Lợi nhuận năm của Nhựa Bình Minh vượt mốc nghìn tỷ, EPS đạt gần 13.000 đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) tăng trưởng 3% so với cùng kỳ lên 1.454 tỷ đồng. Giá vốn giảm nên biên lãi gộp được cải thiện từ mức nền thấp 34% cùng kỳ lên 41%.
Trừ các chi phí tài chính, chi phí hoạt động đều tăng trong kỳ, Nhựa Bình Minh lãi sau thuế 257 tỷ đồng, tăng 4%.
Cả năm, doanh thu thuần đạt 5.157 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2022 nhưng nhờ giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc nghìn tỷ với 1.041 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước đó. Kết quả này đã giúp công ty vượt 60% mục tiêu lợi nhuận và thực hiện được 81% kế hoạch doanh thu năm.
Trước đó, Nhựa Tiền Phong cũng báo kết quả năm 2023 đạt mức kỷ lục với lợi nhuận sau thuế 559 tỷ, tăng 17% so với năm 2022. Biên lãi gộp cũng vọt lên 33,2%, cao nhất kể từ quý II/2021.
Cả hai doanh nghiệp nhựa dân dụng này đều báo lãi đậm trong bối cảnh giá đầu vào PVC giảm mạnh và tiếp tục đi ngang tại đáy do nhu cầu vật liệu này trên toàn thế giới đi xuống. Khi giá đầu vào giảm, các công ty sản xuất ống nhựa có xu hướng giảm giá cho đại lý phân phối, khuyến khích các đại lý tích lũy thêm sản phẩm, báo cáo SSI Research nêu.
Trở lại với Nhựa Bình Minh, cuối năm 2023, tổng tài sản đạt trên 3.255 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lượng tiền, tiền gửi với hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 51%. Năm 2023, công ty nhận về 117 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Lượng tiền mặt dồi dào, doanh nghiệp hầu như đi vay nợ rất ít. Cuối kỳ, dư nợ vay tài chính chỉ khoảng 55 tỷ đồng.
Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu đạt 2.690 tỷ, với 1.157 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 667 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BMP đã vượt mốc 100.000 nghìn đồng/cp, lọt top 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HOSE cùng với VCF, RAL, VJC và FRT. Chốt phiên 25/1, BMP dừng ở 104.400 đồng/cp, gấp đôi so với đầu năm 2023.