Lý do 'gã khổng lồ' Alibaba bỗng dưng thèm thịt lợn
"Nếu bạn nuôi lợn một cách thông minh, bạn sẽ sớm cưới một cô vợ đẹp" hay "Năm nay chúng ta sẽ không đến thành phố để tìm việc, mà ở nhà để nuôi lợn một cách thông minh" là nội dung của những mẩu quảng cáo của Alibaba trên hàng vạn bức tường ở vùng nông thôn. Sự xuất hiện của chúng cho thấy tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới nuôi lợn - một trong những nghề lâu đời nhất ở Trung Quốc cũng như thế giới.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, Trung Quốc đóng góp hơn 53% lượng tiêu thụ thịt lợn trọng năm 2016. Các nhà kinh tế trong nước ước tính tổng thị trường thịt lợn ở Trung Quốc lên tới 220 tỷ USD - gấp hơn hai lần quy mô thị trường điện thoại di động ở đại lục, theo Tech in Asia.
Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt và thực thi những quy định về môi trường nhằm kiểm soát nạn ô nhiễm trong các chuồng lợn. Hàng loạt trang trại lợn nhỏ và không hiệu quả phải ngừng hoạt động. Do đó, lợi nhuận từ nghề nuôi lợn tăng vọt, đạt tới mức 100 USD mỗi con tại những trang trại có hiệu quả cao nhất.
Đầu tư vào các trang trại lợn trở thành giải pháp hấp dẫn đối với nhiều ngân hàng đầu tư và tập đoàn công nghệ ở Trung Quốc, bao gồm Alibaba. Ảnh: SINA |
Giờ đây, rất nhiều doanh nghiệp - bao gồm các ngân hàng đầu tư và tập đoàn công nghệ lớn - đang cố gắng lấp đầy khoảng trống thị trường. Trên thực tế, Alibaba không phải là tập đoàn công nghệ đầu tiên xâm nhập thị trường thịt lợn. NetEase - một công ty Internet niêm yết trên thị trường chứng khoán New York - công bố kế hoạch nuôi lợn từ năm 2009.
Ban đầu NetEase đưa thịt lợn vào những canteen của tập đoàn để "thử nghiệm nội bộ". Một thời gian ngắn sau đó, họ tung thịt ra thị trường với giá cao hơn so với phần lớn đối thủ, nhưng tốc độ tiêu thụ vẫn cao. NetEase cũng mở một chuỗi nhà hàng để sử dụng thịt lợn của tập đoàn. Để có cơ hội ăn thịt lợn tại nhà hàng của NetEase, thực khách phải đặt chỗ trước vài tuần. Thực tế đó phản ánh chất lượng thịt của NetEase.
Để thịt đạt chất lượng hảo hạng, NetEase không chỉ áp dụng kỹ thuật lai tạo giống, mà còn áp dụng khoa học dữ liệu. Họ theo dõi mọi con lợn trong chuỗi cung ứng. Dữ liệu không chỉ giúp tập đoàn giảm chi phí vận hành, mà còn khiến người tiêu dùng cảm thấy an tâm khi ăn thịt.
Sự minh bạch, toàn diện về thông tin là yếu tố rất quan trọng ở Trung Quốc trong những năm gần đây, bởi những vụ tai tiếng về thực phẩm độc hại thường xuyên xảy ra khiến người dân mất lòng tin vào thực phẩm. Biết nguồn gốc của lợn, người nuôi và những thông tin khác khiến người dân cảm thấy yên tâm. Tầng lớp trung lưu và giới nhà giàu mới nổi sẵn sàng chi nhiều tiền cho những thực phẩm an toàn. Vì thế, các bên đều hài lòng.
Giới quan sát nhận định tỷ phú Jack Ma muốn hiện đại hóa nghề nuôi lợn, chiến lược mà họ từng thực hiện với lĩnh vực thương mại điện tử. |
Hiện tại Alibaba đang nỗ lực hiện đại hóa nhiều lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Động cơ chính của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là tìm các nguồn tăng trưởng khác, bởi tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đang giảm dần.
Đương nhiên, Alibaba không thể (và không muốn) bỏ qua nghề nuôi lợn - một mỏ vàng khổng lồ hiện nay. Tập đoàn đã có cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, công nghệ phân tích dữ liệu phức tạp và kênh phân phối khắp cả nước.
Song Alibaba sẽ tiếp cận theo cách khác NetEase. Trong khi NetEase kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, có lẽ Alibaba sẽ quan tâm hơn tới việc hiện đại hóa toàn bộ ngành với vai trò là chợ và nhà cung cấp giải pháp công nghệ (cụ thể là công nghệ dữ liệu). Tập đoàn của tỷ phú Jack Ma từng thực hiện thành công chiến lược đó với lĩnh vực thương mại điện tử thông qua công ty Taobao.