|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lyft thách thức gã khổng lồ Uber bằng hình ảnh 'tử tế'

21:13 | 30/03/2019
Chia sẻ
Bằng cách xây dựng hình ảnh thân thiện, tử tế qua những sáng kiến quan tâm hơn đối với các tài xế đối tác và khách gọi xe cũng như môi trường, công ty khởi nghiệp Lyft đã kiên trì chống chọi và trở thành kẻ thách thức đáng gờm của Uber tại thị trường gọi xe ở Mỹ.

Nỗ lực xây dựng hình ảnh đẹp

Hôm 29-3, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), giá cổ phiếu Lyft tăng 8,7% lên mức 78,29 đô la, giúp vốn hóa thị trường của Lyft đạt 26,4 tỉ đô la. Hôm trước đó, Lyft đã tiến hành IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 32,5 triệu cổ phiếu với mức giá 72 đô la/cổ phiếu, thu về 2,34 tỉ đô la.

Động thái IPO và niêm yết cổ phiếu đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển đầy gian truân của Lyft khi hãng gọi xe này luôn trong tình trạng bị Uber đe dọa bóp nghẹt.

Song Lyft hy vọng sẽ thuyết phục được giới đầu tư rằng hình ảnh tử tế (nice guy) mà công ty này gầy dựng trong nhiều năm qua sẽ mang lại thành quả.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập Lyft John Zimmer nói: “Vào những ngày đầu khi Lyft mới thành lập, mọi người hiểu sai và nói: ‘Bạn là công ty tử tế rồi bạn sẽ bị nghiền nát bởi một đối thủ có sức mạnh cạnh tranh hơn’. Chúng tôi nói: ‘Không, chúng tôi vẫn rất cạnh tranh nhưng đối xử tốt với các nhân viên, các đối tác tài xế cũng như tôn trọng các cộng đồng địa phương nơi mà chúng tôi hoạt động vì những điều này cũng rất có lợi cho công viêc kinh doanh”.

Ngay từ khi thành lập vào năm 2012, Lyft đã xây dựng hình ảnh thương hiệu như là công ty gọi xe thân thiện, quan tâm tài xế và khách đi xe hơn so với Uber.

Hôm 26-3, Lyft công bố Dịch vụ tài xế Lyft (Lyft Driver Services) để cung cấp cho các tài xế thẻ ghi nợ có tên gọi Lyft Direct, giúp họ rút tiền thu nhập sau mỗi cuốc xe từ 20.000 máy ATM nhưng không cần trả phí rút tiền. Các tài xế Lyft cũng có thể sử dụng thẻ ghi nợ Lyft Direct để mua xăng, thực phẩm với mức chiết khấu từ 1-4% ở một số điểm được lựa chọn trước.

Dịch vụ tài xế Lyft cũng bao gồm hàng chục gara sửa chữa và bảo dưỡng xe cộ với mức phí trẻ dành cho tài xế Lyft. Dự kiến trong năm nay, Lyft sẽ khai trương 35 gara như vậy và sẽ tính phí sửa chữa trẻ hơn 50% so với mức thông thường.

Chủ tịch Lyft John Zimmer tin rằng những nỗ lực hỗ trợ tài xế sẽ giúp Lyft trở nên nổi bật hơn so với Uber.

Trong tuần qua, Lyft thông báo cung cấp ít nhất 50 triệu đô la mỗi năm cho các thành phố ở Mỹ để hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu và cung cấp các cuốc xe miễn phí cho những người gặp khó khăn, chẳng hạn như nạn nhân trong các thảm họa thiên nhiên.

Mức định giá của Lyft vẫn kém xa so với mức định giá dự báo 120 tỉ đô la của Uber trong đợt IPO của Uber vào tháng sau. Uber được định giá cao nhờ sự hiện diện ở thị trường quốc tế và mở rộng ra các lĩnh vực khác bao gồm giao đồ ăn và vận chuyển hàng hóa.

Tuy quy mô hoạt động lớn hơn, Uber vẫn bị Lyft bám sát gót tại thị trường Mỹ trong lĩnh vực gọi xe. Hai công ty này vẫn đang so kè quyết liệt trong các lĩnh vực đi chung xe (car-pooling), dùng chung xe scooter điện, xe đạp.

Cả hai công ty đều đang thua lỗ vì trợ giá cho người dùng để giành giật thị phần nhưng tại Mỹ, Lyft đang “bào mòn” thị phần thống lĩnh của Uber trong lĩnh vực gọi xe. Lyft cho biết tính đến tháng 12-2018, thị phần gọi xe của công ty này ở Mỹ đạt mức 39%, so với mức 35% vào đầu năm 2018.

