Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến thông qua vào năm 2019
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2017.
Sửa đổi Luật Chứng khoán. (Ảnh minh họa). |
Liên quan đến đề nghị xây dựng dự án Luật chứng khoán (sửa đổi), Nghị quyết cho hay Chính phủ thông qua các chính sách và đề nghị xây dựng dự án Luật theo Báo cáo đề nghị xây dựng dự án Luật của Bộ Tài chính, nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung, chính sách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động, dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Chính phủ yêu cầu việc xây dựng dự án Luật cần chú ý đến yếu tố an toàn của thị trường chứng khoán, bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện đề nghị xây dựng dự án Luật chứng khoán (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp lập đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2019.
Luật Chứng khoán lần đầu tiên của Việt Nam ra đời vào năm 2006, đến năm 2010, văn bản này được sửa đổi, bổ sung, nhằm phù hợp với hiện trạng thị trường và các yêu cầu mới của tiến trình hội nhập quốc tế.
Đến năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán là xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới.
Luật Chứng khoán mới dự kiến sẽ cụ thể về các loại chứng khoán chào bán; quy định cụ thể thẩm quyền của Ủy ban chứng khoán (UBCK) đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán riêng lẻ. Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng điều kiện công ty đại chúng như nâng vốn điều lệ pháp định lên 50 tỷ đồng, tối thiểu 200 cổ đông, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ngoài ra, tăng thẩm quyền cho UBCK để đề xuất cung cấp thông tin khi tiến hàng điều tra, làm rõ đối với hành vi thao túng, nội gián.
Bên cạnh đó là vấn đề cởi room ngoại. Ý tưởng được Bộ đề xuất với Chính phủ là đối với những ngành, nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài không quy định về sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ này được xem xét áp dụng trong trường hợp này là 100%, thay vì mức 49% như hiện nay sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực, ngành, nghề đó.