|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Loạt cổ phiếu thép giảm sàn, mất hơn 70% giá trị kể từ đầu năm

17:53 | 10/11/2022
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu thép đã mất trên 70% giá trị so với đầu năm 2022 và giảm xuống dưới mệnh giá. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu, giá thép giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt là những nhân tố bất lợi với ngành thép hiện nay.

Phôi thép vuông. (Ảnh: HPG).

Kết phiên 10/11, VN-Index giảm hơn 38 điểm, tương đương 3,89%, dừng chân ở 947 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index đi xuống tương ứng 4,47% và 4,71%.

Toàn thị trường có 301 mã giảm hết biên độ, trong đó ngành thép có 7 đại diện là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, NKG của Thép Nam Kim, HSG của Tập đoàn Hoa Sen, SMC của Đầu tư Thương mại SMC, VGS của Thép Việt Đức, TLH của Thép Tiến Lên, và TIS của Gang thép Thái Nguyên.

Nhiều cổ phiếu khác cũng đi xuống nhưng không kịch sàn như TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam, POM của Pomina, …

Hiện nay trong nhóm cổ phiếu thép với thanh khoản cao trên thị trường, chỉ còn HPG có giá trên 10.000 đồng/cp, các cổ phiếu còn lại đều đã về dưới mệnh giá. So với ngày đầu năm 2022, HPG đã mất 65,4% giá trị, vốn hóa bay hơi hơn 135.000 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác như TVN, NKG, HSG, POM giảm trên 70%.

Nhiều cổ phiếu thép mất trên 70% giá trị so với đầu năm 2022.

Quý III vừa qua, 5 doanh nghiệp thép lớn gồm Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, Thép Việt Nam, Pomina đều ghi nhận khoản thua lỗ cao kỷ lục và nằm trong top 10 công ty lỗ đậm nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu thép đi xuống liên tục khiến cho nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề. Hôm nay 10/11, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long – cổ đông lớn nhất Tập đoàn Hòa Phát – rời khỏi danh sách tỷ phú USD do tạp chí Forbes thống kê, do giá trị tài sản ròng của ông Long tụt xuống còn khoảng 959 triệu USD.

Hòa Phát vừa cho biết trong vòng một tháng trở lại đây, tập đoàn tiêu thụ bình quân 850.000 quả trứng gà trong một ngày. Riêng giai đoạn đầu tháng 11, sản lượng trứng gà tăng 40% so với bình thường, có khi lên tới gần 1,2 triệu quả/ngày.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp chỉ đóng vai trò khiêm tốn trong hoạt động kinh doanh của Hòa Phát nên thông tin này khó có tác động đáng kể tới giá cổ phiếu HPG. Quý III vừa qua, trong 34.103 tỷ đồng doanh thu thuần của Hòa Phát, lĩnh vực thép góp 94,6%, còn nông nghiệp (bao gồm thịt heo, thịt bò, trứng gà) góp khoảng 5%.

Giá trị hàng tồn kho tại ngày 30/9/2022 chưa trừ dự phòng giảm giá.

Tính đến ngày 30/9 năm nay, Hòa Phát đang có tổng tồn kho gần 44.800 tỷ đồng. Trong đó tồn kho thành phẩm là khoảng 14.700 tỷ đồng và nguyên vật liệu là hơn 18.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,7% và giảm 5,5% so với ngày đầu năm 2022.

Hòa Phát cho biết giá than nguyên liệu lên cao là một trong những lý do khiến tập đoàn thua lỗ kỷ lục trong quý III. Việc nắm giữ lượng hàng tồn kho giá cao này có thể sẽ gây áp lực lên chi phí của Hòa Phát trong những tháng tiếp theo.

Để hạn chế tồn kho, Hòa Phát đã tạm dừng hai lò cao ở Khu Liên hợp Dung Quất và hai lò cao ở Khu Liên hợp Hải Dương trong tháng 11. Sang tháng 12, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long có thể sẽ dừng thêm một lò cao nữa tại Dung Quất. Chứng khoán SSI dự báo Hòa Phát sẽ tiếp tục lỗ trong quý IV.

Theo thông tin của VnEconomy vào tháng 10, một doanh nghiệp thép khác là Pomina cũng đã dừng hoạt động lò cao vì thị trường khó khăn.

Về phần Hoa Sen, tập đoàn chuyên về tôn mạ và ống thép này đã giảm gần 5.000 tỷ đồng hàng tồn kho trong niên độ tài chính 2021 – 2022 (từ 1/10 năm ngoái đến 30/9 năm nay), tương đương mức giảm 40%. Tỷ lệ tồn kho/tổng tài sản của Hoa Sen là 47,5%, cao hơn Hòa Phát nhưng thấp hơn Nam Kim và Thép Tiến Lên.

Giá trị hàng tồn kho tại ngày 30/9/2022 chưa trừ dự phòng giảm giá. 

Song Ngọc