Luật Các TCTD 2024: Ông bà nội ngoại, cháu ruột, chú dì cô bác ruột đều được tính là người có liên quan
Mở rộng giới hạn về người có liên quan
Luật các Tổ chức Tín dụng (TCTD) 2024 áp dụng từ 1/7 đã bổ sung các trường hợp người có liên quan đến tổ chức tín dụngNhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, minh bạch hóa việc sở hữu cổ phần của cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối các TCTD.
Việc mở rộngdanh sách "người có liên quan" đã khiến cho tổng tỷ lệ sở hữu của cổ đông và nhóm người có liêu quan tại nhiều ngân hàng vượt trần quy định mặc dù trước đó đều nằm trong giới hạn cho phép.
Trên thực tế theo công bố thông tin từ các ngân hàng, tỷ lệ của nhóm này ở trên ngưỡng 15% theo quy định mới nhất tại Luật các TCTD 2024.
Cụ thể người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại.
2. Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại.
3. Công ty hoặc tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại.
4. Cá nhân với vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em); ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột.
5. Công ty hoặc tổ chức tín dụng với cá nhân có mối quan hệ theo quy định tại điểm d khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;
6. Cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 với tổ chức, cá nhân ủy quyền; các cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp của cùng một tổ chức với nhau.
7. Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát.
8. Đối với quỹ tín dụng nhân dân, người có liên quan với khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm trường hợp quy định tại các điểm b, c, đ và g khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024; khách hàng với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của khách hàng đó.
Tác động của quy định về người có liên quan theo Luật Các TCTD 2024
Như vậy, khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã sửa đổi, bổ sung tổng cộng 8 trường hợp người có liên quan trong hoạt động ngân hàng là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác.
Phiên bản sửa đổi đã bổ sung một số nhóm người có liên quan đến tổ chức tín dụng, mở rộng phạm vi giám sát và kiểm soát để đảm bảo rằng không có hành vi thao túng xảy ra.
Luật mở rộng khái niệm người có liên quan của công ty, tổ chức tín dụng đến công ty con của công ty con, công ty mẹ của công ty mẹ và người có liên quan của cá nhân đến tất cả thành viên gia đình thuộc 3 thế hệ, nhằm đảm bảo rằng việc quản lý và điều hành các tổ chức tín dụng được thực hiện một cách công bằng và minh bạch nhất có thể.
- TIN LIÊN QUAN
-
Sở hữu vượt trần quy định, ngân hàng phải sớm có lộ trình tuân thủ 16/08/2024 - 10:09
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xác định và giám sát mối quan hệ giữa các cá nhân và tổ chức tín dụng là một phần đặc biệt quan trọng đối với các nhóm như người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu cổ phần quan trọng trong tổ chức tín dụng.
Theo đó, luật đã tạo ra một cơ chế giám sát hiệu quả hơn để đảm bảo rằng không có bất kỳ hành động chi phối nào có thể ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Hoạt động hành lang pháp lý chặt chẽ kết hợp với việc chủ động triển khai giám sát từ nội bộ ngân hàng và từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, dự kiến tình trạng một nhóm cổ đông tìm cách sở hữu chéo cổ phần, chiếm quyền thao túng hoạt động tổ chức tín dụng sẽ suy giảm và ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.
Như vậy, so với Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung một số nhóm người có liên quan đến tổ chức tín dụng bao gồm:
- Công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng
- Ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột
- Đối với quỹ tín dụng nhân dân, người có liên quan với khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm trường hợp quy định tại các điểm b, c, đ và g khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024; khách hàng với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của khách hàng đó.