Lượng khách giảm gần 99%, hủy toàn bộ tour sang Trung Quốc: Nỗi đau của công ty lữ hành thời virus corona
Cú sốc của một startup du lịch
Là một doanh nghiệp lữ hành chủ yếu phục vụ khách nội địa, Công ty cổ phần Du lịch Quy Nhơn Bay xây luôn xây dựng tour ở Quy Nhơn và các địa phương lân cận bằng cách kết hợp giữa những yếu tố nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn và tìm hiểu lịch sử văn hóa của từng điểm đến.
Nguyễn Trường Sơn (hay Sơn Sika - Thổ Địa Quy Nhơn), giám đốc công ty, khẳng định thái độ chu đáo với du khách, tạo điều kiện tối đa để họ khám phá các điểm đến là sự khác biệt của công ty.
"Ví dụ, nếu du khách mang theo trẻ em, chúng tôi sẽ cử nhân viên chăm sóc các cháu để người lớn có thể toàn tâm toàn ý cho hoạt động khám phá", anh Sơn nói.
Không có ngân sách cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, song rất nhiều du khách đã tự nguyện quảng bá Công ty Cổ phần Du lịch Quy Nhơn Bay vì họ hài lòng với chất lượng dịch vụ. Thậm chí một số báo cũng viết bài về các tour độc đáo của công ty.
Tiếng lành đồn xa, số lượng du khách đến với công ty tăng khá nhanh.
"Chỉ trong tháng 1 và 2 năm ngoái, chúng tôi đã phục vụ tổng cộng hơn 9.000 du khách tới Quy Nhơn", anh Sơn tiết lộ.
Song đà phát thuận lợi đột nhiên chững lại bởi sự bùng phát của dịch COVID-19. Số lượng khách giảm rõ rệt ngay từ trước Tết cổ truyền năm nay.
"Trong tháng 1 và 2 vừa qua, tổng số du khách mà chúng tôi đón chỉ đạt hơn 100", anh Sơn kể. Tính ra, lượng khách năm nay đã giảm tới 90 lần so với cùng kì năm ngoái. Điều an ủi duy nhất đối với Sơn là công ty vẫn có lãi dù rất nhỏ.
Cơn bĩ cực chưa thấy hồi kết của ngành
Câu chuyện của Sơn đại diện cho tình hình chung của giới doanh nghiệp lữ hành trong nước. Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho biết, Lào Cai là một trong số những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do virus corona gây ra.
Đến nay, theo ông, Lào Cai đã hủy gần 10 nghìn lượt khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng loạt các dịch vụ du lịch kèm theo như nhà hàng, khách sạn cũng chịu ảnh hưởng lớn. Ông ước tính khoảng 30% - 50% số khách sạn trong địa bàn tỉnh đang trong tình trạng vắng khách.
Ông Mai Tiến Tần, Giám đốc công ty du lịch Vietkingtravel kể rằng công ty đã có lịch khởi hành các tour du lịch đến Trung Quốc từ hai đầu là Hà Nội và TP HCM bằng đường hàng không cho cả năm 2020.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại công ty đã phải dừng khai thác toàn bộ các tour khởi hành đi Trung Quốc, bao gồm các tour Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trương Gia Giới, Bắc Kinh – Thượng Hải – Hàng Châu – Tô Châu, Côn Minh – Đại Lý – Lệ Giang – Shangrila.
"Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty đã phải hủy 7 đoàn du lịch sang Trung Quốc, mỗi đoàn từ 25 đến 30 khách. Công ty uớc tính thiệt hại vào khoảng 800 triệu đồng", ông Mai Tiến Tần nói.
Những thiệt hại về mặt kinh tế mà các doanh nghiệp lữ hành phải gánh chịu do dịch bệnh khá lớn.
"Do dịch bệnh lây lan nhanh chóng, công ty phải hủy toàn bộ tour du lịch Trung Quốc. Số lượng khách phải hủy tour trong quí I/2020 của công ty chúng tôi vào khoảng 2000 lượt khách. Ước tính thiệt hại là vài tỉ đồng. Không chỉ có các tour du lịch Trung Quốc, các tour du lịch nước ngoài khác cũng như tour du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng do tâm lí lo sợ dịch bệnh lây lan của du khách", ông Nguyễn Trung Quân, giám đốc công ty du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour) chia sẻ.
Dịch viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 gây ra bùng phát vào đúng mùa cao điểm du lịch nên những thiệt hại cho ngành du lịch Việt Nam càng tăng lên.
Người đại diện HanoiRedtours tiết lộ công ty sẽ phải đối mặt với những thiệt hại về vé máy bay, vé tàu, tiền đặt phòng khách sạn và ăn uống, chi phí thuê hướng dẫn viên. Nếu phía đối tác ủng hộ và đồng ý hoàn lại toàn bộ, phía công ty du lịch chỉ chịu thiệt hại về chi phí quảng cáo, vận hành tour và công sức của nhân viên.
Ông Đỗ Quốc Huy, phó giám đốc công ty du lịch Tân Đại Quang thừa nhận tỉ lệ tour mà công ty dời hoặc hủy đã lên tới 60-70%. Mặc dù tiền mua tour có thể hoàn lại cho khách hàng, nhưng tiền vé máy bay, nếu hãng máy bay hoàn tiền lại cho công ty du lịch thì công ty du lịch mới hoàn lại cho khách hàng được.
"Nếu tình trạng này kéo dài 3 tháng thì sẽ cực kì khó khăn cho các công ty du lịch", ông nói.
Tại hội nghị "Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona đối với du lịch Việt Nam" diễn ra ngày 5/2 ở Hà Nội, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu: "Ngành du lịch Việt Nam cần thể hiện quyết tâm phòng chống dịch, cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của nhà nước và đảm bảo an toàn cho du khách trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, ông Bình cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm tới công tác bảo hiểm du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần tập trung tìm hiểu, nắm bắt và cập nhật những thông tin chính xác. Phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch…
"Kích cầu du lịch nội địa được xem là hướng ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng, chúng ta giảm giá để thu hút khách nội địa, cạnh tranh với thị trường du lịch quốc tế nhưng không vì vậy mà giảm chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác du lịch ở thị trường nguồn", ông Bình nhận định.
Bàn về hướng khắc phục hậu quả do virus corona gây ra, ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, cảnh báo dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra khiến ngành du lịch Khánh Hòa ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tình trạng phá sản của nhiều doanh nghiệp nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng.
Theo ông Vinh, nhiều doanh nghiệp phải vay ngân hàng để xây dựng khách sạn nếu mất khách họ sẽ không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng. Trong thời điểm này, các khách sạn không có nguồn thu nhưng các khoảng chi tiêu khác vẫn phải chi trả đều như điện, nước, lương nhân viên và lãi suất ngân hàng.