Một số thành công của Lyft là nhờ tận dụng được các khó khăn của Uber khi hãng gọi xe này vẫn đang trong quá trình phục hồi sau hàng loạt vụ bê bối trong năm 2017, bao gồm các cáo buộc quấy rối tình dục nhằm vào các nhân viên nữ của Uber, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Travis Kalanick  bị buộc phải từ chức và sự ra đi của nhiều lãnh đạo cấp cao khác...

Những vụ bê bối này đã châm ngòi cho cuộc vận động xóa bỏ ứng dụng Uber trên các mạng xã hội. Cảm nhận tiêu cực của công chúng về Uber đã giúp Lyft không cần phải chi tiêu nhiều cho các chiến dịch quảng cáo đề thu hút tài xế và khách gọi xe mới.

Lyft chỉ hoạt động ở Mỹ và Canada, cho phép công ty này tập trung các nguồn lực để cạnh tranh với Uber. Cho đến nay, Lyft đã hiện diện ở 160 thành phố của Mỹ và công ty có kế hoạch nâng con số này lên 350 thành phố trong những năm tới. Lyft đang nhắm vào giới trẻ, những người có ý thức xã hội cao và đang lo ngại sở hữu xe sẽ gây tổn hại cho môi trường. Lyft đã công bố các nghiên cứu chính sách dự báo đến năm 2025, nhu cầu sở hữu xe cá nhân ở một số thành phố lớn của Mỹ sẽ không còn.

Uber muốn bóp nghẹt Lyft nhưng bất thành

 Lyft thách thức gã khổng lồ Uber bằng hình ảnh tử tế - Ảnh 1.

Lyft vẫn đang bám đuổi Uber về thị phần gọi xe ở Mỹ nhưng công ty này đã cán đích trước Uber trong cuộc chạy đua IPO. Ảnh: Business Insider

Green và Zimmer, hai người đồng sáng lập Lyft được nhìn nhận là những người tiêu phong phát triển dịch vụ gọi xe. Năm 2012, họ mời gọi mọi người ở San Francisco sử dụng xe cá nhân của họ để chở khách đặt xe qua một ứng dụng. Vào lúc đó, Uber đang phát triển mô hình dịch vụ xe đưa đón riêng sử dụng các tài xế chuyên nghiệp.

Travis Kalanick, người đồng sáng lập Uber, cho rằng các quan chức TP. San Francisco sẽ nhanh chóng cấm mô hình dịch vụ của Lyft nhưng ông đã dự báo sai và sau đó, Uber nhanh chóng bắt chước mô hình của Lyft. Dù đi sau nhưng Uber nhanh chóng vượt lên nhờ huy động được các nguồn vốn khổng lồ, mở rộng sự hiện diện ở nhiều thành phố hơn cũnh như tuyển dụng các tài xế và thu hút nhiều khách hơn.

Năm 2014, Travis Kalanick, đã mời John Zimmer, người đồng lập lập Lyft đến căn hộ của ông ở TP. San Francisco để thương lượng việc mua lại Lyft nhưng không thành vì Kalanick cho rằng cái giá 3 tỉ đô la mà Lyft đưa ra quá đắt.

Sau đó, Uber dùng nhiều chiêu thức để bóp nghẹt Uber chẳng hạn yêu cầu các nhà đầu tư tiềm năng, nếu muốn tìm hiểu tình hình tài chính của Uber, phải ký thỏa thuận không đầu tư vào Lyft và các công ty gọi xe khác trong vòng một năm. Ngoài ra, khi Lyft mời gọi các nhà đầu tư đến thảo luận các thương vụ góp vốn, thì chỉ vài giờ hoặc vài ngày sau đó, đội ngũ Uber sẽ gọi điện cho các nhà đầu tư này thuyết phục họ không nên đầu tư vào Lyft, thậm chí cảnh báo sẽ không cho họ cơ hội đầu tư vào Uber nếu họ tiếp tục thảo luận với Lyft.

Sau tất cả, Lyft vẫn trụ vững và đang uy hiếp ngôi vị số một của Uber tại thị trường gọi xe của Mỹ nhờ chiến lược quan tâm đến lợi ích của tài xế, khách hàng cũng như nhờ các nguồn vốn huy động được từ các nhà đầu tư lớn như công ty thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản), hãng xe General Motors, quỹ đầu tư Fidelity Investments.

Chánh Tài