|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lời kể của một nữ tiếp viên hàng không phải chiến đấu để vượt qua nỗi sợ và sự kì thị

19:00 | 18/03/2020
Chia sẻ
Nhiều tiếp viên hàng không giờ đây đang phải chịu sự kì thị rằng họ có thể lây nhiễm COVID-19 cho người khác. Dưới đây là chia sẻ của một nữ tiếp viên hàng không về những gì cô ấy đã trải qua khi là người bay sang các vùng dịch để đón công dân Việt Nam trở về nước.

"Con bé ấy bên hàng không, khéo lại cả người toàn bệnh, đứng xa nó ra kẻo lây đấy", đó là những lời tôi nghe thấy.

Nếu là ngày trước, mỗi lần giới thiệu về nghề nghiệp bản thân, điều tôi nhận được là sự yêu mến và ngưỡng mộ vì có mức lương cao, được đi đây đi đó thì giờ đây, giữa cơn bão COVID-19, những gì chúng tôi phải hứng chịu mỗi ngày là cái nhìn dò xét, đề phòng, thậm chí là xa lánh từ những người xung quanh.

Tôi bắt đầu nhận ra điều này trong một lần đăng kí tham gia hiến máu nhân đạo cách đây hai tuần và bị từ chối khi nói mình làm tiếp viên hàng không mặc dù chưa tiến hành bất cứ xét nghiệm nào. 

Mọi người xếp hàng xung quanh cũng bắt đầu lùi xa xa phía sau và nhìn tôi với ánh mắt soi xét, kì thị rằng tôi có thể đã bị nhiệm COVID-19 từ các chuyến bay và sẽ lây sang họ. 

Buồn tủi và những dòng suy nghĩ vẩn vơ bắt đầu hiện lên. 

Tôi nhớ lại những ngày tháng qua mình đã phải đấu tranh tư tưởng và chiến thắng với nỗi sợ bản thân như thế nào trước mỗi chuyến sang các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc,…để đón đồng bào của mình về nước để tránh dịch hay đơn giản là được theo dõi y tế một cách kĩ càng hơn.  

Thật lòng, tôi cũng rất sợ…Sợ tôi có thể nhiễm bệnh từ những hành khách trên máy bay. Sợ rằng tôi sẽ lây sang những người khác trong đó có cả những người trong gia đình. Sợ gia đình mình cũng chịu điều tiếng và sự xa lánh của hàng xóm rằng nhà có con bị nhiễm COVID-19. Sợ một ngày nào đó mình không thể gặp những người yêu thương nhất của mình. Sợ….

Nhưng rồi lý trí và trách nhiệm đã thắng. Như chị tiếp viên trưởng của chúng tôi đã nói, nếu ai cũng sợ, ai cũng báo ốm, ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân thì người nào sẽ đưa đồng bào trở về? Và rồi cứ thế, những chuyến bay từ vùng dịch về nước, những cuộc gọi nhỡ từ bố mẹ, những dòng tin nhắn chất chứa âu lo.

"Mẹ xem TV thấy bên kia nhiều ca nhiễm mới lắm. Hay tạm xin nghỉ đi con, về mẹ nuôi. Tiền cũng không bằng tính mạng con ạ..."

Tôi nhận ra bọng mắt của mẹ tôi sưng nhiều hơn qua những lần gọi video và cũng hiểu đã nhiều đêm rồi bà không ngủ được.

Nhưng nhìn thấy những khuôn mặt mừng rỡ khi được trở về quê nhà Việt Nam - quốc gia đang kiểm soát rất tốt khi chưa có ca nào tử vong, tôi mới thấy tự hào với chính mình và cả nghề của mình. 

Tôi tự hào rằng mình cũng đã góp phần nào đấy trong nỗ lực chống dịch và cảm thấy mình cũng trong hàng ngũ chiến đấu “giặc” COVID-19 với bác Đam, Phó thủ tướng Chính phủ.

Phòng vệ hay kì thị?

Điều khiến tôi buồn là khi nhận ra rằng nhiều người dường như không cảm nhận được những gì chúng tôi đang cố gắng vượt qua để góp một phần công sức nhỏ bé bảo vệ người dân Việt Nam khỏi bệnh dịch.

Câu chuyện bị từ chối hiến máu vì tiếp viên cũng không là gì so với việc đồng nghiệp của tôi bị đuổi khỏi căn hộ mà họ thuê. 

Tôi đã rất "sốc" khi biết tin người chị đồng nghiệp của tôi bị một toà chung cư từ chối tiếp tục cho thuê và buộc phải dọn đi trong vòng vỏn vẹn một ngày, không cần biết chị ý đã tìm được chỗ mới hay chưa? 

