|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lúa gạo hay rau quả?

19:00 | 01/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể vượt mặt gạo. Tốc độ tăng trưởng liệu có bền vững để giúp rau quả vươn lên trở thành đầu tàu xuất khẩu nông sản, hay đây chỉ là sự tăng trưởng tạm thời? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Võ Tòng Xuân – chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Việt Nam.

Trong khi xuất khẩu trái cây tăng tốc và trở thành hiện tượng xuất khẩu nông sản năm nay thì gạo lại cho thấy sự "hụt hơi" và có thể không cản nổi đích.

Theo thống kê Hải Quan, đến hết tháng 11 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 31% lên 2,2 tỷ USD trong khi đó kim ngạch mặt hàng gạo chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã giúp mặt hàng rau quả vươn lên vị trí thứ 3 trong nhóm hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2016.

Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu rau quả năm 2016 có thể đạt 2,5 - 2,6 USD.

lua gao hay rau qua
Giáo sư Võ Tòng Xuân – chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Việt Nam.

Thưa GS Võ Tòng Xuân, ông nhìn nhận như thế nào về việc xuất khẩu rau quả lần đầu tiên cao hơn xuất khẩu gạo? Theo ông, liệu xuất khẩu rau quả cao hơn gạo sẽ tiếp diễn trong những năm tới hay chỉ là vấn đề tạm thời?

Dĩ nhiên giá trị thu được từ rau quả xuất khẩu luôn luôn cao hơn gấp nhiều lần so với gạo không có thương hiêu. Việt Nam sẽ tăng khối lượng xuất khẩu trái cây và giảm lượng gạo xuất khẩu, vì gạo không thể nào đem lại lợi tức cao.

Vì Việt Nam vẫn đang lo vấn đề an ninh lương thực nên đã để cho lợi tức của nông dân trồng lúa ở mức thấp. Chỉ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều địa phương đã tiến hành bớt cấy lúa, nhiều diện tích cũ của vùng lúa đã chuyển đổi sang nuôi tôm, cá kèo, trồng cây ăn trái, rau màu.

Cũng trước bối cảnh thiên tai xâm nhập mặn, nhiều địa phương đã làm ngơ cho nông dân trồng vườn cây ăn trái, như vùng Tây Nam Bộ thì trồng xoài, nhãn, măng cụt, cam quít,... Vùng Đồng bằng sông Hồng thì trồng vải thiều, nhãn lồng độc đáo, mà các nơi khác trong nước không trồng được.

Trùng vào thời điểm này, Bộ Công Thương mở thị trường xuất khẩu trái cây như vải thiều, nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long… sang các nước giàu như Nhật, Mỹ, Hàn quốc, Úc... và bước đầu đã được khách hàng nhiệt tình mua với giá tốt.

Khi viếng Chợ Đầu Mối Vegefru tại Thành phố Fukuoka, Nhật Bản, trong tháng 11 vừa qua, tôi được biết xoài Cát Hòa Lộc của miền tây nước ta được đấu giá lên đến 12 USD một trái.

Tuy nhiên, nhìn lại hiện trạng sản xuất cây ăn quả của chúng ta có thể thấy, ngành này khó mà phát triển được lâu dài bởi một số lý do. Thứ nhất, diện tích vườn cây manh mún, trồng rải rác trên diện tích nhỏ; việc phòng trừ côn trùng và mầm bệnh phá hại chưa phù hợp chuẩn quốc tế. Thứ hai, công nghệ sau thu hoạch và logistics bảo quản và phân phối quả tươi của chúng ta còn rất phôi thai, chưa trang bị đủ thiết bị và phòng lạnh để có thể giử trái cây tươi lâu. Ngoài ra, phát triển ngành rau quả còn cần đến giấy carton làm hộp, mà hiện nay chúng ta chưa sản xuất đủ giấy, còn phải nhập cảng từ các nước khác về.

Với chính sách chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chúng ta sẽ tăng cường xuất khẩu rau quả nhiệt đới mà dân các nước ôn đới rất thích ăn hàng ngày mà ở họ không trồng được.

Trong tương lai, chắc chắn chúng ta phải tăng lượng rau quả xuất khẩu để nông dân mau làm giàu, và từ đó các nông thôn của Việt Nam mới giàu, GDP của Nhà nước sẽ tăng vọt. Muốn thế, Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn cần tăng đầu tư hai lĩnh vực nêu trên.

