|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận TNG, Dệt may Thành Công đi lùi

12:44 | 21/12/2023
Chia sẻ
Lợi nhuận Dệt May Thành Công sau 11 tháng giảm 29%, trong khi TNG cũng giảm 27% dù doanh thu sớm vượt kế hoạch.

  

Theo báo cáo tài chính riêng mới công bố, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận doanh thu tháng 11 đạt hơn 557 tỷ đồng, tăng 10%  so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp ở mức gần 96 tỷ đồng, cao hơn 2% so với tháng 11/2022. 

Trong tháng vừa qua, công ty may mặc chứng kiến chi phí lãi vay tăng 18% lên hơn 20 tỷ đồng, chi phí phí bán hàng tăng 17% lên 6 tỷ đồng,  cùng với đó là xuất hiện một khoản lỗ khác hơn 2 tỷ đồng. 

Những yếu tố này khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đi ngang so với cùng kỳ, đạt gần 21 tỷ đồng. Kết quả này là tín hiệu cho thấy kết quả kinh doanh có dấu hiệu hồi phục. 

Tính chung 11 tháng đầu năm, công ty dệt may ở Thái Nguyên vẫn chứng kiến quy mô doanh thu thuần mở rộng thêm 4% lên mức 6.564 tỷ đồng. Tuy nhiên, do kết quả tiêu cực trước đó, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 27% về hơn 203 tỷ đồng.

Cổ đông TNG đặt chỉ tiêu kinh doanh cho cả năm bao gồm 6.800 tỷ đồng doanh thu và có lãi 299 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành được 97% chỉ tiêu doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận năm sau 11 tháng kinh doanh.

Vào giữa tháng 12, TNG thông báo đã hoàn thành kế hoạch doanh thu cả năm khi đạt 6.800 tỷ đồng, tức về đích sớm 16 ngày so với chỉ tiêu. Lãnh đạo công ty ước tính doanh thu cả năm có thể tiến đến mốc kỷ lục 7.000 tỷ đồng.

TNG đang trở thành số ít doanh nghiệp dệt may hoàn thành kế hoạch doanh thu cả năm. Công ty còn có tín hiệu sản xuất tích cực khi duy trì đội ngũ lao động khoảng 18.000 người, cùng mức thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng. 

Lợi nhuận TNG giảm 27% sau 11 tháng dù doanh thu vẫn tăng trưởng. Ảnh: TNG.

Trong khi đó, phần đông các doanh nghiệp dệt may trong nước khác vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, lượng hàng hoá tồn kho lớn và căng thẳng địa chính trị làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. 

Tổng cầu dệt may thế giới dự kiến giảm 8% trong năm nay và riêng ngành dệt may Việt Nam ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Thiếu đơn hàng, giá giảm mạnh, chi phí tăng, cạnh tranh gay gắt là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Chẳng hạn, Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Mã: TCM) báo cáo doanh thu tháng 11 tiếp tục suy giảm 56% xuống mức 285 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 16% còn gần 9 tỷ đồng, nối dài chuỗi 6 tháng liên tiếp suy giảm lợi nhuận.

Lũy kế từ đầu năm, công ty này thu hơn 3.115 tỷ và có lãi 183 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 29% so với cùng kỳ. Kết quả này tương đương với việc mới thực hiện 79% chỉ tiêu doanh thu và gần 75% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may thời trang giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu vào không giảm đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, chưa đạt như kỳ vọng. 

Dệt May Thành Công cũng chưa hoạt động hết công suất tối đa và kỳ vọng tình hình đơn hàng tốt hơn vào năm tới. Công ty mới đạt khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2023 và đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý I/2024.

Hay một doanh nghiệp khác là Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) đang rơi vào thảm cảnh khi từ quy mô 4.000 công nhân nay còn vỏn vẹn 35 người, ráo riết thanh lý tài sản, tận thu đến mức... bán theo cân ký. 

Công ty có chuỗi 5 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp và lỗ lũy kế đến hết quý III ở mức gần 66 tỷ đồng. Tình hình của Garmex Sài Gòn xấu đi nhanh chóng sau khi hụt thu đơn hàng từ đối tác lớn là công ty Gilimex - đơn vị liên quan đến vụ kiện Amazon Robotics.

Huy Lê