|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Margin' mang lại lợi nhuận thế nào cho công ty chứng khoán?

05:00 | 09/10/2023
Chia sẻ
Doanh nghiệp chứng khoán được cho là “cầm đằng chuôi”, vì có thể chủ động bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ, nhưng công ty vẫn có thể “đứt tay” với margin nếu quản trị rủi ro không hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần từ đầu năm đến nay, do đó, mặt bằng lãi suất huy động cũng thấp hơn, khiến cho dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh khác; trong đó có thị trường chứng khoán. Điều này cũng cải thiện nhu cầu sử dụng margin (vay giao dịch ký quỹ), từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận cho các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, margin giống như “dao 2 lưỡi” với cả nhà đầu tư và doanh nghiệp. Dù hoạt động cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán được cho là ít rủi ro đối với họ, do doanh nghiệp “cầm đằng chuôi”, vì có thể chủ động bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ. Tuy nhiên, công ty chứng khoán vẫn có thể “đứt tay” với margin nếu quản trị rủi ro không hiệu quả.

Nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư tăng cao. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Thực tế, công ty chứng khoán đã đẩy mạnh hoạt động cho vay khi thị trường giao dịch sôi động trở lại từ tháng 4/2023.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý II/2023 của doanh nghiệp chứng khoán, hoạt động cho vay ước tính mang lại cho các công ty chứng khoán tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng tiền lãi, tăng khoảng 500 tỷ đồng so với cuối quý I và tương đương quý cuối năm ngoái. Như vậy, sau 4 quý liên tiếp bị thu hẹp, nguồn thu này của các công ty chứng khoán đã tăng trở lại.

Ở đa số các công ty chứng khoán, nguồn thu này đã hồi phục mạnh so với quý I liền trước, thậm chí vượt quý II cùng kỳ năm ngoái.

Có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities – TCBS), doanh nghiệp này có thu nhập lãi từ các khoản cho vay ký quỹ đạt 398 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với quý I/2023.

TCBS cho biết, những động thái cắt giảm lãi suất điều hành quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ cho nền kinh tế đã giúp thu hút nguồn tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Với chính sách quản trị rủi ro thận trọng và hệ thống quản lý rủi ro cho vay margin tự động giúp TCBS tự tin tăng trưởng số dư cho vay, qua đó, khách hang có thể tối đa hóa cơ hội lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.

Việc TCBS tăng gần gấp đôi vốn chủ cũng mở thêm dư địa cho vay ký quỹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp các gói cho vay linh hoạt (Dynamic margin và Margin T+) cũng như cam kết vốn cho vay ổn định đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Tiếp đến, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) có lãi từ cho vay margin đạt 278,87 tỷ đồng, tăng 35% so với quý I/2023. Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có lãi từ hoạt động margin đạt 161,6 tỷ đồng trong quý II, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (VIX), quy mô cho vay margin tính đến cuối quý II là hơn 1.378 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 32% so với quý II cùng kỳ năm ngoái, lên 49 tỷ đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Chứng khoán Vietcombank - VCBS) có lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 10,7% lên 110,6 tỷ đồng.

Cho vay margin là mảng nghiệp vụ quan trọng của nhóm doanh nghiệp chứng khoán, lãi từ hoạt động này thậm chí còn là nguồn thu lớn nhất đối với nhiều công ty. Do đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong mảng này cũng rất lớn.

Thực tế, các công ty chứng khoán đang bước vào cuộc đua cho vay margin với việc giảm lãi suất, khuyến mãi. Điều này càng được đẩy mạnh khi lãi suất ngân hàng đã giảm.

Cụ thể, từ 1/9 - 30/11/2023, Công ty cổ phần chứng khoán SSI (SSI) thông báo triển khai chương trình "Hoàn lãi Margin" và “M9 - Sức mạnh margin: 'Vay' càng nhiều, lãi suất càng “Yêu”. Theo đó, lãi suất cho vay margin áp dụng từ 9 - 11%/năm dành cho khách hàng có số dư nợ bình quân trong tháng từ 3 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, SSI còn áp dụng chính sách hoàn lãi margin lên đến 30%. Cụ thể, khách hàng có mức dư nợ bình quân từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trong tháng sẽ được hoàn lại 300.000 đồng; dư nợ bình quân từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng sẽ được hoàn lãi 500.000 đồng...

Doanh nghiệp chứng khoán tung ra nhiều chính sách cho vay. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Techcombank (TCBS) ngày 1/9 cũng thông báo thay đổi lãi suất cho vay margin áp dụng cho toàn bộ khách hàng phổ thông.

Theo đó, gói vay linh hoạt T3 có lãi 3%/năm trong 3 ngày đầu tiên và sau đó là 18,25%/năm (tương đương 0,05%/ngày). Đối với lãi suất gói vay linh hoạt T5 có mức 10%/năm.

Trước đó, TCBS đã giảm lãi suất cho vay margin chung từ 13,7%/năm xuống còn 12,99%/năm. Công ty cũng đưa ra chương trình khuyến mại "Vay ưu đãi, lãi tri ân" với mức lãi suất chỉ 9,9%/năm từ đầu tháng 8 và kéo dài đến 6/10...

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) áp dụng chương trình margin 7 ngày không lãi suất. Sau thời hạn này, khách hàng sẽ phải trả lãi vay 15%/năm. Đối với chương trình margin T14 thì trong 14 ngày đầu tiên khách hàng chỉ trả lãi 8%/năm và từ ngày 15 trở đi áp dụng lãi suất 15%/năm...

