|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lúa Thu Đông cao kỷ lục

14:22 | 17/11/2023
Chia sẻ
Vụ lúa Thu Đông năm 2023 đang bước vào cao điểm thu hoạch, thời tiết thuận lợi, năng suất cao, giá các loại lúa tươi bán tại ruộng tăng “kỷ lục”, cao hơn ít nhất từ 1.000-2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Bà con rất phấn khởi vì chưa năm nào giá lúa cao như hiện nay. Niềm vui càng nhân đôi khi vụ Thu Đông vừa trúng mùa vừa được giá.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thu hoạch lúa trong vùng nguyên liệu tại xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang (Ảnh: TTXVN).

Tại huyện Thoại Sơn (An Giang), hầu hết diện tích lúa Thu Đông đều đạt sản lượng cao, năng suất đạt từ 700kg - 1 tấn/công (1.000m2). Không chỉ trúng mùa, nhiều nông dân cho biết, năm nay lúa được thương lái thu mua với giá rất cao.

Thậm chí có những diện tích ruộng chưa tới ngày thu hoạch, thương lái vào tận nơi xem và đặt cọc trước từ hơn 1 tháng. Nông dân rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá, lợi nhuận cao hơn năm trước. 

Vừa thu hoạch xung 40 công (40.000m2) lúa thường IR 50404 và OM 18 đạt năng suất bình quân 800kg/công, ông Nguyễn Văn Hồng (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) rất vui mừng, vì lúa vụ ba không chỉ đạt năng suất cao mà giá bán cũng tăng mạnh.

“Vụ lúa Thu Đông năm nay, lúa IR 50404 đạt năng suất trên 800kg/công tầm lớn (1.300m2), lúa OM 18 đạt gần 900kg/công tầm lớn; với giá bán lúa tươi tại ruộng từ dao động từ  8.900 đồng đến 9.400 đồng/kg, cao hơn từ 1.000-2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái và đã được thương lái đặt cọc cách nay hơn một tháng”, anh Hồng chia sẻ.

Cùng chung niềm vui trúng mùa, được giá, nông dân Nguyễn Thanh Vũ (ấp Tây Bình B, xã Vĩnh Chánh huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết, gia đình anh canh tác 30 công lúa IR 50404, hiện đã thu hoạch xong, năng suất trung bình đạt trên 800kg/công tầm lớn (1.300 m2); giá bán 8.99 đồng/kg lúa tươi tại ruộng, trừ các chi phí, lợi nhuận cũng đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/công.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ Thu Đông 2023, toàn tỉnh xuống giống được hơn 157.000 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 50.000 ha, đạt hơn 32% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 57,8 tạ/ha.

Đặc biệt, thời điểm thu hoạch vụ Thu Đông năm nay, nông dân được hưởng lợi rất lớn từ giá gạo thế giới, nhất là sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, UAE và Nga khiến giá lúa tăng cao kỷ lục.

Hiện giá bán các loại lúa tươi trong vụ Thu Đông năm nay như IR50404, OM 5451, Đài thơm 8, OM 18…, hiện dao động từ 8.900 - 9.400 đồng/kg (tuỳ loại giống). Riêng nếp khô có giá từ 9.500-9.800 đồng/kg, cao hơn ít nhất từ 1.000 - 2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

“Ngoài diện tích liên kết sản xuất, được các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, số diện tích còn lại đều đã được nông dân bán cho thương lái và nhận tiền đặt cọc thỏa thuận trước thời điểm thu hoạch hơn 1 tháng nên bà con rất vui và an tâm” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

Hiện, tỉnh An Giang còn hơn 100.000 ha diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường lúa gạo, bà con rất háo hức, kỳ vọng giá lúa tiếp tục duy trì ổn định đến thời điểm thu hoạch để việc thu hoạch và tiêu thụ được thuận lợi.

Tiếp đà thuận lợi này, nông dân cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất kỹ, xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024 (vụ sản xuất chính trong năm) đúng lịch thời vụ, đảm bảo vụ mùa thắng lợi, tránh khô hạn và chia sẻ nguồn nước với vùng hạ du.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, hiện tượng El-Nino kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024, dự báo mùa khô năm nay sẽ đến sớm và khắc nghiệt hơn, nhiều khả năng gây thiếu nước sản xuất cục bộ ở một số khu vực ở vùng cao.

Do đó, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh An Giang có kế hoạch xuống giống hơn 228.000 ha lúa. Với năng suất lúa bình quân ước đạt  7,4 tấn/ha, sản lượng lúa vụ Đông Xuân dự kiến đạt 1,7 triệu tấn, lớn nhất so các vụ còn lại trong năm 2024. Khung lịch thời vụ xuống giống được khuyến cáo bắt đầu từ ngày 1/11 - 31/12/2023 (nhằm ngày 18/9 - 19/11 âm lịch).

 

Để đảm bảo lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước, An Giang linh hoạt lịch xuống giống vụ Đông Xuân làm 3 đợt; trong đó, đợt 1 xuống giống từ 1/11 - 15/11, tập trung ở những vùng sản xuất 2 vụ hoặc vùng không sản xuất vụ Thu Đông 2023 với diện tích khoảng 80.000 ha, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ; đợt 2 xuống giống đại trà khoảng 120.000ha, từ 16/11 - 15/12; đợt 3 xuống giống từ 16 - 31/12 đối với diện tích còn lại.

Riêng, lịch xuống giống né rầy, tập trung 2 đợt: Đợt 1 từ 15/11 - 26/11, diện tích khoảng 60.000ha; đợt 2 từ 11/12 - 25/12, diện tích khoảng 80.000ha; diện tích còn lại linh hoạt xuống giống theo thực tế địa phương.

“Bà con không nên vì lúa đang có giá cao mà vội vàng xuống giống vụ Đông Xuân không đảm bảo các quy trình kỹ thuật và thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày để cắt đứt mầm bệnh trên đồng ruộng.

Trước khi xuống giống, cần vệ sinh đồng ruộng, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, tưới nước tiết kiệm theo phương pháp ngập khô xen kẽ, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ...” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang Nguyễn Văn Hiền khuyến cáo.

Các giống lúa được ngành nông nghiệp An Giang khuyến khích trồng cho vụ Đông Xuân 2023 - 2024 gồm: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900… Đây là những giống lúa được doanh nghiệp thu mua giá cao và có chiều hướng tăng.

Ngoài ra, bà con nông dân có thể sử dụng nhóm giống triển vọng để thay thế những giống lúa không còn phù hợp, như Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM 418, OM 448...

Bên cạnh đó, các địa phương và cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, để phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại để bảo vệ năng suất lúa; rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa…

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang khuyến cáo nông dân đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, sản xuất các giống lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh trồng lúa theo tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, VietGAP… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam, phục vụ hiệu quả yêu cầu xuất khẩu.

Công Mạo