|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý III công ty mẹ Cao Su Phước Hòa tiếp tục tụt dốc

15:49 | 12/10/2021
Chia sẻ
Lợi nhuận công ty mẹ Cao su Phước Hòa tiếp tục đi xuống dù doanh thu thuần tăng trưởng do không còn ghi nhận tiền bồi thường thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cũng như hụt thu từ nhượng bán và thanh lý tài sản cố định.

CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2021 với doanh thu tăng gần 23% so với cùng kỳ lên 281 tỷ đồng.

Các chi phí gia tăng song nhờ lợi nhuận gộp tăng hai lần cùng nguồn thu tài chính tăng 70% nên lợi nhuận thuần gấp 2,4 lần cùng kỳ lên 68 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hụt thu lợi nhuận khác nên PHR báo lãi sau thuế 64 tỷ đồng, giảm 54%. 

Trước đó công ty cũng đã đặt ra kế hoạch quý III với doanh thu tăng trưởng nhưng lại sụt mạnh về mặt lợi nhuận, mục tiêu chỉ đạt 10 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của PHR tăng trưởng 60% lên 872 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế giảm 77% xuống 122 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu và lợi nhuận diễn biến trái chiều do PHR không còn nhận được khoản thu nhập khác từ tiền bồi thường thực hiện dự án đầu tư dạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, trong khi 9 tháng năm 2020 đã nhận hơn 556 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập từ nhượng bán và thanh lý tài sản cố định cũng giảm hơn 54 tỷ.

Như vậy sau 9 tháng, PHR mới thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và 16,2% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay.

Lợi nhuận quý III công ty mẹ Cao Su Phước Hòa tiếp tục tụt dốc - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính riêng quý III/2021 của PHR.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của PHR tính đến cuối tháng 9 là 3.417 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Phần lớn do tiền, tương đương tiền và tiền gửi kỳ hạn dưới một năm giảm hơn 525 tỷ đồng xuống 640 tỷ.

Trong quý III, khoản nợ đi vay ngắn hạn từ ngân hàng hơn 49 tỷ đồng tính đến ngày 30/6 đã được trả hết. Doanh nghiệp chỉ còn đi vay dài hạn khoảng 28 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nợ phải trả 717 tỷ đồng.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.