Logistics đang 'gánh' hai tầng điều kiện kinh doanh?
Bộ Công Thương vừa cho biết đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics, theo đó sẽ bãi bỏ 1 và sửa đổi 1 điều kiện đầu tư kinh doanh. Đây được coi là một nỗ lực lớn của Bộ.
LẢnh minh họa |
Trong đó, việc bãi bỏ quy định “có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu” được đánh giá cao, bởi quy định này rất chung chung và dễ bị áp dụng tùy tiện.
Thế nhưng dường như nỗ lực này của Bộ vẫn chưa thể làm hài lòng các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị bãi bỏ logistics cùng 15 ngành nghề khác ra khỏi ngành nghề kinh doanh ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện.
Logistics không phải một ngành nghề độc lập
Nêu lý do, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng xét về bản chất logistics không phải là một ngành nghề độc lập. “Logistics thực ra không phải là một ngành nghề riêng biệt mà nó chính là một chuỗi hoạt động bao gồm rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhiều ngành nghề như: vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan…”.
Vì vậy, theo ông Tuấn các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất hai tầng điều kiện kinh doanh, một là điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và hai là điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị coi là ngành nghề kinh doanh.
“Mỗi hoạt động này tương ứng với một ngành, nghề kinh doanh và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành . Do vậy nên doanh nghiệp sẽ phải thỏa mãn điều kiện về khai thuê hải quan hay vận tải hàng hóa, đồng thời phải có cái mũ điều kiện của ngành logistics nếu đăng ký kinh doanh theo tên này. Điều này là vô lý, vừa không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, vừa làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cũng cho rằng trên thực tế vốn dĩ không hề tồn tại một một “ngành, nghề” dịch vụ logistics độc lập nên nếu cứ tiếp tục giữ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, mệt mỏi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các giấy phép con.
“Thực tế không hề tồn tại một “ngành, nghề” dịch vụ logistics độc lập. Nếu cứ giữ logistic là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp sẽ phải chịu hai tầng điều kiện kinh doanh. Chỉ cần kinh doanh một ngành, nghề có điều kiện là đã có thể ‘nếm trải’ những mệt mỏi, vất vả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giấy phép con… huống hồ là 2 tầng điều kiện kinh doanh “đè” lên doanh nghiệp”, ông Vũ nói.
Theo các doanh nghiệp logistics, hiện họ đang bị các điều kiện kinh doanh ám ảnh, cụ thể ở đây là giấy phép con. Ví dụ như xe vận tải đường bộ phải có đầy đủ các phù hiệu, biển hiệu... Do đó, khi đã có quy định chung về điều kiện kinh doanh logistics thì chỉ nên áp dụng một nghị định, tránh áp dụng quá nhiều nghị định ở các ngành khác như vận tải, hải quan, thuế...
Có phù hợp cam kết WTO?
Một vấn đề khác liên quan đến Nghị định 140, là các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng Việt Nam chậm sửa đổi điều kiện kinh doanh logistics theo cam kết WTO.
Theo cam kết WTO thì từ ngày 1/1/2014, các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đối với ngành nghề vận tải hàng hóa, dịch vụ kho bãi, dịch vụ đại lý vận tải… Tuy nhiên, Nghị định 140 quy định về điều kiện kinh doanh logistics vẫn yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập liên doanh với một công ty Việt Nam.
Được biết, dự thảo Nghị định mới đã cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để cung cấp một số dịch vụ logistics. Tuy nhiên, vẫn còn một số hoạt động dịch vụ mà doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước với tỷ lệ vốn góp nước ngoài không quá 49-51%, tùy theo lĩnh vực.
Theo đánh giá, việc quy định doanh nghiệp nước ngoài phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước có cái lợi là giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm hợp đồng, tạo việc làm cho người lao động, tuy nhiên, sẽ khó thu hút đầu tư nếu nhà đầu tư nước ngoài không muốn liên doanh.
Góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 140, ông Vũ Xuân Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), cho rằng dự thảo quy định dịch vụ kiểm tra vận đơn phải lập liên doanh, nhưng trên thực tế, không có công ty nào làm riêng công việc kiểm tra vận đơn cả. Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy chi phí logistics chiếm rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại Việt Nam. Đơn cử với ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành.
Tính chung, chi phí logistics - vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác… chiếm 21%-25% GDP của Việt Nam, tương đương 37-40 tỉ USD. Mức chi phí này được xem là đắt đỏ nhất thế giới. Mức chi phí logistics tại Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới ba lần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng theo nhiều chuyên gia, những rào cản, ràng buộc về điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp là một nguyên nhân quan trọng.
Ngày 8/8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu làm rõ thông tin báo nêu về việc nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang trói buộc doanh nghiệp logistics phát triển. Tước đó, báo chí đưa ý kiến ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang trói buộc doanh nghiệp phát triển, không đúng với tinh thần Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. |
Doanh nghiệp logistics nội-ngoại tìm đường 'bén duyên' Với tình trạng 2/3 thị phần logistics trong nước rơi vào tay DN nước ngoài, DN trong nước chưa thể cạnh tranh với DN nước ... |
Yêu cầu làm rõ thông tin ngành logistics Việt Nam 'bị trói' vì cơ chế Thủ tướng vừa giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, ... |