Loạt sản phẩm NFT có hình ông Trịnh Văn Quyết, bà Nguyễn Phương Hằng, ca sĩ Hiền Hồ,... được rao bán với giá lên tới hàng trăm triệu đồng
Vài ngày trước, trên nền tảng trên nền tảng giao dịch NFT OpenSea, một chủ gian hàng có tên tài khoản là AFENFT đã tạo ra một sản phẩm NFT có hình cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Hiện tại, bức hình này vẫn được rao bán với giá 5 ETH (Ethereum – một đơn vị tiền ảo), tương đương với khoảng gần 17.000 USD hay gần 390 triệu đồng. Người mua có thể trả trực tiếp qua thẻ hoặc đưa ra đề nghị mua với mức giá khác. Hiện tại, chưa có ai trả giá cho sản phẩm NFT này.
Sau bức ảnh đó, trên nền tảng này đã xuất hiện thêm hàng loạt các sản phẩm đúc NFT có hình ông Trịnh Văn Quyết, từ những bức ảnh bình thường cho tới các bức ảnh ghép, thậm chí có cả ảnh động của ông Trịnh Văn Quyết cũng được rao bán. Đặc biệt, bức ảnh cựu chủ tịch FLC bật khóc trong ngày bị có lệnh bắt tạm giam được chia sẻ rộng rãi trên internet nhiều ngày qua cũng xuất hiện trong danh sách bán hàng.
Mức giá bán cho các sản phẩm NFT có hình cựu chủ tịch Tập đoàn FLC cũng tương đối đa dạng, dao động trong khoảng 0,0099 ETH – 9 ETH (34,48 USD – 31.349 USD). Dù vậy, đa phần các sản phẩm này hiện vẫn chưa có người trả giá.
Không chỉ ông Trịnh Văn Quyết, trên nền tảng OpenSea hiện tại cũng xuất hiện nhiều sản phẩm NFT được đúc có hình người nổi tiếng. Chẳng hạn như bà Nguyễn Phương Hằng, một nhân vật cũng gây được sự chú ý trong thời gian qua.
Cụ thể, ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc CTCP Đại Nam) đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự. Các quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Sau thời gian đó, các sản phẩm về bà Hằng cũng liên tục xuất hiện trên nền tảng OpenSea. Giống với các sản phẩm có hình ông Trịnh Văn Quyết, những sản phẩm có hình CEO Đại Nam có nhiều mẫu mã đa dạng, bao gồm cả hình ảnh khi bà ngồi làm việc tại cơ quan công an. Giá bán cho các sản phẩm NFT liên quan tới bà Phương Hằng dao động trong khoảng 0,085 ETH – 10 ETH (296,08 USD – 34.833 USD). Hiện, hầu hết sản phẩm có hình bà Phương Hằng cũng chưa được trả giá.
Một cái tên khác cũng gây được sự chú ý trong thời gian qua là nữ ca sĩ Hiền Hồ, người có liên quan tới vụ lùm với ông Hồ Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nanogen, đồng thời là con rể của gia tộc Sơn Kim.
Một số sản phẩm có hình ảnh của Hiền Hồ và ông Hồ Nhân hiện cũng đang được rao bán trên nền tảng giao dịch NFT OpenSea. Tương tự sản phẩm có hình ảnh hai nhân vật kể trên, các sản phẩm có hình ảnh của Hiền Hồ có mẫu mã và giá bán đa dạng như đa số chưa được nhiều người hỏi mua.
Ngoài những nhân vật nêu trên, nền tảng OpenSea cũng từng xuất hiện nhiều sản phẩm NFT được đúc ra có hình những người nổi tiếng tại Việt Nam, chẳng hạn như nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng,… qua đó phản ánh sức hút của NFT.
Trào lưu NFT và rủi ro liên quan đến vi phạm bản quyền
Thực tế, trào lưu NFT đã nổi lên trong suốt năm vừa qua, được coi như “mỏ vàng” mới của thế giới. Thậm chí, một số tờ báo còn nhận định NFT sẽ tạo ra “cơn sốt” như những gì mà Bitcoin từng làm.
NFT, viết tắt của Non Fungible Token (Token không thể thay thế) là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu - hay còn gọi là chuỗi mã NFT.
Mặc dù không có giá trị hữu hình, song mã NFT sở hữu những đặc tính giống Bitcoin như lưu trữ trên chuỗi khối, không thể phá hủy, và không thể sao chép - có nghĩa nó là duy nhất.
Nhờ vậy, các nhà đầu tư NFT sẽ thu lại giá trị sở hữu độc quyền khi họ mua bán, sưu tầm các món hàng quý hiếm, có giá trị cao. Một khi được được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT, món hàng sẽ trở thành duy nhất.
Giao dịch NFT cũng diễn ra khá đơn giản. Người mua sau khi trả tiền, sẽ nhận được một chuỗi ký tự gồm số và chữ cái, kèm theo một file JPG của sản phẩm. Mã này sẽ được lưu lại trên blockchain của Ethereum, sau đó chuyển vào ví điện tử cá nhân của người dùng.
Chia sể với Zing News, ông Phạm Toàn Thắng, người sáng lập nền tảng NFT Cổng trời cho biết: “Đây là một cách trục lợi, giống như bám theo người nổi tiếng”. Ông nói thêm rằng các hình ảnh NFT nói trên chỉ xuất hiện trên sàn giao dịch quốc tế chưa có quy định về xác thực danh tính (KYC). Do đó, người dùng có thể sử dụng bản quyền hình ảnh trái phép và tạo NFT một cách dễ dàng để thu lợi về mình.
Nhận xét về các quy định bản quyền, ông Thắng cho rằng đây là một hình thức vi phạm bản quyền, khi sử dụng hình ảnh của người khác để thu lợi cho mình. Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng rất khó để kiện cá nhân dùng hình ảnh trái phép trên sàn giao dịch OpenSea vì chưa thể xác minh danh tính.