Lợi nhuận của các hợp tác xã giảm sút khi giá xăng dầu tăng cao
Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang tiến sát mốc 27.000 đồng/lít và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. Không dừng lại ở đó, theo dự báo của các doanh nghiệp và chuyên gia, trong kỳ điều chỉnh tới đây, giá xăng có khả năng tăng lên mức 30.000 đồng/lít.
Bởi giá dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử trong vòng 14 năm trở lại đây khi tiến tới mốc 140 USD/thùng. Điều này đã tác động rất mạnh tới các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã sử dụng nhiều nhiên liệu như vận tải, nông nghiệp…
Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao và vượt đỉnh thời gian gần đây đã khiến các hợp tác xã vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Nhiều chuyến xe đang ở trong tình trạng "chở gió" vì... không có khách.
Ông Phan Hữu Khánh, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Đoàn Kết (Hà Nội) chia sẻ, vận tải là ngành nghề chịu rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Cảnh xe để một chỗ hay thành viên sang nhượng, chuyển đổi ngành nghề không hiếm vì dịch COVID-19 kéo dài.
Thế nhưng giờ thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các hợp tác xã vận tải đẩy mạnh hoạt động trong tình hình mới vì chi phí xăng, dầu chiếm tới từ 30-40% chi phí hoạt động.
Không chỉ riêng với Hợp tác xã vận tải Đoàn Kết mà rất nhiều hợp tác xã hiện nay do tác động từ dịch COVID-19 nên chỉ hoạt động ở mức cầm chừng. Theo đó, có khoảng 40% số lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt từ 20-30% so với trước dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác.
Theo đại diện một số hợp tác xã, dịch bệnh cùng với lượng xe cá nhân tăng nên lượng khách đi xe khách giảm sút.
Ngành du lịch cũng mới bắt đầu khởi động nên dịch vụ đưa đón khách tham quan không nhiều. Trong khi giá xăng dầu lại tăng, số xe có hoạt động cũng rơi vào tình trạng càng chạy càng lỗ nặng. Nhiều hợp tác xã dù đã túc tắc hoạt động trở lại nhưng các xe luôn trong tình trạng “chở gió”, "đói khách".
Đặc biệt, việc giá xăng dầu tăng kỷ lục lần này như một "cú bồi" vào kết quả kinh doanh cũng như đời sống của thành viên, người lao động. Bởi vậy, có những hợp tác xã phải tính toán và chỉ nhận những chuyến hợp đồng đường dài, bởi chạy đường ngắn chi phí nhiên liệu tốn hơn.
Không chỉ tác động đến hoạt động giao hàng, giá xăng tăng còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Xoài Suối Lớn (Đồng Nai) cho biết, giá xăng dầu tăng trong thời gian qua đã khiến chi phí đầu vào của hợp tác xã tăng khoảng 25-30% so với đầu năm ngoái, nhất là khi nhu cầu tưới nước cho vườn xoài đang ở mức cao.
Trong khi đó, thị trường đầu ra lại gặp nhiều biến động vì tình hình dịch COVID-19, cửa khẩu Trung Quốc ùn tắc trong thời gian dài. Điều này cũng khiến cho hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối các khoản chi phí sản xuất, vận hành.
Cũng chịu tác động lớn từ giá xăng dầu, các hợp tác xã trồng tiêu, trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ đang phải tính từng đồng cho việc chạy máy bơm tưới tiêu cho diện tích của thành viên.
Còn các hợp tác xã đánh bắt thủy hải sản ở Khánh Hòa, Phú Yên… tính rằng với giá là 21.310 đồng/lít thì giá dầu đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Tuy dầu tăng nhưng giá cá lại giảm nên theo tính toán, các hợp tác xã này phải mất từ 1,5-1,6 kg cá mới đổi được 1 lít dầu.
Trong khi đối với hoạt động khai thác hải sản xa bờ, ngư trường đánh bắt cách xa đất liền hàng trăm cây số, chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi biển thường rất lớn đã tạo áp lực lên hoạt động khai thác xa bờ của các hợp tác xã.
Nhằm chủ động đối mặt với khó khăn, nhiều hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch để thích ứng với thực tế như xây dựng các trạm bơm điện để thay thế trạm bơm dầu để cung cấp nước cho diện tích lúa.
Cùng với đó, tập trung cày, xới đất, tất cả làm theo lộ trình cuốn chiếu như việc làm từ ngoài bờ rào đến cuối tiểu vùng quy hoạch, nhằm hạn chế di chuyển từ ruộng này đến ruộng khác (theo cách cũ). Cách làm này giúp chi phí xăng dầu giảm 5-10% đối với chi phí làm đất.
Ở một góc khác, một số hợp tác xã đang phán lại nhà cung ứng, khách hàng về việc tăng giá sản phẩm, dịch vụ để bù đắp một phần vào chi phí vận chuyển. Ngoài ra, các hợp tác xã này sẽ phải cân đối mọi khoản để tăng giá sản phẩm nhằm bù lại vào chi phí tăng.
Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia đây chỉ là giải pháp trước mắt bởi ngoài sự chủ động của hợp tác xã, cần có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, chế tài, khoa học kỹ thuật từ các ngành chức năng và các tổ chức nước ngoài trong thời gian dài.
Đáng lưu ý, nếu hợp tác xã cũng thực hiện tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ sẽ làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, đồng nghĩa với việc có thể sẽ mất các đối tác làm ăn lâu năm.
Do đó, trước tiên các hợp tác xã sản xuất phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất có thể. Đối với các hoạt động vận tải, giao hàng, các hợp tác xã phải tính toán khoa học để sử dụng được dịch vụ cả hai chiều.
Đặc biệt, trong thời gian này các hợp tác xã cần nêu cao tính tập thể của mô hình thông qua tinh thần liên kết giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để tạo thành các chuỗi liên ngành, liên vùng miền nhằm hạn chế chi phí.