Lộc Trời viết tiếp giấc mơ tỉ USD
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2020, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 1,1% so với cùng kì năm trước, với kim ngạch đạt 990,8 triệu USD, tăng 11,2%; đơn giá xuất khẩu đạt 470,1 USD/tấn, cao hơn đơn giá năm 2012 và đơn giá bình quân thời kì 2013 - 2019.
Từ số liệu thống kê cho thấy gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu trong quí I/2020 đều tăng so với cùng kì 2019. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Do lo ngại về an ninh lương thực, nhiều nước đã áp dụng các chính sách hạn chế xuất khẩu, trong đó Việt Nam đã tạm ngừng xuất khẩu từ 0h ngày 24/3, khống chế hạn ngạch trong tháng 4, và sau đó cho phép xuất khẩu trở lại từ 1/5.
Tác động có phần trái chiều trong cùng một ngành hàng như gạo sẽ hình dung rõ nét hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp cụ thể. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG – UPCoM), một doanh nghiệp đưa hạt gạo Việt đến gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo của doanh nghiệp này, doanh thu thuần quí đầu năm 2020 giảm đến 53%, và lỗ ròng 37 tỉ đồng; nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm doanh thu của ngành thuốc BVTV và ngành lương thực do tác động của dịch COVID-19.
Đẩy mạnh kinh doanh bù lại thiệt hại từ COVID-19
Bất chấp khoản lỗ ròng 37 tỉ đồng trong quí đầu năm dưới tác động của COVID-19, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra mới đây, ban lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vẫn tự tin rằng, lợi nhuận nhuận của công ty vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2020.
Cụ thể, Lộc Trời đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.352 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 460 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 360 tỉ đồng, tăng 7,45% so với năm 2019. Như vậy, trong ba quí còn lại của năm 2020, công ty dự kiến phải thu về khoảng 400 tỉ đồng lợi nhuận mới hoàn thành chỉ tiêu.
Cụ thể mảng vật tư nông nghiệp dự đạt doanh thu 5.500 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 1.580 tỉ đồng. Với mảng lương thực doanh thu dự giảm 35% về 1.700 tỉ đồng do tình hình tiêu cực của thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh thị trường nội địa cùng châu Âu để bù đắp, mục tiêu lãi gộp 120 tỉ đồng.
Trước mắt, với chính sách cho phép xuất khẩu bình thường có hiệu lực từ 1/5/2020 và các hoạt động logistics trở lại bình thường sau dịch, Lộc Trời cho biết sẽ nỗ lực kí kết các hợp đồng mới, đàm phán theo hướng khách đặt hàng trước; tranh thủ chế biến nguyên liệu, tăng tốc xuất khẩu để có thể mang về kim ngạch cao.
Cùng với đó, Lộc Trời cho biết sẽ đảm bảo dòng tiền kinh doanh dương (đã thực hiện được trong giai đoạn đầu năm 2020) và hướng đến mô hình sản xuất kinh doanh theo đơn đặt hàng.
Với mảng mới là dịch vụ nông nghiệp, Lộc Trời sẽ triển khai theo hướng cung cấp các dịch vụ trọn gói theo yêu cầu của nông dân, với kế hoạch doanh thu 258 tỉ đồng và lãi gộp 68 tỉ đồng.
"Từ cuối tháng 5 đến nay, LTG đã tái cấu trúc xong toàn bộ tập đoàn, trừ một phần của bộ phận logistics và khâu sản xuất là chưa được đồng bộ hóa hoàn toàn", ông Thòn chia sẻ.
“Tôi cam kết rằng trong quí III và IV năm nay, sau khi LTG khắc phục được độ vênh trong quá trình triển khai chiến lược mới, thì việc kinh doanh sẽ được đẩy mạnh và bù lại cho kết quả của quí I và II”, ông Huỳnh Văn Thòn khẳng định.
Để có thể hoàn thành chỉ tiêu, ban điều hành Lộc Trời cho biết, tại khối sản xuất Công ty dự chuẩn hóa qui trình, đặc biệt trong qui trình mua nguyên liệu đầu vào để quản lý hiệu quả hàng tồn kho. Công ty sẽ tăng cường kiểm soát đối với các quy trình hiện hữu.
Đồng thời kiểm soát các tiêu chuẩn kĩ thuật thông qua tỉ lệ thu hồi (trong khâu sấy và khâu xay xát), tiêu chuẩn hao hụt lưu kho, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng máy móc và thiết bị, thanh lí các máy móc thiết bị cũ, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng dự kiến đẩy mạnh doanh số tại hai chuỗi siêu thị Co.op mart và BigC song song với việc gia tăng sự hiện diện tại các chuỗi Bách Hóa Xanh và Vinmart.
