là bước đi chiến lược nhằm đưa Công ty trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt. Điều này giúp Masan Resources tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kì thị trường, đồng thời mở rộng qui mô thị trường đầu ra lên gấp 3,5 lần, từ 1,3 tỉ USD lên 4,6 tỉ USD.