Mạnh Vãn Châu đã được trả tự do, nhưng Huawei không biết bao giờ mới thoát khỏi 'danh sách đen' của Mỹ
Khi giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu được trả tự do và trở về nhà vào tháng này sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài gần ba năm ở Canada, tâm trạng các nhân viên của Huawei cũng như người dân Trung Quốc, đã rất phấn chấn.
Nhưng sự nhẹ nhõm đối với gia đình bà Mạnh không đồng nghĩa với việc mà cho rằng tập đoàn cũng đã được "trả tự do" tương tự. Huawei vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt thương mại khắc nghiệt của Mỹ vốn đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Khả năng Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei nhập khẩu chip cao cấp trở lại nhanh chóng vẫn còn thấp, SCMP nhận định. Điều này có nghĩa là việc hãng đánh mất thị phần ở phân khúc phần mềm và dịch vụ có thể sẽ vẫn tiếp tục trong một thời gian tới, theo các nhà phân tích.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế cao cấp về Châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, cho biết: “Điện thoại thông minh từng là con gà đẻ trứng vàng cho Huawei, về mặt tạo ra dòng tiền để hỗ trợ các ngành kinh doanh khác nhưng lợi thế đó giờ đã không còn nữa”.
Huawei không có lựa chọn nào khác ngoài việc đặt hy vọng vào phần mềm và dịch vụ đám mây, nhưng điều đó "không có khả năng bù đắp hoàn toàn cho những tổn thất trong hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay của họ".
Một ngày sau khi chuyến bay của hãng hàng không Air China chở bà Mạnh hạ cánh ở Thâm Quyến, Huawei đã tổ chức một chuyến tham quan báo chí nho nhỏ để quảng bá cách các dịch vụ mạng di động 5G của tập đoàn có thể được ứng dụng trong bệnh viện và xe cứu thương, một trong những lĩnh vực mới mà Huawei đang nhắm mục tiêu.
Sự trở lại của bà Mạnh đã được truyền thông nhà nước Trung Quốc phát sóng trực tiếp, ca ngợi vai trò mạnh mẽ của đất nước trong việc đảm bảo việc trả tự do cho "công chúa Huawei". Nhưng các nhà phân tích đang bất đồng với nhau về ý nghĩa thực sự của sự kiện này đối với mối quan hệ lâu dài Mỹ - Trung, với Huawei tiếp tục mắc kẹt giữa hai làn đạn.
Trên đường trở về quê nhà, bà Mạnh được tháp tùng bởi Tùng Bồi Vũ, đại sứ Trung Quốc tại Canada. Tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một đoạn xã luận vào hôm thứ Bảy nói rằng “việc giam giữ vô cớ” của bà Mạnh là một phần trong âm mưu của Mỹ nhằm cản trở sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.
Thỏa thuận hoãn truy tố của bà Mạnh đã trả tự do cho bà với điều kiện đồng ý với "việc khai ra sự thật" về vụ việc của mình, bao gồm cả việc thừa nhận đưa ra "các thông tin sai lệch một cách cố ý" cho HSBC về các giao dịch kinh doanh của Huawei ở Iran và rằng Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, bà Mạnh đã không nhận tội với cáo buộc gian lận và lừa đảo. Các cáo buộc sẽ được hủy bỏ vào tháng 12 năm 2022 theo thỏa thuận, điều này sẽ khiến hồ sơ của bà vẫn trong sạch. Bộ Tư pháp Mỹ cũng rút lại yêu cầu dẫn độ bà từ Canada sang Mỹ.
Li Yi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, một tổ chức tư vấn của chính phủ, cho biết sự trở lại của bà Mạnh có thể được coi là một dấu hiệu đầy hứa hẹn đối với Huawei.
“Sự trở lại này đánh dấu tình hình quan hệ Trung - Mỹ không còn như dưới thời Tổng thống Trump. Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước chưa thể trở lại như trước, nhưng nó đang bước vào giai đoạn bình thường hóa tuân theo các quy luật của thị trường và kinh tế, và Huawei nên được coi là một công ty kinh doanh bình thường hơn là một biểu tượng chính trị ”, Li nói.
Trong khi đó, theo ông Xie Zhaohui, một chuyên gia ngành viễn thông, người điều hành blog nổi tiếng ICT thì Huawei nên có giải pháp càng sớm càng tốt.
"Lệnh cấm Huawei sẽ sớm có kết quả và hai bên [Mỹ và Trung Quốc] có thể đã có một kế hoạch toàn diện cho nó trước khi bà Mạnh được thả", Xie Zhaohui chia sẻ. Ông nói thêm rằng có thể có một thỏa thuận kiểu ZTE, trong đó đối thủ cạnh tranh này của Huawei trả tiền phạt để chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu từ giới chức Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Các biện pháp trừng phạt đối với Huawei đã được cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện trong thời điểm căng thẳng thương mại với Trung Quốc lên đến đỉnh điểm. Tổng thống Joe Biden phần lớn vẫn giữ áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc trong năm nay, và Huawei vẫn bị cắt đứt kết nối với các chip tiên tiến cũng như các công cụ sản xuất chip dựa trên công nghệ của Mỹ.
Trước khi hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Huawei đã bán thiết bị mạng cho 45 trong số 50 nhà mạng hàng đầu thế giới, phục vụ hơn một phần ba dân số thế giới. Công ty cũng là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc, đánh bại các tên tuổi nước ngoài hàng đầu như Apple và Samsung và một loạt các đối thủ cạnh tranh trong nước trẻ hơn, như bộ sản phẩm của Xiaomi và BBK Electronics gồm các thương hiệu nổi tiếng Vivo, Oppo và Realme.
Mặc dù vậy, thời thế đã thay đổi. Theo Counterpoint Research, Huawei chỉ chiếm 10% thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc trong quý II, giảm sâu so với 72% cùng kỳ năm ngoái.
Eric Xu Zhijun, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào tuần trước rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã dẫn đến thiệt hại ít nhất 30 tỷ USD cho hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei một năm và sẽ mất nhiều năm trước khi công ty có thể giải quyết vấn đề này bằng lợi nhuận từ các thị trường khác.
Tuy nhiên, đối với 200.000 nhân viên của Huawei, sự trở lại của bà Mạnh đã là một động lực thúc đẩy tinh thần.
Percy Liu, một nhân viên 27 tuổi của Huawei có trụ sở tại Bắc Kinh, đã thấy WeChat của anh sáng lên với các thông báo vào thứ Bảy khi tin tức về việc trả tự do của bà Mạnh được lan truyền. Những thông điệp vui mừng từ các đồng nghiệp bày tỏ sự ủng hộ đối với vị Giám đốc tài chính 49 tuổi.
“Các đồng nghiệp của tôi liên tục cập nhật tình trạng chuyến bay của bà Mạnh, bài phát biểu và nội dung yêu nước của bà ấy. Các nhân viên cho sếp của họ thấy được rằng mình quan tâm đến bất kỳ tiến triển nào mà tập đoàn giành được khi giải quyết các vấn đề với Mỹ” Liu nói.
Nhưng liệu cảm xúc lạc quan có đủ để thay đổi thực tế lạnh lùng?
Arisa Liu, chuyên gia nghiên cứu công nghệ cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết bà không coi việc trả tự do cho bà Mạnh là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.
Bà bình luận: “Mỹ và Trung Quốc đều biết rằng mối quan hệ của họ sẽ khó khôi phục lại trạng thái trước đây và sẽ chỉ có những chia rẽ trong tương lai mà thôi."