Loạt tàu chở dầu gặp nạn ở vịnh Oman, dấy lên lo ngại cho thị trường dầu mỏ
Tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman
Hôm 3/8, Hải quan Anh đã cảnh báo về khả năng xảy ra một vụ tấn công ở vịnh Oman và Lực lượng Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh đã lưu ý với các nhà khai thác tàu rằng có một sự cố đang diễn ra ở thành phố Fujarah, UAE.
Sau đó, hãng tin ngành hàng hải Lloyds List cho biết, con tàu Asphalt Princess mang cờ Panama chính là tàu chở dầu đã bị những kẻ có vũ trang tấn công và giam giữ ở vịnh Oman.
Hãng tin AP cho biết, ít nhất 4 tàu ngoài khơi UAE đã phát đi cảnh báo rằng họ đã mất kiểm soát tay lái con tàu. 4 tàu này được xác định là Queen Ematha, Golden Brilliant, Jag Poofa và Abyss, AP dẫn thông tin từ MarineTraffice.com cho hay.
Hiện tại, vụ tấn công vẫn chưa tác động đến giá dầu thô. Trong phiên giao dịch ngày 3/8, giá dầu WTI giao tháng 9 có thời điểm giảm gần 1% xuống còn 70,5 USD/thùng nhưng khi truyền thông đưa tin về vụ tấn công ở vịnh Oman, giá dầu WTI đã rời khỏi mức thấp trong ngày.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay: "Chúng tôi đã biến đến những thông tin xoay quanh tai nạn hàng hải ở vịnh Oman. Chúng tôi đang điều tra tình hình".
Ông Price nhấn mạnh, đây là một trong các hành vi hiếu chiến đáng lo ngại từ Tehran. Tuần trước, một vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào tàu chở dầu Mercer Street đã khiến hai thủy thủ đoàn, một người Anh và một người Romania, thiệt mạng.
Lo ngại cho thị trường dầu mỏ
Bà Helima Croft, cựu nhà phân tích của CIA và hiện đang đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, cho rằng hành động tấn công các tàu chở dầu ở vịnh Oman rất đáng báo động và dường như có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
"Chúng ta phải lưu ý rằng Iran đang đẩy nhanh quá trình tái khởi động hạt nhân trong bối cảnh một chính phủ mới theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền ở Tehran. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng ngoài ý muốn nếu một bên không coi trọng lằn ranh đỏ của bên còn lại", bà Croft nhấn mạnh.
Cụ thể, một loạt sự việc vừa qua diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và các siêu cường phương Tây bị đình trệ. Cùng lúc, Iran có một tổng thống mới với quan điểm cứng rắn hơn. Trong vài ngày qua, tân Tổng thống Ebrahim Raisi đã liên tục chỉ trích chính phủ Mỹ.
Chia sẻ với CNBC, bà Croft cho rằng thời điểm tốt nhất để Washington đạt được thỏa thuận với Iran có lẽ đã qua. "Mỹ đang phải đối phó với một nhóm đàm phán khác và bản thân chính quyền mới tại Iran đã báo hiệu công cuộc thương thuyết sẽ kéo dài", bà Croft cho hay.
Theo vị chuyên gia của RBC, Iran có thể đang tận dụng lập trường cứng rắn để gò Washington vào một thỏa thuận. "Phía Iran có thể đang tính toán rằng nếu họ gây đủ náo động, Washington sẽ gấp rút chấp nhận thỏa thuận vì chính quyền ông Biden không muốn tổ chức một chiến dịch quân sự ở Trung Đông", bà Croft giải thích.
Bà Helima Croft cho biết thị trường dầu mỏ đang đặc biệt tập trung vào nguy cơ suy thoái kinh tế mới và nhu cầu dầu thô sụt giảm do ảnh hưởng của biến chủng Delta.
Căng thẳng leo thang ở vịnh Oman cho thấy thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran còn lâu mới được chốt, đồng nghĩa rằng hàng triệu thùng dầu thô của Iran chưa thể quay trở lại thị trường.
Song, nếu căng thẳng tiếp tục nóng lên và động thái này gây gián đoạn cho thị trường, giá dầu chắc chắn sẽ bị tác động, bà Croft lập luận.
"Nếu hoạt động khai thác hoặc vận chuyển dầu thô bị đứt đoạn, thị trường dầu mỏ sẽ biến động rất nhanh", bà Croft lưu ý.
Đồng quan điểm với bà Croft, chuyên gia John Kilduff của Again Capital cho biết dù căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, ông tin rằng thị trường dầu mỏ chưa phản ứng mạnh lắm. Tuy nhiên, ông Kilduff cảnh báo rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo rõ ràng rất hiếu chiến và họ có đủ sức để gây ra nhiều sự cố hàng hải hơn.