Logistics, cơ sở hạ tầng, thông tin thị trường thách thức tiềm năng xuất khẩu
Chi phí logistics lớn 'đè' con tàu kinh doanh | |
Thương mại điện tử muốn phát triển không thể thiếu dịch vụ logistics |
Chi phí logistics quá cao và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nhận định chi phí logistics của Việt Nam hiện là quá cao khiến giá thành phẩm tăng lên, gây khó khăn cho việc cạnh tranh về giá trên thị trường.
Trong khi đó, việc hình thành, phân bổ, quy hoạch các khu logistics trên cả nước vẫn còn manh mún và rời rạc. Theo ông Thuấn, logistics là sẽ mất nhiều thời gian để thu lời nhưng về dài hạn dịch vụ này sẽ mang lại những lợi ích có sức ảnh hưởng to lớn tới toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa xây dựng được chuỗi các khu logistics mang tầm quốc tế. Ông Thuấn cho biết TP HCM là nơi duy nhất có khu mẫu logistics với diện tích lên tới 100 ha, còn lại các khu vực khác hay ngay cả tại Hải Phòng, thành phố có đủ điều kiện thích hợp để hình thành các trung tâm logistics lớn thì diện tích cũng chỉ dưới 50 ha.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đưa ra nhận xét tương tự về logistics trong khu vực vì phát triển chưa bài bản. Mặc dù có 250 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp hoạt động tích cực, và tới 30 doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng với đó là kết cấu cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, ông Phạm Ngọc Thưởng, Phó Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) đã không còn phù hợp với lưu lượng lưu thông hàng hóa hiện hành.
Tại Hội nghị về logistics khai mạc ngày 16/4 trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập tới vướng mắc về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics, khi hiện tại kết nối các tuyến giao thông với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... chưa được đồng bộ. |
Doanh nghiệp địa phương hạn chế về thông tin thị trường
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc thiếu thông tin về thị trường nhập khẩu khiến sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn diễn ra theo kiểu tự phát, dẫn đến khó kiểm soát nguồn cung dành cho xuất khẩu. Đặc biệt, kiểu sản xuất này khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc, một trong những vấn đề được các thị trường lớn rất chú trọng hiện nay.
Cùng ý kiến, theo ông Thưởng, các thành phố, tỉnh thành có hàng nông sản xuất khẩu cần theo dõi chặt chẽ thông tin từ thị trường nhập khẩu để chỉ đạo sản xuất có quy hoạch, xuất xứ rõ ràng vì Trung Quốc không còn là thị trường dễ dàng nữa.
Ông Thưởng nói thêm, với việc Trung Quốc cho phép nhập khẩu nông sản của Việt Nam, khối lượng hàng hóa vận chuyển từ các tỉnh qua Lạng Sơn rất lớn. Trong khi đó, chỉ có 3 cửa khẩu được mở để tiếp nhận nông sản từ Việt Nam, gây ra tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu. Vì vậy, các tỉnh cần phối hợp với cửa khẩu để sắp xếp hàng hóa vận chuyển một cách hợp lý, tránh tình trạng tắc nghẽn, làm hỏng hàng hóa.