|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan, Hòa Phát, Dabaco: Nhiều doanh nghiệp 'gặp khó' vì dịch tả lợn châu Phi

08:00 | 05/04/2019
Chia sẻ
Dịch tả lợn châu Phi đến nay đã lan ra 23 tỉnh thành với 82.000 con lợn buộc phải tiêu hủy, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của cả nước cũng như tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có mảng chăn nuôi lợn như Masan, Hòa Phát, Dabaco.

Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là dịch bệnh gây ra bởi chủng virus gây bệnh tại Trung Quốc. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm, lợn bị nhiễm virus ASF có tỉ lệ tử vong lên tới 100% và hiện chưa có vaccine chữa trị. 

Virus ASF không có khả năng gây bệnh cho người, tuy nhiên lợn bị nhiễm ASF có sức khỏe suy yếu, dễ mắc các bệnh khác có thể lây sang người. Do vậy, tâm lí nhiều người nhân tỏ ra e ngại không muốn ăn thịt lợn.

Một đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị của đàn lợn hiện nay đang chiếm 52% toàn ngành chăn nuôi; 1,2% ngành nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi hiện đã lan ra khắp 23 tỉnh, thành phố của Việt Nam khiến 82.000 lợn bị tiêu hủy, làm giảm giá trị ngành chăn nuôi 0,82% so với kịch bản dự báo ban đầu, đồng thời làm giảm 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng GDP quý I.

Tống cục Thống kê dự báo cũng trong quý II, dịch tả lợn châu Phí sẽ tiếp tục làm giảm 1,3% giá trị của ngành chăn nuôi so với kịch bản và làm giảm 0,04 điểm phầm trăm tăng trưởng GDP.

Nhiều doanh nghiệp có hoạt động chăn nuôi heo cũng đã, đang và có nguy cơ chịu nhiều thiệt hại trực tiếp cũng như gián tiếp từ dịch tả lợn Châu Phi.

Hòa Phát: Mảng chăn nuôi đã hết lãi, nguy cơ sẽ lỗ

Trong buổi Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/3 vừa qua, trả lời băn khoăn của cổ đông về tác động của dịch tả lợn Châu Phi đối với mảng chăn nuôi của Tập đoàn, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương khẳng định Trang trại lợn của Hòa Phát không bị dịch và do vậy không bị ảnh hưởng trực tiếp do tiêu hủy. Tuy nhiên tâm lí người dân e ngại ăn thịt lợn làm sức cầu và giá giảm sút làm mảng chăn nuôi của Hòa Phát bị tác động gián tiếp.

Chủ tịch HĐQT Hòa Phát – ông Trần Đình Long cho biết mảng chăn nuôi lợn của Hòa Phát đã xong khâu chọn giống và đi vào hoạt động ổn định, ban đầu dự kiến có thể mang lại lợi nhuận 30 tỉ đồng mỗi tháng, tương đương 360 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên do dịch tả lợn châu Phi, đến tháng 3 vừa qua mảng chăn nuôi đã hết lãi, nếu tình hình dịch tiếp tục thì mảng này của Hòa Phát còn có thể thua lỗ.

Masan, Hòa Phát, Dabaco: Nhiều doanh nghiệp gặp khó vì dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long (ngồi giữa) trong đại hội cổ đông ngày 29/3. Ảnh: Hòa Phát.

Dabaco: Khả năng lợi nhuận giảm 23% 

Nếu như mảng chăn nuôi lợn đối với đại gia thép Hòa Phát chỉ là nghề "tay trái" thì với CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC), đây lại là ngành kinh doanh chính, cùng với sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn là "miếng cơm manh áo" của doanh nghiệp. Trong báo cáo phân tích mới đây về Dabaco, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự đoán doanh thu của Dabaco trong năm 2019 đạt khoảng 7.614 tỉ đồng (tăng 14% so với năm 2018), nhưng lợi nhuận giảm 23% xuống còn 276 tỉ đồng do tác động của dịch ASF. 

Theo dự báo của BVSC, sản lượng thức ăn chăn nuôi cho lợn trong năm 2019 của Dabaco có thể giảm 5% do ảnh hưởng của dịch ASF trong khi nhu cầu sản phẩm thay thế là thịt gà gia tăng sẽ hỗ trợ sản lượng thức ăn chăn nuôi gà tăng 20%. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Như So – Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên kiểm soát thông tin, cân đối giải pháp thông tin. Trung Quốc chỉ công bố 102 hộ bị dịch tả lợn Châu Phi, nhưng hiện nay chúng ta công bố vài trăm xã. Vậy thì chúng ta có bao nhiêu ổ dịch, mỗi ổ dịch bao nhiêu con. Ông So cho rằng cần phải suy nghĩ là 1 - 2 con có công bố không, hay là bao nhiêu con mới công bố. 

Masan, Hòa Phát, Dabaco: Nhiều doanh nghiệp gặp khó vì dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco, ông Nguyễn Như So. Ảnh: nongnghiep.vn

Một vấn đề khác, theo ông So, là phải có kịch bản truyền thông, hướng dẫn, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng không tẩy chay với thịt lợn. Và cần có cơ chế chính sách để người dân không bán tháo, bán chạy lợn ốm, bệnh thông qua việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Masan: Khả năng phải trích lập dự phòng 100 tỉ đồng

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây có buổi trao đổi với lãnh đạo CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) và được cập nhật về thị trường thịt heo trong bối cảnh Dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở Việt Nam cũng như kế hoạch hành động của công ty cho mảng kinh doanh này cho phần còn lại của năm 2019.

Masan cho biết, kể từ khi dịch ASF bùng phát tại miền Bắc, giá heo hơi đã giảm khoảng 18% còn 39.000 đồng/kg. Dựa theo khảo sát nội bộ, ban lãnh đạo thống kê lượng heo thịt bán ra mỗi ngày tại Hà Nội ở một vài điểm bán đã giảm 30% kể từ khi có dịch ASF.

Ban lãnh đạo Masan cũng nói thêm, công ty sẽ phải dự phòng khoảng 100 tỉ đồng cho tình huống xấu nhất là nếu trang trại của công ty bị lây nhiễm ASF và do đó phải tiêu hủy đàn heo.

Trong báo cáo mới đây của mình về Masan, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định giá heo vẫn cao từ quí II/2018, nhưng thị trường thức ăn chăn nuôi cần thêm thời gian để phục hồi. 

Sau khi tụt xuống mức thấp kỷ lục là 22.000 đồng/kg trong quí II/2017, giá heo đã phục hồi đáng kể và giữ mức 47-48.000 đồng/kg từ quí II/2018. 

Tuy nhiên, xét đến khoảng thời gian cần thiết để thị trường lấy lại niềm tin và tái đàn (khoảng 12-15 tháng), BVSC kỳ vọng thị trường thức ăn gia súc sẽ nhanh nhất phục hồi hoàn toàn vào quí II/2019.

Masan, Hòa Phát, Dabaco: Nhiều doanh nghiệp gặp khó vì dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 3.

Dù vậy, sự bùng phát hiện tại của dịch tả lợn châu Phi, một mối đe dọa đáng kể đối với sự phục hồi này, cần được theo dõi chặt chẽ.

Về phía cầu, BVSC nghĩ rằng người tiêu dùng có thể tương đối quan ngại về việc lợn bệnh được bán tuồn ra thị trường. Do đó, BVSC đang tạm thời dự đoán tăng trưởng doanh thu thức ăn chăn nuôi đi ngang trong năm 2019.

Song Ngọc

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.