Thị trường condotel Đà Nẵng: Hiện có gần 9.900 căn đến từ 12 dự án
HĐND thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức kì họp thứ 12, HĐND thành phố khóa IX (nhiệm kì 2016 - 2021). Tại kì họp, ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đã nêu ý kiến về tình hình đầu tư và quản lí condotel trên địa bàn thành phố.
Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường condotel đang chững lại bởi lí do chính là pháp lí. (Ảnh: Zing News)
Cụ thể, ông Lâm cho biết, đến nay Đà Nẵng có khoảng 9.890 căn condotel đến từ 12 dự án được đưa ra thị trường. Trong 2 năm 2016-2017, Sở Xây dựng đã cấp phép 6 dự án condotel với 7.590 căn hộ (1.700 căn hộ đi vào hoạt động).
"Hiện nay, công tác quản lí, đầu tư xây dựng, vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu như sổ đỏ, sổ hồng đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều bộ ngành đang tích cực đề xuất hoàn thiện và bổ sung các qui định nằm trong Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hành lang pháp lí cụ thể nào đối với sản phẩm condotel", ông Lâm nói.
Trong khi chờ các bộ ngành đề xuất hoàn thiện và bổ sung qui định về quản lí, kinh doanh các loại hình căn hộ condotel, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố sớm có giải pháp quản lí hiệu quả, hạn chế tình trạng chuyển đổi loại hình căn hộ condontel sang loại hình chung cư..., tránh phá vỡ tổng thể qui hoạch chung đô thị, phát sinh hệ lụy lâu dài cho thành phố.
Về vấn đề rà soát, gia hạn các dự án chậm triển khai và tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm động lực giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Võ Văn Thương (quận Hải Châu) đề nghị thành phố rà soát và mời các chủ khu đất (chưa lập dự án đầu tư) làm việc để thực hiện lập dự án đầu tư theo qui định.
Ông Thương đề xuất xử lí các dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng kể từ khi nhận đất bàn giao trên thực địa để xử lí theo đúng qui định của Luật đất đai.
Đối với 73 dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020, đại biểu này cho rằng nhiều dự án tiến độ, trong năm 2020 cần tập trung thực hiện, phấn đấu đảm bảo tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, động lực giai đoạn 2016-2020, kể cả các dự án từ vốn ngân sách, vốn các bộ ngành, vốn nhà đầu tư.
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là việc thu hồi và sử dụng đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng của các dự án treo.
Đại biểu Nguyễn Kim Dũng (quận Hòa Vang) cho biết, hiện toàn thành phố có khoảng 600 ha đất nông nghiệp không thể sản xuất do ảnh hưởng của việc triển khai các dự án hạ tầng đô thị, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.
Các đại biểu kiến nghị thành phố cần có phương án sáp nhập những mảnh đất nông nghiệp không sản xuất được có diện tích nhỏ vào dự án liền kề để thu hồi dứt điểm. Đối với diện tích đất còn sản xuất được, thành phố nên có chính sách hỗ trợ nông dân cải tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ổn định sản xuất.
Sau thông tin về vụ việc chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng phá vỡ cam kết chi trả lợi nhuận cho khách hàng, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phát đi thông cáo liên quan đến việc này.
Ngày 1/2/2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 593 về việc phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Phân khu qui hoạch số 1 thuộc dự án Cocobay Đà Nẵng.
Trong đó, có nội dung liên quan đến việc chuyển đổi căn hộ khách sạn (không hình thành đơn vị ở) thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở).
Cụ thể, Quyết định cho phép chuyển đổi 1.016 căn hộ khách sạn trong tổng số 1.856 căn hộ khách sạn tại các công trình đang xây dựng các tòa nhà Cổ Cò 1, 2 và 3 thành căn hộ chung cư.
Bên cạnh đó, chuyển 554 căn hộ khách sạn trong tổng số 1.657 căn hộ khách sạn tại công trình chưa xây dựng tại tòa nhà Cocobay Tower thành căn hộ chung cư.