Lợi nhuận của trang trại lớn ra sao khi giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 9
Giá thức ăn leo thang
Theo Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam, đầu tháng 8 các doanh nghiệp lớn sản xuất thức ăn chăn nuôi như C.P, Greenfeed, De Heus, CJ Vina Agri, Công ty US Feed, Hòa Phát Đồng Nai… đồng loạt thông báo tăng 250 – 500 đồng/kg đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đặc biệt các loại thức ăn đậm đặc cho gia súc, gia cầm của công ty Guyomar'ch Việt Nam tăng tới 4.000 đồng/kg. Mức tăng giá này áp dụng cho hầu hết các tỉnh miền Nam. Bên cạnh đó, các nhà máy, kho thức ăn chăn nuôi khu vực miền Bắc cũng có dấu hiệu tăng giá.
Như vậy, từ cuối năm 2020 đến nay giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng trung bình 8 đợt, có doanh nghiệp lên tới 9 đợt. Nguyên nhân chính được cho là do giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, vượt quá tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Trong khi, giá heo hơi tại 3 miền gày 5/8 vẫn giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, giá heo hơi miền Bắc dao động khoảng 51.000 - 56.000/kg, miền Trung khoảng 53.000 - 56.000, miền Nam khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) với mức giá này chăn nuôi nông hộ phải mua con giống, thức ăn đang chìm sâu trong thua lỗ, xuất hiện tình trạng bỏ chuồng, không tái đàn.
Còn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi, chủ động được con giống, thức ăn và đầu ra thì dù giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, doanh nghiệp vẫn có lãi.
Vậy doanh thu, lợi nhuận của các trang trại lớn, HTX nuôi heo đang ở mức như thế nào trong bối cảnh giá thức ăn tăng lần thứ 9 và dịch COVID-19 hoành hành.
Trang trại lớn trên bờ lỗ vốn
Theo ghi nhận của người viết tại Bắc Giang, tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất miền Bắc, lợi nhuận của các HTX chăn nuôi heo theo hướng khép kín đã giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao của giá heo. Thậm chí nhiều trang trại quy mô lớn đang đứng trên bờ lỗ vốn.
Trao đổi với người viết, ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc Hợp Tác Xã (HTX) chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm cho biết HTX 6 trại lợn với quy mô 10 nghìn con, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 15 – 20 nghìn con/năm.
Ông Nhiệm cho biết quy trình chăn nuôi bảo đảm từ chọn giống, chăm sóc cho đến giết mổ, phân phối sản phẩm nên ít rủi ro hơn so với chăn nuôi nông hộ.
"Tuy nhiên, HTX phải nhập 100% cám heo từ công ty C.P Việt Nam trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm 85% chi phí.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo giảm xuống còn 54.000 - 56.000 đồng/kg khiến lợi nhuận của HTX giảm dần, quý I lãi được gần 2 tỷ, quý II hòa vốn, quý III đang có nguy cơ lỗ, phải nuôi không công", ông Nhiệm nói.
Hiện nay, đầu ra của HTX chỉ cung cấp vào siêu thị 5 – 7% bởi người tiêu dùng Việt có thói quen sử dụng thịt nóng, chưa ưa chuộng thịt mát, thịt đông lạnh nên việc tích trữ, bảo quản khó khăn.
Còn lại, phần lớn sản lượng heo của HTX tiêu thụ qua thương lái. Dù không bị ép giá nhưng giá heo hơi vẫn bấp bênh, lên xuống theo thị trường.
Sống khỏe nhờ tự sản xuất thức ăn chăn nuôi
Cùng ở Bắc Giang nhưng HTX kinh doanh Thanh Thao với quy mô trại 1.000 con lại sống khỏe qua cả dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX cho biết HTX không bán heo hơi mà giết mổ, cung cấp thịt cho các cửa hàng thực phẩm sạch. Vì vậy, dù giá heo hơi giảm nhưng cũng lợi nhuận của HTX vẫn ổn định do giá thịt heo vẫn dao động từ 100.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại.
Theo ông Thao, lý do giúp HTX đứng vững giữa thời buổi bão giá thức ăn chăn nuôi là HTX tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm 30.000 – 40.000 đồng/bao cám. HTX chỉ nhập thức ăn cho những đối tượng đặc thù như nái và heo con dưới 7 ngày tuổi để đảm bảo dinh dưỡng, giảm tỷ lệ rủi ro.
Tuy nhiên, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng 3 – 4 đợt. Giá ngô tăng từ 5.300 đồng/kg lên 13.000/kg, giá đậu tương tăng từ 8.000 đồng/kg lên 14.000 đồng/kg và nhiều nguyên liệu khác như bột cá, bã bia, rỉ mật cũng tăng nhẹ.
"Dù chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng lợi nhuận của HTX cũng sụt giảm đáng kể. Lợi nhuận của HTX trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2 tỷ, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái", ông Thao nói.
Theo ông Thao, chăn nuôi khép kín ổn định, ít rủi ro hơn so với chăn nuôi nông hộ nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh với giá heo trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
"Kinh doanh trong ngành chăn nuôi có lúc triều cường, triều rút nhưng HTX vẫn duy trì đàn nái và tổng đàn bình thường. Đồng thời, liên tục nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng đến thương hiệu thực phẩm sạch cho phân khúc khách hàng cao cấp", ông Thao nói.
Tương tự, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (Hà Nội) cũng chọn phương án chăn nuôi theo hướng sinh học, khép kín. Sau khi giết mổ, heo móc hàm nguyên con cả sỏ đang xuất ra thị trường với giá 112.000 đồng/kg.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc HTX cho biết: "HTX chăn nuôi theo chuỗi khép kín an toàn sinh học, xây dựng kế hoạch, hợp đồng với đối tác.
Thậm chí giai đoạn 2017 – 2018 giá heo xuống dưới 20.000 đồng/kg nhưng HTX vẫn thu mua và tiêu thụ cho thành viên với giá 43.000 – 45.000 đồng/kg".
Theo ông Tường, HTX phân công các thành viên chịu trách nhiệm các khâu sản xuất giống, nuôi heo thương phẩm, giết mổ và tiêu thụ. Do đó, người lao động làm chủ công việc, giá thành sản xuất thấp hơn giá bán ra, không phụ thuộc nhiều vào giá thị trường.
HTX có khu giết mổ và đóng gói, tiêu thụ chủ yếu ở các cửa hàng thực phẩm sạch trong nội thành. Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các thành viên, lao động làm việc và sinh hoạt tại trang trại, không tiếp xúc với người lạ để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo và phải dừng sản xuất vì dịch bệnh.
Đối với người giao hàng, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, HTX cũng quán triệt chỉ giao hàng và trao đổi online, qua điện thoại với người nhận.
Bên cạnh đó, nếu người giao hàng vô tình trở thành F1, F2 sẽ phải thông báo lịch tình, test COVID-19 và được nghỉ 7 - 10 ngày để theo dõi các triệu chứng lâm sàng.
Trước khi trở lại làm việc, shipper sẽ được test thêm một lần nữa để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân tại HTX.