Lý do Atadi từ chối ‘vua chảo’, bán 100% cổ phần cho Vntrip
Mục đích khởi nghiệp là lợi nhuận
Là một trong những đơn vị hàng đầu cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam, Atadi là cái tên đình đám trong giới khởi nghiệp du lịch. Nhưng thành công của họ chỉ đến sau vô số thất bại trước đó của nhà sáng lập Nguyễn Văn Phong.
Giao diện Website của Atadi. |
Chưa hài lòng với công việc kỹ thuật ổn định, tiến sĩ công nghệ hàng không dấn thân vào kinh doanh. Năm 33 tuổi, anh thất bại với dự án khởi nghiệp đầu tiên mang tên Do It Yourself (tự tay làm tất). Ba năm sau, anh nếm trải thất bại trong hệ thống phân phối, quản lý vé trực tuyến Click1bus.
Nhận thấy phân khúc săn vé máy bay giá rẻ còn đất trống, đồng thời tự tin bản thân sẽ làm tốt hơn, Phong xây dựng nền tảng đặt vé máy bay để ngay cả những bà nội trợ ít biết về công nghệ cũng có thể tự săn vé giá rẻ.
Chia sẻ trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp gần đây, nhà sáng lập Atadi khẳng định, mục đích khởi nghiệp, thành lập công ty của anh là lợi nhuận. Bởi, trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, nếu anh không định ra mô hình kinh doanh như thế nào trong 2 – 3 năm nữa thì xác suất thất bại rất cao. Thay vì đam mê, bảo vệ thành quả trước sức ép bên ngoài giúp doanh nghiệp trụ vững là mục tiêu của tiến sĩ hàng không.
Văn Phong nhận định, mục tiêu là điều kiện cần, còn tầm nhìn, thực thi, may mắn là điều kiện đủ để giữ vững doanh nghiệp. Tầm nhìn nhà lãnh đạo đủ lớn khiến đội ngũ gắn kết, tạo giá trị. Ngoài ra, nhà sáng lập cần tìm người đồng hành, bổ trợ thiếu sót cho họ để đi tới thành công.
“Sau hàng loạt thất bại, điều tôi thấm nhất là thời điểm. Dự án khởi nghiệp bắt đầu sớm hơn một chút, muộn hơn một chút hay đúng thời điểm nhưng đi chậm hơn một chút đều hỏng”, Phong bình luận.
Nguyễn Văn Phong - nhà sáng lập Atadi - xuất hiện trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp. |
“Nước cờ liên thủ” Atadi và Vntrip
Vừa qua, Văn Phong quyết định đưa Atadi về chung nhà với Vntrip. Giới truyền thông gọi đây là “nước cờ liên thủ” của start-up Việt để chống lại “ông lớn” ngành du lịch trực tuyến, hay thương vụ sáp nhập (M&A) lớn nhất Việt Nam 2018. Bắt tay hợp tác, hai doanh nghiệp hỗ trợ, bù đắp những thiếu sót của nhau, mà không tiêu tốn nguồn lực xây mới hệ thống đặt vé máy bay hay phòng trực tuyến.
CEO Atadi nhận mình là “cá bé” trong bức tranh sáp nhập “cá lớn nuốt cá bé”. Anh cho biết, công ty nhận được định giá ở mức hợp lý là 100 tỷ đồng. Vị tiến sĩ công nghệ hàng không quyết định sáp nhập để nền tảng Atadi phát triển lớn hơn trong ba năm tới dưới thương hiệu công ty mẹ Vntrip.
“Tôi từ chối 27 tỷ đồng cho 45% cổ phần của chủ tịch Sunhouse – Nguyễn Xuân Phú - trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, rồi bán 100% cổ phần cho công ty khác. Vì ông Phú là nhà đầu tư, không gia nhập đội ngũ của Atadi. Là người sáng lập, tôi cần những người đồng hành, cùng Vntrip hợp nhất, đạt mục tiêu trở thành đơn vị du lịch trực tuyến lớn nhất cả nước trong ba năm tới”, Phong tiết lộ.
Nguyễn Văn Phong bắt tay hợp tác cùng Lê Đắc Lâm - Giám đốc điều hành Vntrip. |
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp e dè với M&A vì nghĩ sáp nhập thể hiện sự thất bại. Tuy nhiên, Văn Phong cho rằng, đích đến của nhà sáng lập là thoái vốn ra khỏi đứa con tinh thần với giá hợp lý. Nhiều người chưa hình dung được mục tiêu thoái vốn nên ngộ nhận sáp nhập là thất bại hoặc quan trọng vấn đề trở thành người làm thuê. Anh kinh doanh theo triết lý: Không bán công ty đến khi được giá và sẽ hối tiếc nếu được giá mà không bán.
Sau khi về chung nhà với Vntrip, Phong cảm thấy bỡ ngỡ trước khoảng cách giữa làm chủ và làm thuê. Nhưng anh xác định anh chấp nhận thực tế ấy. Từ ý tưởng thành sản phẩm, rồi nuôi dưỡng thương hiệu lớn lên và thoái vốn để biến thành nhân sự cho đội ngũ lớn hơn là cả quá trình học tập. Anh sẽ tiếp tục khởi nghiệp trong ba năm nữa nếu học xong.
Tiến sĩ công nghệ hàng không khởi nghiệp vừa để bán vừa để đời. Anh mong muốn gây dựng nền tảng cho những người làm du lịch tham gia, giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc. “Đối với tôi, thương hiệu Atadi không quan trọng bằng việc mọi người nhớ đến Phong là một trong những người tạo ra nền tảng công ty unicorn (doanh nghiệp công nghệ trị giá tỷ USD) ở Việt Nam”, doanh nhân thổ lộ.
Xem thêm |