Mặc kệ tỷ giá trung tâm!
Diễn biến giá các cổ phiếu nằm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước như Petrolimex, Sabeco, Vinamilk... đang được bộ phận kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng theo dõi khá sát khi quyết định giá giao dịch ngoại tệ với khách hàng. Ảnh: Thành Hoa |
Bộ phận kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại giờ đây có thêm một chỉ số để quan sát khi quyết định giá giao dịch ngoại tệ với khách hàng, đó là VN-Index. Chính xác hơn, họ theo dõi diễn biến giá cổ phiếu Vinamilk, Sabeco, Habeco, Petrolimex... Nói chung là những cổ phiếu nằm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước.
Việc bán vốn, cho dù chia làm nhiều đợt, tính tổng cộng sẽ mang về cho Nhà nước hàng tỉ đô la Mỹ và đây rõ ràng là sự bổ sung không thể bỏ qua đối với nguồn cung ngoại tệ.
Sự theo dõi giá những cổ phiếu trên sát sao đến mức thậm chí đại diện một ngân hàng nhấn mạnh nước ngoài suốt mấy tháng qua tháng nào cũng mua ròng khoảng 100 triệu đô la Mỹ cổ phiếu Vinamilk. “Họ cung ứng cho thị trường nguồn cung vài trăm triệu đô la Mỹ rồi, không hề nhỏ” - vị đại diện nọ nói.
Bất chấp cán cân thương mại từ đầu năm đến nay đang nhập siêu với mức 2,74 tỉ đô la Mỹ theo Tổng cục Hải quan, nhưng cung cầu ngoại tệ trên thị trường khá cân bằng.
Bóc tách cụ thể, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm ngoái xuất siêu, thì năm nay nhập siêu so với cùng kỳ. Tuy nhiên phần lớn các giao dịch ngoại tệ của khối doanh nghiệp FDI đều nằm ở ngân hàng 100% vốn nước ngoài và điều này thực tế không ảnh hưởng nhiều đến cung cầu thị trường. Chẳng hạn kim ngạch xuất nhập khẩu của Samsung rất lớn, song giao dịch của họ không thực hiện tại các ngân hàng trong nước, do đó giả sử tập đoàn này nhập siêu cả tỉ đô la Mỹ, cũng không đến lượt các tổ chức tín dụng nội phải lo.
Sự ổn định của tỷ giá hiện rõ trên bảng niêm yết giá mua bán ngoại tệ hàng ngày của các ngân hàng. Ngày đầu năm 2-1-2017 giá đô la Mỹ chuyển khoản bán ra được các ngân hàng niêm yết ở mức 22.790 đồng/đô la Mỹ; ngày 6-5-2017 là 22.770 đồng/đô la Mỹ. Trong hơn bốn tháng qua cũng có thời điểm các ngân hàng nâng giá bán ra đến 22.890 đồng/đô la Mỹ, nhưng nó hạ xuống rất nhanh khi nguồn cung được các ngân hàng tung ra chốt lời hoặc bán trước rồi đợi mua lại ở mức giá thấp hơn.
Các dự báo từ phía các tổ chức tài chính và giới quan sát cho thấy mặt bằng lãi suất sẽ không giảm, đồng thời cũng khó biến động mạnh trong thời gian tới.
Điều đáng chú ý là tỷ giá của ngân hàng đã không biến động trong khi tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hàng ngày tăng dần đều, từ mức 22.159 đồng/đô la Mỹ ngày 2-1-2017 lên 22.353 đồng/đô la Mỹ ngày 6-5-0217, tương đương tăng 0,875%. Tỷ giá mua vào của Sở Giao dịch NHNN gần đây tăng 100 đồng/đô la Mỹ, lên 22.675 đồng/đô la Mỹ, còn giá bán ra đã vượt mốc 23.000 đồng, lên 23.004 đồng/đô la Mỹ. Có vẻ như NHNN đang hướng đến mục tiêu điều hành tỷ giá năm nay là đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 2-2,5% so với đô la Mỹ.
