Lotus, Gapo, Hahalolo - mạng xã hội Made in Việt Nam còn lại gì sau những màn ra mắt rầm rộ?
2019 - 2020 là giai đoạn các mạng xã hội “nhà làm” bùng nổ tại Việt Nam, trong đó có những cái tên nổi bật như Lotus, Gapo và Hahalolo.
Mỗi mạng xã hội này đều đi theo những hướng khác nhau để khai thác người dùng. Lotus tập trung vào nhà sáng tạo nội dung, phân phối tin tức thì Gapo hướng đến người dùng trẻ hay Hahalolo là mạng xã hội về du lịch.
Tuy hướng đi khác nhau, song những mạng xã hội này đều đặt mục tiêu có hàng chục triệu người dùng, thậm chí hàng tỷ người dùng trong vài năm. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau khi rầm rộ ra mắt, đến nay các nền tảng này mất dần sức hút, thậm chí biến mất không kèn không trống.
Đi đầu trong làn sóng làm mạng xã hội Made in Việt Nam phải nhắc tới Gapo. Gapo của Gapo Technology ra mắt tháng 7/2019, được định vị là mạng xã hội dành cho giới trẻ.
Dù ra sau, nhưng tính năng của Gapo không khác Facebook là mấy. Mạng xã hội này cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Ngoài ra, người dùng Gapo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ và bộc lộ cảm xúc.
Theo những người sáng lập, điểm đặc biệt của Gapo là tính cá nhân hoá khi cho phép người dùng tuỳ biến giao diện trang cá nhân theo phong cách riêng với hình nền, màu sắc riêng. Đây cũng là điểm khác biệt duy nhất của nền tảng này.
Gapo được hậu thuẫn về tài chính bởi G-Group, hệ sinh thái sở hữu Tima, G-Pay, Ginnovations, BEATVN, GameTV, VSEC và G-Capital. Ngay trong buổi ra mắt, G-Group cam kết đầu tư 500 tỷ đồng cho Gapo.
Ông Hà Trung Kiên, khi đó là CEO kiêm Đồng sáng lập Gapo đặt mục tiêu có 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020 và 50 triệu người dùng vào năm 2021.
Đến thời điểm hiện tại, dự án Gapo gần như biến mất hoàn toàn. Ứng dụng Gapo không còn xuất hiện trên App Store hay Google Play. Nền tảng website đang hoạt động nhưng chỉ là nơi giới thiệu Gapo, không còn phần đăng nhập hay đăng ký cho người dùng.
Lần gần nhất số liệu người dùng Gapo được cập nhật là vào tháng 11/2020 khi phát biểu tại Nghị trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Gapo đang có khoảng 6 triệu tài khoản.
Được đánh giá đầu tư bài bản hơn Gapo khi được một trong những công ty truyền thông lớn tại Việt Nam cùng các đối tác rót 1.200 tỷ đồng vào Lotus, nhưng đến nay tình hình của mạng xã hội này cũng không khá khẩm hơn.
Với nguồn vốn lớn, hợp tác với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dùng và hàng loạt KOL, ngôi sao, tờ báo, đài truyền hình,… Lotus được kỳ vọng sẽ là đối thủ xứng tầm với Facebook tại Việt Nam.
Sau 6 năm, ứng dụng Lotus trên Android có hơn 1 triệu lượt tải xuống, điểm đánh giá chất lượng từ người dùng chưa được 3 sao trên cả App Store và Google Play. Nền tảng website của Lotus vẫn đang hoạt động. Lượng người dùng thực tế không được công ty công bố.
Nguồn tin của chúng tôi cho biết thời gian gần đây Lotus sập mạng liên tục, công ty cũng sẽ dừng hợp tác với các báo để phân phối tin tức trên nền tảng. Điều này cho thấy cái kết buồn của mạng xã hội Made in Việt Nam từng được quảng bá rầm rộ một thời.
Tham vọng cao ngất trong việc làm mạng xã hội tại Việt Nam còn phải kể đến Hahalolo - chuyên về du lịch cũng ra mắt trong năm 2019. Hahalolo tuyên bố mục tiêu có 2 tỷ người dùng trên toàn cầu vào năm 2024 và niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq vào 2024 - 2025. Ngoài những tính năng cơ bản giống Facebook, mạng xã hội này cho phép người dùng có thể mua các tour du lịch, đặt phòng khách sạn,… ngay trên nền tảng.
Tuy ra đời được 6 năm, nhưng đến nay giao diện Hahalolo còn khá sơ sài với lượng người dùng cực thấp. Trên Google Play, Hahalolo ghi nhận hơn 500.000 lượt tải ứng dụng, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 2 tỷ người dùng kể trên.
Trên webiste, số lượng bài đăng Hahalolo không nhiều và rất cũ. Thông tin không đặc sắc, lộn xộn khi nội dung về du lịch xuất hiện dàn trải, xen kẽ các thông tin về showbiz Việt.
Có thể thấy gần như các mạng xã hội Made in Việt Nam sau một thời gian xuất hiện dày đặc trên các mặt báo và được dư luận quan tâm thì đến nay đều rơi vào cảnh “sống mòn” khi lượng người dùng ít ỏi, nội dung không đặc sắc và tính năng không nổi bật hơn so với những ông lớn như Facebook, Instagram,…
Dường như nhận thấy “miếng bánh” mạng xã hội không ngon, tháng 5/2021, Gapo Technology chuyển hướng tập trung vào người dùng doanh nghiệp khi ra mắt GapoWork. Nền tảng này hướng đến thị trường B2B, dành cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Giao diện của GapoWork tương tự một mạng xã hội nhưng có nhiều tính năng dành cho doanh nghiệp, bao gồm giao tiếp và trao đổi công việc, giao việc và báo cáo, quản trị thông tin tổ chức,… tích hợp cả Zoom, Asana.
GapoWork cho biết sau chưa đầy một năm ra mắt, đã có hơn 600 tổ chức mở "văn phòng số" trên nền tảng này, trong đó có các doanh nghiệp, đơn vị hành chính như HSV, ABA Cooltrans, Adufit, VTV, Yody, Karofi,..
Lý giải thất bại của các mạng xã hội Việt ngay trên sân nhà, ông Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội năm 2022 chỉ ra rằng mạng xã hội trong nước chỉ cho phép lĩnh vực chia sẻ, trao đổi giới hạn trong một hoặc một vài lĩnh vực hẹp như nghề nghiệp, chuyên môn, sở thích, kiến thức.
Ngoài ra, một tên miền chỉ được cung cấp một dịch vụ hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội, không được tích hợp, không được cập nhật thông tin tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực…
Trong khi các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, thu hút rất đông người dùng trong nước và chi phối lên đến gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến.
Một số mạng xã hội nước ngoài lớn như Facebook, Youtube… còn lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
“Những bất cập này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội xuyên biên giới với lợi thế lớn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hùng nêu quan điểm.