|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lợi dụng COVID-19, vẽ thêm dự án: Những chiêu trò của BBI Việt Nam khiến nhà đầu tư tán gia bại sản

15:57 | 03/10/2020
Chia sẻ
Những người từng đầu tư vào BBI Việt Nam thừa nhận cơ hội lấy lại tiền rất mong manh khi những kẻ cầm đầu viện cớ công ty chịu thiệt hại vì COVID-19 để ngừng chi trả tiền mặt.

Nhờ sử dụng hình ảnh của "shark" Phạm Thanh Hưng với tư cách nhà đầu tư thiên thần để quảng bá, trong năm 2019, ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Việt Nam phát triển nhanh chóng. 

Ngay cả khi ông Hưng tuyên bố rút vốn khỏi dự án vào cuối năm 2019 vì luận đặt câu hỏi về mô hình thu nhập theo phương thức đa cấp, BBI Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng hình ảnh của ông để lôi kéo thêm người tham gia.

BBI Việt Nam ra đời vào tháng 10/2017, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực thiết lập mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử.

Lợi dụng COVID-19, vẽ thêm dự án: Những chiêu trò của BBI Việt Nam khiến nhà đầu tư tán gia bại sản - Ảnh 1.

Một văn phòng của BBI Việt Nam đã đóng cửa, ngừng hoạt động. (Ảnh chụp màn hình)

Tính đến tháng 8/2018, BBI Việt Nam có quy mô vốn điều lệ là 35 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông gồm 5 cá nhân là: Trương Lập (góp 4,2 tỉ đồng, sở hữu 12%); Nguyễn Hoàng Nhật (góp 700 triệu đồng, sở hữu 2%); Thân Văn Thoại (góp 4,2 tỉ đồng, sở hữu 12%); Hồ Quốc Anh (góp 21,7 tỉ đồng, sở hữu 62%) và Nguyễn Thị Hạnh (góp 4,2 tỉ đồng, sở hữu 12%).

Sau một tháng, bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1991) đã tiến hành thoái vốn tại BBI Việt Nam. Đến tháng 9/2019, bà Hạnh đã thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Thực phẩm ăn dặm thủ công mẹ gà – HMK, có quy mô vốn điều lệ 100 triệu đồng.

Ông Hồ Quốc Anh (sinh năm 1990, người dân tộc Nùng) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện BBI Việt Nam từ khi thành lập.

Chiêu trò hướng dẫn thành viên trục lợi nhờ giao dịch ảo

BBI Việt Nam minh họa một giao dịch trong video mà họ công bố trên YouTube. Trong video, họ giả sử bên bán và bên mua hoàn thành một giao dịch trị giá 1 tỉ đồng trên ứng dụng BBI Mall với mức chiết khấu 5% cho BBI Việt Nam.

Bên bán nhận 1 tỉ đồng từ khách hàng và chiết khấu 5% (tương đương 50 triệu đồng) cho BBI Việt Nam. Công ty sẽ hoàn trả khoản chiết khấu 5% cho người bán, đồng thời trả gấp 10 lần mức chiết khấu (50%) cho khách hàng dưới dạng tích điểm. Mỗi ngày tài khoản của khách hàng sẽ nhận 0,05% số tiền thưởng (500 nghìn đồng).

Như vậy, nếu thành viên tạo hai tài khoản để tự tạo giao dịch ảo, với một tài khoản bán hàng và một tài khoản mua, họ sẽ hưởng cả mức chiết khấu 5% mà BBI Việt Nam hoàn trả người bán và mức tích điểm 50% giá trị giao dịch dành cho người  mua.

Giả sử trị giá giao dịch ảo là 1 tỉ đồng và mức chiết khấu 5%, một thành viên sẽ hưởng tới 55% giá trị giao dịch, tương đương 550 triệu đồng. Nếu thành viên đề ra mức chiết khấu tới 80% hay thậm chí 100% trong giao dịch ảo, mức thưởng sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó phòng Tranh tụng, công ty Luật TGS - (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định rằng công ty BBI Việt Nam đưa ra mô hình ứng dụng mua sắm online BBI Mall mang tên "thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử", nghe có vẻ phù hợp với xu hướng mua sắm qua mạng hiện nay nhưng thực tế đây chỉ là "vỏ bọc", bản chất của hoạt động này vẫn là kinh doanh đa cấp trái phép.

