|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài

23:19 | 24/11/2023
Chia sẻ
Ngày 24/11 tại Hội trường UBND tỉnh Hậu Giang, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo với chủ đề “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài”.

Đây cũng là một trong các sự kiện hướng đến “Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo – Hậu Giang 2023” sắp diễn ra tại Hậu Giang vào tháng 12/2023.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, bộ, ngành, chính quyền, doanh nghiệp, nông dân thảo luận, đề xuất các chính sách, cơ chế tạo sức bật cho ngành nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đảm bảo có lãi tốt cho nhà nông, giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. 

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn tỉnh; trong đó, tỉnh tập trung duy trì diện tích sản xuất lúa hàng năm, đồng thời vận động người dân tăng cường mở rộng sản xuất diện tích vụ Thu Đông tại những khu vực có điều kiện thuận lợi để gia tăng sản lượng lúa của tỉnh. 

Song song đó, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn an toàn đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như châu Âu, Trung Quốc… 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được 7 vùng trồng lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước với diện tích hơn 282 ha/161 hộ, sản lượng trong năm khoảng hơn 3.600 tấn. 

Đồng thời, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã chỉ đạo các đơn vị, ngành chuyên môn từ tỉnh đến địa phương tăng cường tuyên truyền, mở rộng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến như "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp. 

Theo chuyên gia Bùi Bá Bổng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khảo sát năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, có 3 kênh tiêu thụ lúa gồm nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chiếm 12,1% tổng sản lượng lúa; nông dân bán lúa qua hợp tác xã (chiếm 37,5%) để phân phối lại cho doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu hoặc qua thương lái; nông dân bán qua thương lái (chiếm 49,5%) và phân phối lại cho các đối tượng khác.

Diện tích sản xuất lúa có liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chỉ đạt 10%. Cùng với hình thành chuỗi giá trị thì sản xuất lúa ngành nông nghiệp cần quan tâm giảm phát thải khí nhà kính, để từ đó hướng đến sản xuất lúa giảm phát thải, tạo hình ảnh mới về lúa gạo Việt Nam.

Hiện kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải đã áp dụng thành công trên diện rộng (dự án VnSAT). Cùng đó là hệ thống thủy lợi cho sản xuất lúa ở Việt Nam rất phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD) tiến đến tự động hoá điều chỉnh nước, nhất là áp dụng máy cuốn rơm để đưa rơm ra khỏi ruộng. Từ đó rơm được tái sử dụng và sản xuất phân hữu cơ từ rơm. 

Theo Cục Trồng trọt, diện tích sản xuất lúa năm 2023 của cả nước  ước đạt hơn 3,8 triệu ha, năng suất đạt hơn 62 tạ/ha, sản lượng đạt gần 24 triệu tấn. Thu nhập của người nông dân trồng lúa đạt 12,3 triệu đồng/hộ.

Hồng Dân