Công ty cho biết doanh thu kênh phân phối siêu thị (MT) đã tăng 13% trong quí I/2020. Đáng kể, doanh thu vào chuỗi siêu thị Co.opmart và BigC đã tăng hơn 30% và 120% so với cùng kì khi COVID-19 diễn ra.
Trong năm nay, Lộc Trời cũng cho biết là năm đầu tiên công ty tham gia đấu thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG tại khu vực TP HCM. Việc tham dự các gói thầu trong thời gian tới có thể là một giải pháp giúp tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đó, Lộc Trời chưa được công khai trúng bất kỳ gói thầu nào có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Cũng cố nội lực, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp
Tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, doanh nghiệp đứng đầu ngành Bảo vệ thực vật cả nước được thành lập từ năm 1993. Nhưng những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Lộc Trời đã không còn thuận lợi như hai thập kỉ trước.
Lí giải việc lợi nhuận Lộc Trời đã liên tục giảm, ông Nguyễn Duy Thuận, người được bầu thay thế chức danh Tổng giám đốc cho ông Huỳnh Văn Thòn cho biết, nguyên nhân chính là do thị trường thuốc bảo vệ thực vật đã bão hòa, nhiều năm không tăng trưởng.
Khi thị trường giảm, các doanh nghiệp tìm cách đẩy hàng ra thị trường tạo ra cuộc cạnh tranh về giá, trong công ty phải giảm giá bán hàng, chấp nhận cho người mua trả tiền chậm, cho mua nợ, dẫn đến chi phí tăng, gây áp lực lên lợi nhuận.
Trong bối cảnh này, Lộc Trời đã quyết định rút ra khỏi thị trường bảo vệ thực vật bằng cách tham gia sâu chuỗi cung ứng để trở thành nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho nông dân chứ không còn đơn thuần chỉ là đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp như trước đây. Đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, những thay đổi này đã bắt đầu cho kết quả tích cực, khi lần đầu tiên tập đoàn có dòng tiền dương.
Đồng thời, Tập đoàn cũng quyết định giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng trên từng diện tích vùng nguyên liệu bằng cách sử dụng máy bay không người lái, nếu áp dụng đồng bộ thì Đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm tối đa một tấn hóa chất mỗi năm.
Cũng trong năm 2020, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục cải tiến hệ thống phân phối, theo hướng qui hoạch lại hệ thống đại lí và thay đổi chính sách công nợ, tiến tới giảm 20% nợ quá hạn ghi nhận cuối năm 2019 và không phát sinh thêm nợ quá hạn trong năm. Chính sách bán hàng của doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi.
Nói về mục tiêu doanh thu tỉ USD, ông Nguyễn Duy Thuận tỏ ra quyết tâm, "việc đặt ra chỉ tiêu doanh thu 1 tỉ USD năm 2024 là chỉ tiêu HĐQT chưa hài lòng. Mục tiêu này quá khiêm tốn, nếu không đạt được 1 tỉ USD thì chúng tôi không làm HĐQT nữa".
Về mặt quản trị và điều hành, Lộc Trời cũng đang cho thấy nhiều nét mới mẽ. Sau khi mời ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood vào làm Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập và đề cử ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới Di động (MWG) đảm nhiệm vị trí Quan sát viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024, mới đây, Lộc Trời tiếp tục đề cử ông Philipp Roesler, Cựu phó thủ tướng người Đức gốc Việt tham gia vào vị trí thành viên HĐQT độc lập.
Trong video gửi đến Đại hội, ông Roesler cho biết đã đồng ý tham gia vào HĐQT theo lời mời của tập đoàn. Ông Roesler cho rằng Việt Nam đang có cơ hội rất khi đã ký được các hiệp định thương mại tự do và bày tỏ mong muốn "đóng góp để đem lại lợi ích cho Lộc Trời và cả Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng là nông nghiệp".
Theo nhận định của giới đầu tư, việc liên tục mời chào người tài tham gia vào các vị trí cao nhất của công ty là một quyết định rất táo bạo của Lộc Trời. Việc này chưa biết sẽ hiệu quả đến đâu trong tương lai, nhưng ít nhất cũng khiến các cổ đông có thêm niềm tin và đồng hành cùng công ty.