|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lộ trình giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam có khả thi?

16:06 | 09/12/2021
Chia sẻ
Hiện nay, tổng lượng phát thải carbon của Việt Nam đang ở mức 300 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm 60%. Để đạt được mục tiêu này, đại diện VEA cho rằng cần nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 80-90% trong cơ cấu sản xuất điện.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26, Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050.

Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển năng lượng tái tạo kèm theo những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực và sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ của cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ trong toạ đàm "Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết: "Trên thế giới chỉ có quốc gia phát triển như Trung Quốc, Anh, Mỹ dám cam kết lộ trình đó, thậm chí xa hơn là giai đoạn 2060 hoặc 2070.

Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đây là tham vọng lớn".

Đại diện VEA cho biết tổng lượng phát thải carbon của Việt Nam đang ở mức 300 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm 60%, công nghiệp chiếm 10%, nông nghiệp chiếm 20%, còn lại là rác thải.

Trong khi, lượng cây rừng ở Việt Nam chỉ có thể hấp thụ 40 – 50 triệu tấn CO2. Do đó, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, lượng phát thải phải bằng lượng hấp thụ CO2.

Lộ trình giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam có khả thi? - Ảnh 1.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 80-90% cơ cấu điện sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu lượng phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. (Ảnh: SunPro)

Vị này cũng đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thải lượng phát thải carbon cho từng ngành.

Ngành năng lượng thải ra 60% carbon trong tổng phát thải của Việt Nam. Do đó, đây sẽ là ngành có sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất.

Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2050 ước đạt 1 tỷ kWh trong đó 200 triệu kWh thuộc nguồn điện sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch, khí tự nhiên theo công nghệ ít phát thải CO2.

Việt Nam cũng có thể lựa chọn tăng phát triển điện than nhưng phải có kỹ thuật thu giữ CO2 mà công nghệ này khó và đắt.

Do đó, năng lượng tái tạo sẽ phải gánh khoảng 800 triệu kWh, chiếm 80 – 90% nguồn phát điện của Việt Nam.

Với yêu cầu tỷ trọng này, Việt Nam cần phát triển thêm hệ thống thủy điện tích năng, đắp hồ trên hồ dưới để trữ nước, dịch chuyển nước.

Ngành điện cần dự báo được công suất của năng lượng tái tạo, mức phát điện dựa theo những ngày vận hành và có điều chỉnh phủ hợp.

Trường hợp, nguồn điện dồi dào cần lưu trữ về vào pin tích năng hoặc xây dựng hệ thống truyền tải tương đối mạnh để hỗ trợ các vùng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp có thể chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây bởi quá trình sục bùn khi gieo cấy đang tạo ra một lượng lớn khí metan.

Còn ngành công nghiệp có thể áp dụng một số giải pháp công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính nhưng khó có thể đưa về 0.

Đối với rác thải, ngành môi trường không theo nên chôn lấp, đốt trực tiếp. Trong trường hợp bất khả kháng, cần dùng công nghệ thu hồi khí metan, tiến tới xử lý rác không phát thải carbon.

Với những giải pháp đồng bộ trên, ông Vy tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu dù con đường còn nhiều gian nan.

Hoàng Anh