Mặc kệ tỷ giá trung tâm chạy, tỷ giá của các ngân hàng thương mại “bình chân như vại”. Nguyên nhân nào? Các ngân hàng chuyển sang kinh doanh tiền đồng và kiếm lời tốt hơn.
Thứ nhất tín dụng đang tăng trưởng mạnh. Lần đầu tiên trong năm năm qua, tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống cao hơn tăng trưởng huy động vốn. Tín dụng vẫn là nguồn thu chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngân hàng, nên khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đi lên, ngân hàng đương nhiên tập trung cho tín dụng.
Thứ hai mặt bằng lãi suất đang đứng ở mức tương đối cao. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng trong vòng 120 ngày gần nhất luôn trên 4%/năm và cuối tuần trước tạm dừng ở 4,48%/năm theo dữ liệu của NHNN. Không thiếu ngày trong tháng 3 và 4-2017 lãi suất tiền đồng qua đêm liên ngân hàng nhảy qua 5%/năm. Với lãi suất đó không ngân hàng nào lại dùng tiền đồng để mua ngoại tệ và nắm giữ dài ngày, nói thẳng là đầu cơ cả. Một khi chi phí phải bỏ ra để đầu cơ ngoại tệ vượt quá lợi nhuận có thể kỳ vọng, tốt nhất là kinh doanh tiền đồng.
Hãy thử làm phép tính. Một ngân hàng hy vọng đạt được mức lợi nhuận 0,5% từ kinh doanh ngoại tệ trong một tháng, như vậy tiền đồng phải mất giá ít nhất 1% so với đô la Mỹ trong tháng đó, bởi chi phí sử dụng tiền đồng để nắm giữ ngoại tệ sẽ không thấp hơn 5%/năm, tức 0,417%/tháng (lãi suất kỳ hạn một tháng trên thị trường liên ngân hàng). Thế nhưng từ đầu năm đến nay chẳng có tháng nào tiền đồng biến động đến mức mất giá 1% so với đô la Mỹ cả.
Điều hành tiền tệ năm nay của NHNN đã có sự linh hoạt hơn hẳn so với năm ngoái trong mối tương quan giữa lãi suất và tỷ giá. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng không thiếu, nhưng không còn thừa đến mức lãi suất qua đêm liên ngân hàng có lúc xuống tới 0,5%/năm như trong năm 2016. NHNN đang sử dụng thường xuyên và hiệu quả hơn các công cụ bơm hút tiền như phát hành tín phiếu ngân hàng, thị trường mở và kỳ hạn của những giấy tờ có giá trên cũng liên tục thay đổi dựa trên sự đánh giá các tín phiếu đáo hạn và nhu cầu thị trường.
Đến cuối tháng 4-2017 lượng tiền bơm qua thị trường mở đang lưu hành là 31.000 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 19.400 tỉ đồng, theo NHNN. Các dự báo từ phía các tổ chức tài chính và giới quan sát cho thấy mặt bằng lãi suất sẽ không giảm, đồng thời cũng khó biến động mạnh trong thời gian tới nhằm tiếp tục ổn định tỷ giá và nâng tăng trưởng vốn huy động. NHNN sẽ phải dùng những công cụ khác để giảm lãi suất đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng GDP.
[Thị trường trong nước ngày 12/5] Giá vàng SJC tăng phổ biến 60.000 đồng, tỷ giá trung tâm 'hạ nhiệt'
Trên thị trường trong nước ngày 12/5, giá vàng SJC chung xu hướng phục hồi trong khi tỷ giá trung tâm lại giảm nhẹ. |
Sức ép nào lên tỷ giá trong năm 2017
Nhập siêu gia tăng, biến động nguồn cung ngoại tệ, thay đổi chính sách lãi suất của Fed và biến động chỉ số (USD) Dollar ... |
NHNN trở lại hút ròng mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua
Cùng với đó là diễn biến tăng nhẹ của lãi suất liên hàng. |