|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lý do McDonald's và Burger King phát triển chậm ở Việt Nam

15:14 | 14/09/2018
Chia sẻ
Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, giá cao và khẩu vị không hợp người Việt là những lý do khiến Burger King và McDonald's phát triển chậm ở Việt Nam.
ly do mcdonalds va burger king phat trien cham o viet nam Lợi nhuận của McDonald's giảm gần 1/2 do chính sách cải cách thuế

Burger King có hơn 16.000 cửa hàng ở trên 100 quốc gia, và McDonald's có hơn 36.000 cửa hàng ở trên 100 nước. Hai tập đoàn là những thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm nhanh trị giá tới 651 tỷ USD. Họ phát triển rất nhanh ở nhiều nước châu Á, đặc biệt ở Nhật Bản và Trung Quốc.

Ở Malaysia, Burger King bắt đầu kinh doanh từ năm 1997 và hiện nay họ có hơn 50 cửa hàng, trong khi có McDonald's có hơn 260 cửa hàng ở Malaysia. McDonald's có hơn 2.4000 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục. Sau khi hiện diện ở Singapore vào năm 1979, McDonald's đang có 120 cửa hàng và phục vụ trung bình 1,2 triệu khách mỗi tuần (dân số Singapore khoảng 5,5 triệu). Nhưng ở Việt Nam, McDonald's mới có 17 cửa hàng, và Burger King có 13, theo số liệu của CNBC.

ly do mcdonalds va burger king phat trien cham o viet nam
Một cửa hàng Burger King ở TP Hồ Chí Minh.

2012 là năm Burger King bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam, với mục tiêu mở 60 cửa hàng trên toàn quốc. Hai năm sau, McDonald's xuất hiện, với kế hoạch mở 100 cửa hàng trong 10 năm. Nhưng trong những năm qua, Burger King đóng 5 cửa hàng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, theo báo Vietnam Investment Review.

Các chuyên gia chỉ ra một số lý do khiến hai "đại gia" Mỹ kinh doanh èo uột ở Việt Nam - bao gồm giá cao (một bánh burger có giá gấp 4 lần bát phở), sự phát triển mạnh của các thương hiệu thực phẩm nhanh ở địa phương, và sự không phù hợp của những sản phẩm phương Tây đối với người Việt.

"Bánh hamburger không thể trở thành món phổ biến đối với người tiêu dùng Việt Nam trong ngắn hạn", ông Nguyễn Mạnh Tú, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty thực phẩm và đồ uống Blue Kite, nói với đài truyền hình VTV. Blue Kite là đối tác nhượng quyền của Burger King ở Việt Nam.

Ngoài ra, Burger King còn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, chi phí vận hành cao. Điều quan trọng nhất là họ chưa hiểu khẩu vị của người Việt Nam.

Hàng loạt trở ngại ban đầu buộc hai tập đoàn phải điều chỉnh thực đơn hoặc chiến lược kinh doanh. Burger King đã thương lượng lại các điều khoản nhượng quyền để giảm số lượng cửa hàng, đồng thời thay đổi thực đơn. Nhờ đó, doanh số của chuỗi tăng thêm 50% trong hai năm 2015 và 2016, theo VTV. Dịch vụ khách hàng tốt, chất lượng nguyên liệu cao (với thịt bò từ Australia) sẽ tiếp tục là lợi thế của Burger King trong tâm trí của người tiêu dùng Việt.

ly do mcdonalds va burger king phat trien cham o viet nam
McDonald's đặt mục tiêu mở 100 nhà hàng ở Việt Nam trong 10 năm, nhưng hiện tại họ mới có 17 cửa hàng sau 4 năm.

Ông Tú nhấn mạnh tương lai của Burger King phụ thuộc nhiều vào sự tái cấu trúc của Restaurant Brands International, tập đoàn đa quốc gia sở hữu thương hiệu Burger King và nhiều thương hiệu thực phẩm khác.

Việc Burger King và McDonald's vào Việt Nam quá muộn cũng là một lý do khiến họ không thể phát triển nhanh, bởi những thương hiệu đã vào sớm như Jollibee, Lotteria, KFC đang kinh doanh khá thuận lợi. Khẩu vị không phù hợp với đa số người tiêu dùng khiến họ không muốn quay lại cửa hàng thường xuyên. Để đáp ứng khẩu vị của người Việt, chuỗi Jollibee đã dùng nước mắm cho món gà rán của họ. Đó là sự thay đổi mà McDonald's và Burger King nên cân nhắc.

Xem thêm

Kim Cương