|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan Group được bình chọn là công ty có thương vụ M&A tiêu biểu năm 2019-2020

08:10 | 25/11/2020
Chia sẻ
Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung của Masan".

Ngày 24/11/2020, Diễn đàn M&A - sự kiện thường niên lớn nhất Việt Nam về mua bán sáp nhập và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã diễn ra tại TP HCM.

Tại diễn đàn, Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn đã công bố danh sách 10 công ty có thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu. Masan Group (Mã: MSN) được vinh danh là công ty có Thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2019-2020.

Masan Group được bình chọn là công ty có thương vụ M&A tiêu biểu năm 2019-2020 - Ảnh 1.

Masan Group dẫn đầu Top 10 Thương vụ M&A tiêu biểu năm 2019-2020 (Nguồn: Diễn đàn M&A)

Danh sách thương vụ tiêu biểu giúp các doanh nghiệp, giới đầu tư đánh giá và nhìn lại sự phát triển về qui mô và tính chất của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong năm qua. Giá trị M&A trong 2020 của Việt Nam ước tính đạt khoảng 3,5 tỉ USD, tỉ trọng giá trị M&A trong khối doanh nghiệp nội tăng từ 12% (2018) lên 33% (2019-2020).

Masan Group được bình chọn là công ty có thương vụ M&A tiêu biểu năm 2019-2020 - Ảnh 2.

Tổng Giám Đốc Masan Group Danny Le (giữa) nhận chứng nhận Doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu (Ảnh: Masan)

Năm 2019 -2020, vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, Masan đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ M&A với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung của Masan. 

Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lí phục vụ người tiêu dùng; nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam".

Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Masan và Vingroup đã thỏa thuận sáp nhập Công ty VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holdings để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ có sức cạnh tranh vượt trội và qui mô hàng đầu Việt Nam. 

9 tháng đầu năm 2020, VinCommerce đóng góp 23.678 tỉ đồng doanh thu, tức vượt 1 tỉ USD và chiếm 42,5% tổng doanh thu hơn 55.600 tỉ đồng của toàn hệ thống Masan. Kế hoạch cải thiện lợi nhuận của VinCommerce đã chứng minh hiệu quả với biên EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) cải thiện từ (5,1)% trong quí I/2020, lên (2,8)% trong quí III/2020, và đang trên đà đạt EBITDA hòa vốn trong quí IV/2020.

Tháng 2/2020, Masan HPC – một công ty thành viên do Masan sở hữu 100% vốn – đã mua thành công 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Bột giặt Net (Netco - Mã: NET), chính thức lấn sân mảng chăm sóc cá nhân và gia đình – thị trường có giá trị khoảng 3,1 tỉ USD. 

Giao dịch này nhất quán với chiến lược 5 năm của Masan nhằm mở rộng danh mục sản phẩm và mang đến lợi ích tốt nhất cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Sau khi về tay Masan, Netco ghi nhận kết quả kinh doanh với tăng trưởng mạnh. 9 tháng đầu năm 2020 tổng doanh thu Netco đạt 1.109 tỉ và lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỉ đồng, lần lượt tăng 38% và 93% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Trong ngành khai khoáng, Masan High-Tech Materials (MHT) đã công bố hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck vào tháng 6/2020. Giao dịch là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MHT là trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới. 

Tháng 10/2020, Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials Corporation (MMC) đã kí cam kết thiết lập liên minh chiến lược, MHT nhận đầu tư 90 triệu USD từ tập đoàn Nhật Bản tương ứng 10% tổng số cổ phần, hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao hàng đầu.

Gần đây nhất, tại lễ khánh thành Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn ngày 3/10/2020, Masan MEATLife cũng công bố bước đi chiến lược: mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm thông qua việc rót vốn 613 tỉ đồng để sở hữu 51% Công ty 3F VIỆT - doanh nghiệp nội địa có nền tảng sản xuất thịt gia cầm hàng đầu.

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Danny Le đã tham gia phiên thảo luận chủ đề "Chiến lược tái cấu trúc các tập đoàn thông qua M&A" nhằm chia sẻ thành công của Masan Group trong việc tối ưu và tạo ra sự tăng trưởng đột phá thông qua chiến lược M&A.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ, 25 năm trước, Masan tập trung vào mảng gia vị, sau đó Tập đoàn này nhìn thấy nhiều tiềm năng khác ở hàng tiêu dùng nhanh, nên mở rộng sang ngành hàng mì, thức uống.

Ngoài ra, Masan cũng phát triển theo chiều ngang với những mặt hàng khác dựa vào khả năng đánh giá và tín hiệu của thị trường. "Vừa rồi chúng tôi mua Netco. Chúng tôi nhìn vào tín hiệu thị trường để mua những các thương hiệu giàu tiềm năng", ông Danny Le nói và cho biết, về chiều dọc, chiến lược của Masan là phục vụ khách hàng và người tiêu dùng cuối cùng. 

"Thông qua M&A là một trong những cách thức để chúng tôi thực thi các chiến lược mới. Chúng tôi nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để quyết định và triển khai thực hiện theo công nghệ mới trên nền tảng 4.0", Tổng Giám đốc Masan cho hay.

Masan Group được bình chọn là công ty có thương vụ M&A tiêu biểu năm 2019-2020 - Ảnh 3.

CEO Masan Group – ông Danny Le tại phiên thảo luận của Diễn đàn M&A 2020 (Ảnh: Masan)

Bích Thu