'Mạnh tay xử lý các doanh nghiệp Nhà nước không công bố thông tin'
|
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng yêu cầu nếu tới hạn mà doanh nghiệp không công bố thông tin thì các bộ, ngành, địa phương phải công khai tên các đơn vị này rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để xã hội.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư giám sát, thúc ép lãnh đạo các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đổi mới sản xuất để bảo toàn và phát triển đồng vốn Nhà nước.
"Không để tình trạng tranh tối, tranh sáng làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Vì vậy, tới hạn mà doanh nghiệp không cố bố thông tin định kỳ hay sau một năm thực hiện cổ phần hóa mà doanh nghiệp Nhà nước không niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải thực hiện công bố, công khai tên doanh nghiệp đó.
Trước đó vào trung tuần tháng 10/2016, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 81; báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định và đề xuất xử lý đối với các vi phạm về công bố thông tin.
Trong số 620 doanh nghiệp phải công bố thông tin thì chỉ có 241 đơn vị gửi thông tin tới Bộ. Còn lại 379 doanh nghiệp vị không thực hiện công bố thông tin (chiếm hơn 60%).
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết, trong số 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin thì hầu hết trong số này chưa công bố đẩy đủ 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố. Trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 4/9 loại báo cáo.
Trong số khoảng 379 doanh nghiệp còn lại chưa thực hiện công bố thông tin, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, doanh nghiệp là các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.
Đặc biệt các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 81.
Trong số 41 tập đoàn (TĐ) và tổng công ty (TCT) Nhà nước, chỉ có hai là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty (TCT) Xây dựng số 1 thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc công bố 9/9 báo cáo đến hạn công bố thông tin theo quy định.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mới chỉ có 7 Bộ ngành, 7 tỉnh thành và 6 tập đoàn kinh tế có chuyên mục riêng về công bố thông tin theo quy định. Trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đầy đủ các báo cáo.
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán của các doanh nghiệp đã IPO cũng còn chậm trễ. Nếu không có sự thúc ép từ Thủ tướng Chính phủ thì chưa chắc Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2016 và đầu năm 2017 vừa qua.
Hơn 60% doanh nghiệp Nhà nước chưa công bố thông tin |