Theo Chuyên gia phân tích Nguyễn Thị Phương Thanh tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), với hoạt động cho vay ký quỹ nhộn nhịp hơn, các công ty dịch vụ tài chính sẽ có khả năng mở rộng thu nhập ký quỹ như Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Chứng khoán BIDV và Công ty cổ phần Chứng khoán MB.

Thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích do margin đem lại cho cả doanh nghiệp và nhà tư. Tuy nhiên, nhìn lại diễn biến giao dịch năm 2022 có thể thấy, những giai đoạn thị trường “ám ảnh” vì trạng thái "call margin chéo" (thay vì bán cổ phiếu dùng để thế chấp vay margin, công ty chứng khoán đã bán giải chấp những cổ phiếu khác của nhà đầu tư để thu hồi margin do cổ phiếu thế chấp vay margin không có thanh khoản) xảy ra liên tiếp trên thị trường.

Điều này khiến giá cổ phiếu liên tục giảm sàn, kể cả các mã cổ phiếu không dùng để thế chấp vay margin. Do đó làm “méo mó” bản chất giao dịch của thị trường chung, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nhà đầu tư và ngay cả chủ nợ là công ty chứng khoán.

Áp lực giải chấp cùng các lệnh “call margin” (lệnh gọi ký quỹ) thực sự trở thành nỗi ám ảnh của nhà đầu tư, đồng thời cũng khiến nhiều công ty chứng khoán “chôn vốn” do không thể bán giải chấp các cổ phiếu.

Áp dụng vào diễn biến hiện tại, có thể nhận thấy, hiện tượng căng margin là một trong những nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh trong giai đoạn này.

Trong hai phiên 25 và 26/9, có cả trăm cổ phiếu rơi vào tình trạng “trắng” bên mua, dù dưới góc nhìn phân tích cơ bản các mã này vẫn có nhiều triển vọng.

Theo đó, hiện tượng force sell (xuất hiện khi tỷ lệ ký quỹ xuống thấp hơn ngưỡng xử lý mà công ty chứng khoán đặt ra) đã diễn ra vào cuối phiên sáng 27/9, khi một loạt cổ phiếu bị bán mạnh, đẩy VN-Index có thời điểm lùi xuống gần 1.120 điểm.

Đến phiên 3/10, hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm tương đối mạnh, hàng loạt mã thậm chí còn giảm sàn với nhiều mã "trắng bên mua".

Áp lực bán giải chấp cổ phiếu là một trong những nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVNTrong báo cáo chiến lược thị trường tháng 9/2023, Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (DSC) cho biết, dư nợ margin toàn thị trường hiện ước đạt 150 nghìn tỷ đồng. Đây không phải là ngưỡng cao nhất từ trước đến nay, do margin toàn thị trường đã có thời điểm đạt ngưỡng xấp xỉ 200 nghìn tỷ đồng.

Dư địa cho vay, cung ứng margin của các công ty chứng khoán cũng đã được nâng lên ngưỡng mới sau những đợt tăng vốn và hiện tại còn rất dồi dào.

Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện tỷ lệ đòn bẩy, tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa sàn HOSE đã vượt 3,2% và ở vùng cao nhất lịch sử.

Nếu có một “cơn gió ngược” nào đó, ngưỡng đòn bẩy cao là rủi ro lớn với thị trường. Không phải ngẫu nhiêu mà ở cả các thị trường phát triển, ngưỡng dư nợ margin/vốn hóa cũng hiếm khi vượt 3%, DSC nhìn nhận.

Theo DSC, ở Mỹ, đó là giai đoạn 2007-2008 hay Trung Quốc là giai đoạn 2015-2016. Sau các giai đoạn đó, thị trường đều chứng kiến những đợt hạ đòn bẩy. “Lưu ý, đòn bẩy cũng có thể được giảm qua việc dư nợ cho vay ổn định trong khi giá cổ phiếu tăng khiến vốn hóa tăng”, DSC cho hay.

Từ thực tế quản trị rủi ro tại công ty chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, đa phần các công ty chứng khoán đã thận trọng hơn trong quản trị rủi ro.

Ông Minh cho biết, tình hình tài chính của doanh nghiệp là một trong các yếu tố để công ty chứng khoán xác định tỷ lệ cho vay.

Danh mục cho vay ký quỹ vì vậy có nhiều thay đổi sau khi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp công bố, nhất là với các nhóm ngành không hồi phục như kỳ vọng.

Hiện nay, theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Do đó, nhiều công ty chứng khoán đã thực hiện tăng vốn để đáp ứng quy định và nhu cầu nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) cho biết, thống kê từ 25 công ty chứng khoán, tổng vốn điều lệ ở cuối quý I/2021 gần 45.000 tỷ đồng, đến cuối quý II/2023 đã xấp xỉ 111.500 tỷ đồng. Trong 2 năm trở lại đây, nhiều công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn với tốc độ rất nhanh chóng để cạnh tranh giành thị phần.

SBS nhận định, nguồn vốn giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính để mở rộng hoạt động tín dụng và đầu tư vào cổ phiếu, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tạo ra nhiều cơ hội cho vay hơn trong bối cảnh thị trường cải thiện và nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư cao hơn.

Tuy nhiên, với việc tăng vốn, sẽ có áp lực lớn đối với các công ty trong việc duy trì tỷ suất sinh lời. Sự pha loãng kết hợp với các yếu tố thị trường, các công ty chứng khoán sẽ khó duy trì mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) như giai đoạn trước.

Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khó có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng vốn, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm.

Trên thực tế, sẽ phải mất nhiều năm mới hấp thụ được dòng tiền từ việc tăng vốn nên ROE giảm là điều khó tránh khỏi, SBS nhìn nhận.

Văn Giáp

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.