GS đánh giá như thế nào về vai trò của ngành gạo trong câu chuyện xuất khẩu nông sản hiện nay? Liệu có mất vị thế không khi gạo không có thương hiệu và xuất khẩu giảm?

Chúng ta không thể để cho mặt hàng gạo của Việt Nam bị lép vế trong thời hội nhập toàn cầu. Ngành lúa gạo, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong đó vai trò nhà doanh nghiệp có khách hàng mua gạo ổn định là tối quan trọng.

Hiện nay, nhu cầu gạo thế giới luôn tăng vì dân số tăng, nhất là khu vực châu Phi và châu Mỹ La Tin, sẽ cần gạo tốt không thơm, giá thấp (cấp phổ thông). Đó chính là loại gạo mà đa số dân Philippines cũng rất thích.

Sản xuất lúa cấp phổ thông nhưng năng suất cao gấp 2-3 lần lúa chất lượng cao (gạo sạch,thơm, dài ngày) là hướng chúng ta cần đi trong tương lai. Bởi diện tích đất đai của chúng ta nhỏ hẹp hơn các nước láng giềng, nên sản xuất gạo cấp phổ thông có thể nói là một hướng đi vững chắc.

Tiếp câu chuyện đoàn cán bộ của Việt Nam sang Capuchia học trồng lúa, GS nhìn nhận như thế nào về ngành lúa gạo của nước bạn và lúa gạo của Việt Nam nên thay đổi như thế nào để giữ vững ngôi trên thị trường?

Thực ra thông tin về chuyến tham quan Campuchia bị nhiễu quá khiến nhiều người hiểu lầm mục đích chuyến đi, vì vậy mà họ đã phê phán sai. Thực ra mục tiêu chuyến đi này không ai đi học cách trồng lúa dài ngày đạt năng suất 3 - 4 tấn/ha của Campuchia cả.

Tôi muốn giới thiệu với nhóm cán bộ nông nghiệp Sóc Trăng tham khảo cách làm của lãnh đạo Campuchia biết điều phối hoạt động của các tổ chức tài trợ, Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC của NH Thế Giới) và Tổ chức Phát triển của Pháp (AFD), giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo và Liên đoàn các Hội Nông dân Campuchia bình tuyển giống lúa ngon thơm, nhân giống lúa đó và trồng đại trà cung cấp cho các doanh nghiệp gạo.

Kế đó họ tài trợ tiếp các doanh nghiệp này đi xúc tiến thương mại qua các Hội chợ triển lảm Thực phẩm tổ chức tại Thái Lan và các Hội nghị quốc tế về thương mãi Gạo để đấu xảo gạo thơm.

Trên thực tế, Việt Nam khác với Campuchia và Thái Lan trong vấn đề sản xuất lúa gạo: ta sản xuất theo sản lượng cao, ngắn ngày; Thái và Campuchia sản xuất theo chất lượng thơm ngon, dài ngày.

Chúng ta không nên chạy đua với họ với chất lượng gạo ngon vì không nông dân Việt Nam nào muốn đứng ra trồng lúa dài ngày, năng suất thấp. Không chỉ vậy, nhóm lúa có gạo ngon của chúng ta ít giống đạt yêu cầu cao như của Campuchia.

Có thể nói rằng, mặt hàng gạo của Việt Nam nên đi theo hướng gạo phổ thông là chủ lực, sau đó có thêm một lượng ít các loại gạo cầu kỳ như gạo hữu cơ, gạo chức năng (dùng cho người bị tiểu đường, béo phì…).

Việt Nam có nên chuyển hướng đầu tư cho ngành rau quả thay vì đầu tư cho ngành gạo không? Ví du như giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây ăn quả?

Hướng của chúng ta đang triển khai và trong tương lai là bớt diện tích lúa, nhất là lúa vụ 3 và các khu cấy lúa vùng nhiễm mặn. Chỉ nên sản xuất thừa 3 - 5 triệu tấn lúa (2 - 3,5 triệu tấn gạo) là vừa rồi.

Diện tích dư ra sẽ được quy hoạch lại thành vùng sản xuất lớn có thể trồng các loại cây ăn trái nổi tiếng của Việt Nam, nhất là xoài, sầu riêng, măng cụt, vú sữa Lò Rèn, chôm chôm, nhãn, bưỡi Da Xanh, bưỡi Năm Roi, chuối, khóm, vải thiều,… để xuất khẩu.

Hồng Vũ