Mảnh ghép Phúc Long đang có vai trò gì trong hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ của Masan Group?
Tại báo cáo mới nhất của mình, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) đã một lần nữa khẳng định giá trị khoản tiền 280 triệu USD để thâu tóm 85% cổ phần Phúc Long Heritage - đơn vị sở hữu chuỗi đồ uống Phúc Long.
Phúc Long có biên EBITDA cao nhất trong ngành F&B
Kể từ khi trở thành một phần trong hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng của Masan, Phúc Long đã có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu và số lượng cửa hàng.
Năm ngoái, Phúc Long đạt doanh thu 1.579 tỷ đồng và EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) đạt 195 tỷ đồng. Phúc Long đã mở thêm con số kỷ lục 23 cửa hàng flagship mới và hai cửa hàng mini trong quý IV/2022, nâng tổng số lên 111 cửa hàng đại diện thương hiệu và 21 cửa hàng mini vào cuối năm 2022, tăng gần gấp đôi số lượng cửa hàng kể từ khi Masan lần đầu đầu tư vào công ty năm 2021.
Các cửa hàng flagship đã mang lại hiệu quả kinh tế trong top đầu, trong đó, biên EBITDA cấp cửa hàng và công ty lần lượt đạt 31% và 25%, mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các chuỗi F&B trên toàn cầu.
Phía doanh nghiệp lý giải điều này là nhờ khả năng tạo doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp 2-3 lần so với các doanh nghiệp nội địa trong cùng ngành hàng. Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, các cửa hàng flagship đã đạt biên EBITDA là 26%/cửa hàng vào năm 2022.
Tất cả những yếu tố này mang lại kết quả tài chính khả quan cho các cửa hàng flagship, với doanh thu đạt 1.153 tỷ đồng và EBITDA đạt 332 tỷ đồng vào năm 2022.
Quá trình thử nghiệm mô hình kiosk đã không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu, do đó Masan đã quyết định đóng cửa 150 kiosk trong 6 tháng cuối năm 2022. Masan cho biết đang điều chỉnh mô hình này trong nửa đầu năm 2023 trước khi tiếp tục mở rộng quy mô.
Mục tiêu trở thành chuỗi đồ uống lớn thứ hai ở Việt Nam
Trong báo cáo, Masan cho biết Phúc Long cũng đã có những bước tiến lớn trong việc tiếp cận khách hàng thông qua nhiều kênh, bao gồm dịch vụ giao hàng và tiêu dùng tại cửa hàng. Doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 35% tổng doanh thu.
Doanh thu từ trà chiếm hơn 70% tổng doanh thu nhờ thương hiệu trà được yêu thích của Phúc Long và lượng khách hàng từ 18 đến 35 tuổi yêu thích các sản phẩm trà của Phúc Long thay cho cà phê và trà sữa.
Có thể thấy, dưới sự điều hành của Masan, chuỗi Phúc Long đang đứng thứ hai về doanh thu và đứng thứ nhất về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa. Phúc Long đặt mục tiêu sẽ trở thành thương hiệu đứng thứ hai về số lượng cửa hàng vào II năm nay.
Trong năm 2023, Phúc Long kế hoạch mở 75-90 cửa hàng flagship mới và triển khai tích hợp khách hàng thân thiết vào chương trình hội viên WIN của Masan. Trong nửa cuối năm, Phúc Long sẽ tăng cường đổi mới thực đơn để bổ sung những sản phẩm mới.
Dư địa tăng trưởng
Trích dẫn số liệu từ Euromonitor, Masan cho biết các cửa hàng cà phê và trà đặc sản tiêu dùng bên ngoài sẽ tăng trưởng 8,6%/năm từ 1,2 tỷ USD trong năm 2022 lên 1,5 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, chuỗi cửa hàng cà phê và trà tăng 10%/năm từ 626 triệu USD lên 833 triệu USD, vượt xa tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng độc lập với tốc độ 7%/năm.
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ trà bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia khác có nền văn hóa trà tương tự, điều này mang lại lợi thế đáng kể cho thị trường trà. Mặc dù chỉ chiếm 7% tổng số chuỗi cửa hàng trà & cà phê nhưng Phúc Long đóng góp 11% doanh thu và đứng thứ hai thị trường xét về quy mô doanh thu.
Ngoài việc chinh phục thị trường tiêu thụ trà bán lẻ (ăn uống bên ngoài), Phúc Long còn đặt mục tiêu chinh phục thị trường tiêu dùng tại nhà bằng cách tận dụng sức mạnh thương hiệu mạnh của mình trong lĩnh vực trà.
Mức tiêu thụ trà tại nhà (trà đóng gói và trà uống liền) được dự báo đạt quy mô thị trường xấp xỉ 2,3 tỷ USD vào năm 2027, hiện đang được kiểm soát bởi các công ty đa quốc gia hoặc các công ty truyền thống trong nước, đã đạt độ phát triển đủ để tạo đột phá cho một thương hiệu nổi tiếng về chất lượng trà thu hút đối với phân khúc khách hàng trẻ tuổi.
Trong quý II/2021, Masan thông qua công ty con sở hữu hoàn toàn là Sherpa, mua lại 20% cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage, và sau đó, vào tháng 1 và tháng 8 năm 2022 đã mua thêm 31% và 34% cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 85%. Từ đây, chuỗi đồ uống Phúc Long chính thức về tay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.
Masan nhận định Phúc Long Heritage là chuỗi cửa hàng trà và cà phê hàng đầu tại Việt Nam với tệp người tiêu dùng trẻ đông đảo và trung thành. Khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage giúp Masan phục vụ nhu cầu giải trí/nghỉ ngơi của người tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu ăn uống ở hàng quán bên cạnh nhu cầu ăn uống tại nhà.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/