Lí do mà toà chung cư đó đưa ra là vì chị ý làm tiếp viên và họ “không thể thể kiểm soát hoàn toàn lịch trình di chuyển của khách hàng và nguồn nguy cơ lây nhiễm”.

Một người em đồng nghiệp khác của tôi cũng chịu hoàn cảnh tương tự khi bị chủ nhà chấm dứt hợp động thuê nhà trước thời hạn. Thế nhưng em ý may mắn hơn là được chủ nhà cho vài ngày để tìm chỗ mới.

Một người đồng nghiệp nữa của tôi cũng kể lại họ chủ nhà cắt điện, cắt nước và buộc phải rời đi vì anh ý là tiếp viên hàng không.

Tôi may mắn hơn khi ngay từ hồi mới vào làm đã kịp đăng kí một suất ở trong kí túc xá của công ty nên không phải canh cánh nỗi lo rằng mình có thể bị đuổi khỏi nhà bất cứ lúc nào. 

Tôi hiểu trong hoàn cảnh này việc phòng dịch, tránh tiếp xúc gần người khác, đặc biệt là những người vừa nguy cơ nhiễm bệnh cao là điều cần thiết. Thế nhưng phòng ngừa không có nghĩa là kì thị, không có nghĩa là xa lánh, càng không có nghĩa là có thể dồn ép người khác tới nỗi không còn chỗ nương thân.

Vượt qua khó khăn riêng để sẻ chia với cả nước

Dịch COVID-19 lan rộng và có lẽ hàng không và du lịch là hai ngành đang cảm nhận rõ nét nhất sức công phá của con virus corona này lớn lao như thế nào. Tần suất những chuyến bay của chúng tôi đã giảm đi rất nhiều đồng nghĩa với đồng lương của chúng tôi giảm theo bởi thu nhập tính theo giờ bay.

Thu nhập giảm trong khi chi tiêu trên đất Sài Gòn rất đắt đỏ. Công ty cũng đang gồng mình để đối diện với khó khăn hiện tại nhưng vẫn quyết tâm không cắt giảm nhân viên.

Thế nhưng, điều làm tôi bất ngờ nhất và xúc động nhất khi mới đây hàng loạt tiếp viên, phi công đã kêu gọi trên Facebook cùng chung tay quyên góp để ủng hộ quĩ chống dịch COVID-19 mà Chính phủ đã phát động.

Lời kể của một tiếp viên hàng không: Phòng vệ dịch COVID-19 nhưng không có nghĩa là kì thị tiếp viên - Ảnh 1.

Có trong hoàn cảnh này mới thấy thấm câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” . Số tiền mà chúng tôi quyên góp cũng không nhiều, chỉ vài trăm nghìn, có người nhiều hơn một tí thì ủng hộ một hai triệu. 

Tôi biết rằng trong số đó cũng có rất nhiều người lương tháng vừa qua chỉ vài triệu đồng vì số chuyến bay rất ít. Nhưng tôi cảm nhận đó là tất cả tấm lòng của họ muốn cùng đất nước chung lưng đấu cật để chiến đấu với dịch bệnh, cùng gồng mình để vực lại kinh tế.

Tần suất bay giảm mạnh, lương thấp hơn nhiều, cuộc sống giữa đất Sài Gòn đắt đỏ này cũng khó khăn hơn bao giờ hết.

Nhưng tôi tự hào vì dù khó khăn đến mấy, công ty chúng tôi vẫn luôn cố gắng đảm bảo công việc cho nhân viên, vẫn lo cho chúng tôi từ đôi găng tay, chiếc khẩu trang, bộ đồ bảo hộ cho tới chai xịt khuẩn, vì mỗi ngày đều gửi tin nhắn, gửi những bài thơ động viên chúng tôi cố gắng. Vì đồng nghiệp chúng tôi mỗi ngày đi làm đều dặn nhau cẩn thận, tự bảo nhau cố lên.

Chúng tôi - những tiếp viên vẫn đang rất lạc quan và vượt lên tất cả những tâm tư để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Tôi xin được trích dòng trạng thái cá nhân của một chị đồng nghiệp thân thiết của tôi trong một chuyến bay đón công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về. 

“….Tôi tự hào về đất nước tôi, tôi tự hào về hãng hàng không tôi đang làm việc và những sứ mệnh anh hùng - đương nhiên này!

Việc còn lại của chúng ta là ngồi yên khi Tổ Quốc yêu cầu! Chúng tôi nhất định chiến thắng!!!

#bestrongVietnam…” 

* Ghi theo lời kể của nhân vật

Đức Quỳnh