|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Luật Các TCTD 2024: Ngân hàng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án BĐS để thu hồi nợ

23:36 | 13/08/2024
Chia sẻ
Kể từ ngày 1/1/2025, tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Các Tổ chức Tín dụng sửa đổi 2024, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuyển nhượng dự án bất động sản, các tổ chức tín dụng phải tuân theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng không phải tuân theo các quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án, như quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Điều 40. Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản

2. Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 của Luật này và cam kết tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng nội dung dự án đã được chấp thuận; trường hợp có thay đổi nội dung dự án thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này

4. Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản ngoài tuân thủ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

5. Ngoài điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. 

(Trích Luật các TCTD 2024).

Điều này giúp giảm bớt các rủi ro và hạn chế các hạn chế pháp lý khi thực hiện chuyển nhượng tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đồng thời đặt ra một cơ chế linh hoạt cho các tổ chức tín dụng trong việc quản lý nợ và tài sản bảo đảm.

Như vậy, theo quy định nêu trên, từ ngày 1/1/2025, ngân hàng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo quy định của pháp luật.

Quy định này được đánh giá sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý. Từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao. 

Các yêu cầu đối với dự án bất động sản được chuyển nhượng

Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng một số điều kiện quy định tại Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 bao gồm:

Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư; đã được lựa chọn hoặc công nhận chủ đầu tư đối với trường hợp dự án phải thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư.

Quyền sử dụng đất của dự án, phần dự án chuyển nhượng không thuộc trường hợp đang có tranh chấp đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý, giải quyết hoặc có tranh chấp nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không thuộc trường hợp luật cấm giao dịch; không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ giao dịch theo quy định của pháp luật.

Dự án không bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động hoặc không có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng bị xử phạt vi phạm hành chính thì chủ đầu tư phải chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. 

Dự án còn trong thời hạn thực hiện; trường hợp dự án đang thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện giải chấp.

Đối với dự án bất động sản chuyển nhượng một phần dự án còn phải bảo đảm các hạng mục công trình xây dựng hoặc mục đích sử dụng, kinh doanh của các công trình xây dựng của phần dự án chuyển nhượng có thể độc lập được với phần dự án khác trong dự án bất động sản.

Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

Căn cứ theo Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên sau đây:

- Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;

- Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;

- Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;

- Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;

-  Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;

- Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Minh Nguyệt