Hình thức kinh doanh đa cấp về bản chất là không xấu, theo luật sư Hùng, nhưng nếu biến tướng, hoạt động trái pháp luật sẽ trở thành kinh doanh bất chính.

COVID-19 trở thành cớ để công ty ngừng chi trả tiền

Theo các nhà đầu tư, từ đầu tháng 4, các ứng dụng của BBI Việt Nam bất ngờ ngừng chức năng rút tiền mặt. Một số "thủ lĩnh" của công ty ở các tỉnh giải thích với các nhà đầu tư rằng BBI Việt Nam tạm ngừng chi trả do ảnh hưởng xấu của đại dịch COVID-19.

Trước thắc mắc của nhiều văn phòng đại diện tại các tỉnh, ông Hồ Quốc Anh, tuyên bố, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục chi trả dòng tiền, họ phải tiếp tục tạo đơn hàng và mua các gói tài chính mới của công ty.

Ngày 8/7, công ty công bố lời xin lỗi vì không thực hiện đúng lộ trình và tỉ lệ chuyển đổi điểm tích lũy thành tiền mặt theo kế hoạch mà họ đề ra. 

Nhà đầu tư BBI Việt Nam không hi vọng lấy lại tiền, chỉ mong nhóm cầm đầu vào tù - Ảnh 1.

Một số nhà đầu tư căng băng rôn tố cáo BBI Việt Nam lừa đảo trong một sự kiện ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

"Trong thời điểm hết sức khó khăn hiện nay, chúng tôi tha thiết kêu gọi và mong muốn toàn thể cán bộ nhân viên, cộng đồng khách hàng trên mọi miền đất nước hãy chung tay và đồng hành cùng chúng tôi trong những dự án tiếp theo của công ty", BBI Việt Nam kêu gọi.

Sau đó, BBI Việt Nam hứa hẹn kế hoạch trong thời gian tới là thực hiện đúng cam kết trả điểm theo lộ trình từ ngày 6/7. Ngoài ra, họ còn công bố dự án Befun và hợp tác cùng đối tác BBI Go để nhà đầu tư tin tưởng vào sự tồn tại của công ty.

Lúc này, một bộ phận nhà đầu tư đã cáo buộc Quốc Anh và Hoài cùng đồng bọn lừa đảo, lấy tiền nộp của các nhà đầu tư sau để trả một phần gốc và lãi cho các nhà đầu tư trước. Sau đó họ không trả lãi và hoa hồng và chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Sự chán nản của các nhà đầu tư

Hiện tại, các văn phòng đại diện của BBI Việt Nam đã đóng cửa, còn các nhóm trên Facebook, Zalo đã ngừng hoạt động. Fanpage của công ty này cũng ngừng cập nhật thông tin sau khi công bố lời xin lỗi hôm 8/7. Những người đã đầu tư vào BBI Việt Nam tỏ ra hoang mang, song nhiều người tin rằng cơ hội lấy lại tiền rất thấp. 

Nhiều nhà đầu tư của BBI Việt Nam không hi vọng lấy lại tiền. (Ảnh chụp màn hình)

Báo Đầu tư đưa tin giám đốc BBI một số chi nhánh tỉnh đồng thuận với nhà đầu tư viết đơn tố cáo đòi tiền, song đa phần giám đốc chi nhánh chối bỏ trách nhiệm, không hợp tác với nhà đầu tư sao kê số tiền mà chi nhánh chuyển cho BBI Việt Nam để làm bằng chứng tố cáo công ty. Thậm chí một số giám đốc chi nhánh còn thách nhà đầu tư gửi đơn kiện. 

Hiện tại Hồ Quốc Anh đã biến mất cùng khoản tiền có thể lên tới hàng chục tỉ đồng của các nhà đầu tư.

"Không còn hi vọng", "lừa đảo tinh vi thời 4.0", "bán rẻ lương tâm", "lại mất tiền vì tham", "truy lùng lũ lừa đảo" là những cụm từ mà các nhà đầu tư của BBI Việt Nam sử dụng để nói về công ty. Nhiều nhà đầu tư nhận định họ không còn cơ hội lấy lại tiền từ BBI Việt Nam và khuyên nhau tìm cách kiếm tiền khác. 

"Tôi không hi vọng lấy lại tiền của BBI Việt Nam đâu, chỉ mong những kẻ cầm đầu vào tù thôi", một người tự xưng là cán bộ hưu trí tâm sự.

Nhạc Phong