Lợi nhuận trên 12%/năm thì bán condotel trên sao Hỏa người ta cũng mua
Các chuyên gia tham gia thảo luận về pháp lý cho loại hình condotel - Ảnh: Trần Mạnh
Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy tại hội thảo pháp lý cho condotel do báo Thanh Niên tổ chức ngày 17-12.
Theo ông Lương Hoài Nam, thành viên tổ tư vấn du lịch quốc gia, căn hộ du lịch (condotel) là loại hình bất động sản cần thiết để phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành tăng trưởng nhanh nhưng cơ sở lưu trú hiện tại còn rất thiếu cho phân khúc khách hàng cao cấp.
Tính đến hết năm 2018 cả nước mới có 15.626 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 353.293 buồng. Trong đó, số cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 3 sao trở lên chỉ có 965, chiếm 6% cơ sở lưu trú du lịch.
Tổng số buồng phòng đạt chuẩn 3 sao trở nên chiếm 35,9%. Có thể coi condotel là loại hình nằm giữa khách sạn, resort và Airbnb, cần thiết cho nhu cầu phát triển du lịch của Việt Nam.
Thế nhưng trong thời gian qua, một số dự án condotel bị biến tướng từ sản phẩm bất động sản sang sản phẩm tài chính phái sinh, sản phẩm chứng khoán.
Với cách tiếp cận này, người ta chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không xem xét các yếu tố cơ bản của một tài sản bất động sản như vị trí, tiềm năng phát triển, chủ đầu tư, chất lượng xây dựng…
"Nếu lợi nhuận cam kết lên đến 12%/năm, người ta không quan tâm đến giá cả nữa, vì giá càng cao thì lời càng nhiều. Khi đó, giới thiệu condotel ở mặt trăng hay sao Hỏa thì người ta vẫn mua bán bình thường.
Đó là sự biến tướng, biến thái của condotel trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hình này", ông Nam cho biết.
Cũng theo ông Nam, dù doanh nghiệp được bán căn hộ du lịch (condotel) cho khách hàng theo quan điểm là những thứ luật pháp không cấm thì được kinh doanh, nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng không thể đòi những thứ luật pháp chưa có.
Hiện tại không tìm thấy cơ sở pháp lý của khái niệm condotel trong các Luật bất động sản, xây dựng, nhà ở, đất đai ngoại trừ Luật du lịch.
Nhưng Luật du lịch cũng chỉ có hai loại hình bất động sản du lịch là căn hộ du lịch và biệt thự du lịch, trong đó condotel là căn hộ du lịch.
Như vậy, nếu căn cứ luật hiện tại, chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho condotel và thời hạn bằng thời hạn của dự án.
Khi pháp lý rõ ràng và không còn cam kết lợi nhuận nữa, giá bán condotel sẽ về mức giá thị trường và condotel sẽ phát triển bền vững, lành mạnh.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên môi trường), cho rằng nếu condotel là căn hộ khách sạn thì Luật du lịch quy định đây là loại hình kinh doanh dịch vụ.
Khi làm thủ tục từ giao đất đến hình thành tài sản được xác định là đất sản xuất kinh doanh, quy hoạch khu vực là đất sản xuất kinh doanh nên không thể có chuyện lại giao vào mục đích đất ở.
Do đó, quy định pháp luật về condotel về loại hình sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận đã có, thời hạn sử dụng đất cũng đã có, cách ghi và thể hiện sơ đồ tài sản cũng đã có.
"Đầu vào là sản xuất kinh doanh dịch vụ thì đầu ra cũng phải cấp như thế, không thể cấp cho loại hình đất ở được. Giao đất 50% mà muốn cấp chứng nhận lâu dài là không được, phải là đất ở thì không được", ông Phấn khẳng định.