Loạt dự án hạ tầng ở TP HCM bị đội vốn
Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 30 m (dài 2 km, từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thuỷ, TP Thủ Đức) vừa được HĐND TP HCM đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn 2.100 tỷ đồng.
8 năm trước, khi dự án này được phê duyệt lần đầu, công trình có tổng vốn 1.400 tỷ đồng bao gồm cả giải phóng mặt bằng và xây lắp. Do chậm triển khai, đến nay vốn đầu tư công trình đã tăng thêm 700 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ phần vốn bổ sung dành cho giải phóng mặt bằng, còn phần xây lắp vẫn theo mức cũ với gần 295 tỷ đồng.
Tương tự, dự án mở rộng đường Chu Văn An, đoạn từ ngã 5 Bình Hoà tới đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh cũng vừa được điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Đoạn đường dài 600 m sẽ được mở rộng từ 5-6 m lên 23 m, dự kiến hoàn thành trong năm 2026. So với trước, dự án này giảm về quy mô gồm cả chiều dài và rộng, nhưng tổng mức đầu tư lại tăng gần 400 tỷ đồng sau khi cập nhật lại chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trước đó, nhiều công trình triển khai giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa hoàn thành cũng bị đội vốn do chi phí giải phóng mặt bằng tăng. Điển hình như dự án nút giao Mỹ Thuỷ, TP Thủ Đức (tăng từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ); cải tạo kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng, quận 5 (từ 188 tỷ lên 779 tỷ đồng). Các dự án xây cầu Tăng Long, Ông Nhiêu (TP Thủ Đức), Phước Long (nối quận 7 và Nhà Bè)... vốn đầu tư cũng tăng so với mức được duyệt trước đây.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Kinh tế và Quản lý TP HCM, đại biểu HĐND TP HCM cho rằng các dự án hạ tầng ở thành phố tăng tổng vốn đầu tư chủ yếu do kinh phí đền bù tăng. "Công tác giải phóng mặt bằng quá chậm dẫn đến giá bị đội lên theo thời gian", ông nói.
Phân tích nguyên nhân, chuyên gia này cho rằng ở giai đoạn trước, nguồn vốn dành cho công tác bồi thường không kịp bố trí, đồng thời quá trình thương lượng giá đền bù giữa chính quyền với người dân thường kéo dài. Mặt khác, một số dự án do điều chỉnh lại với quy mô lớn hơn, dẫn đến cả chi phí bồi thường và xây lắp đều tăng.
Ngoài ra, theo ông Thắng có nguyên nhân chủ quan là tâm lý cán bộ e ngại khi thực hiện các công việc, gây chậm trễ trong quá trình triển khai dự án. Nhiều đơn vị, cá nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công đã bị lãnh đạo thành phố khiển trách, phê bình. Tuy nhiên, dù có xử lý, quy trách nhiệm thế nào thì hậu quả xã hội, ngân sách cũng phải gánh.
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP HCM, nói không riêng thành phố, tình trạng dự án chậm triển khai khiến chi phí đầu tư bị đội lên cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Trong đó, hơn 90% chi phí là do giải phóng mặt bằng, còn phần xây lắp nếu tính thêm các yếu tố trượt giá, nhân công làm tăng vốn chỉ chiếm rất ít.
Về phía địa phương, đại diện UBND TP Thủ Đức cho rằng với dự án đầu tư công, khi chuẩn bị hồ sơ sẽ đưa ra mức khái toán chi phí bồi thường làm cơ sở trình thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, nhiều công trình được duyệt cách thời điểm ban đầu 3-4 năm, trong khi giá đất đã tăng lên, không còn phù hợp nên phải điều chỉnh. Đặc biệt, giá đất ở TP Thủ Đức sau khi sáp nhập ba quận tăng cao, càng gây khó ở khâu đền bù.
Mặt khác, địa phương cũng cho rằng các quy định về Luật Đất đai thay đổi ảnh hưởng lớn quy trình thực hiện vì sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách xác định loại đất, giá đất, thủ tục triển khai. "Dự án càng kéo dài, giá đất càng tăng ảnh hưởng lớn tới công tác bồi thường, kéo theo quá trình làm thủ tục điều chỉnh rất phức tạp", đại diện TP Thủ Đức nói.
Một lãnh đạo Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cũng cho biết khó khăn lớn nhất ở các dự án là giải phóng mặt bằng. Hầu như rất hiếm dự án chủ đầu tư nhận được mặt bằng sạch ngay, chủ yếu nhỏ giọt, ngắt quãng. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả thi công, không ít công trình phải triển khai cầm chừng. Dự án bị kéo dài còn phát sinh chi phí cho nhà thầu, trượt giá. "Thực tế, nhiều dự án sau khi được giao đất, chỉ 12-15 tháng sẽ xây xong", ông nói.
Để khắc phục tình trạng dự án bị đội vốn, TS Trần Quang Thắng, cho rằng cần chuyên nghiệp hoá công tác giải phóng mặt bằng. Thành phố đang có nhiều ban rất quan trọng liên quan đến hạ tầng, giao thông, dân dụng... chiếm đến 70% giải ngân vốn đầu tư công. Các ban này cần phối hợp với địa phương, nắm rõ tập quán, nguyện vọng người dân để dễ nhận được đồng thuận.
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, thành phố nên phân bổ vốn sớm từ đầu năm, "không để cuối năm mới chạy" gây áp lực cho việc giải ngân. Khâu thủ tục cũng cần giảm bớt để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ví dụ mới đây một doanh nghiệp muốn tài trợ xây cầu đi bộ nối quận 1 với TP Thủ Đức. Phương án thiết kế, quy hoạch đã có, nguồn vốn cũng đã cam kết nhưng phải đến tháng 4/2025 mới khởi công. "Thủ tục như vậy quá lâu, cần nghiên cứu để rút ngắn", ông nói.
Trong khi đó, TS Phạm Viết Thuận đề xuất xem xét lại công tác chuẩn bị mặt bằng ở các công trình. Thực tế, nhiều dự án từ khi khảo sát, lập hồ sơ, rồi chờ đến lúc phê duyệt cả phương án kỹ thuật mới đền bù cho người dân, lúc này giá đất đã thay đổi. Ngoài ra, việc khảo sát, dự toán ban đầu ở các dự án chưa sát thực tế, nhất là phần bồi thường vốn chiếm tỷ lệ hơn 50%, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Vấn đề trên ảnh hưởng trực tiếp kế hoạch thực hiện các công trình.
"Nên tách bồi thường, tái định cư làm dự án thành phần riêng để thực hiện trước. Lúc này có thể chưa thi công, nhưng khi chuẩn bị mặt bằng sạch từ sớm sẽ rút ngắn thời gian thực hiện sau này cũng như hạn chế việc đội vốn", ông Thuận nói, cho rằng quá trình giải phóng mặt bằng, thành phố cũng cần các biện pháp mạnh hơn, bởi thực tế nhiều dự án chỉ còn vài trường hợp chậm di dời nhưng làm cả công trình bị ảnh hưởng.