Chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang 'điện sạch': Công nghệ có phải là định hướng?
Năng lượng tái tạo và công nghệ xanh là những công nghệ chiến lược cần thiết, được Chính phủ khuyến khích phát triển để thực hiện chuyển đổi năng lượng phù hợp với các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam đã cam kết.
Tuy nhiên, bất chấp đà tăng trưởng mạnh mẽ các dự án điện tái tạo, việc phát triển công nghệ năng lượng vẫn còn hạn chế có thể cản trở tốc độ tăng trưởng cần thiết trong những thập kỷ tới.
Nhằm thảo luận các chính sách và những khuyến nghị hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cho năng lượng, ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021.
Năng lượng tái tạo là xu thế
Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, những năm qua, ngành năng lượng phát triển mạnh mẽ từ truyền tải, công suất lắp đặt, phụ tải... Tốc độ trung bình hàng năm tăng tới 10% và Việt Nam những năm gần đây đã phải nhập khẩu điện.
Dự báo tương lai, Việt Nam có thể phải đối diện nguy cơ thiếu hụt điện năng. Vì vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh điện hóa thạch là rất quan trọng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, giúp tăng cường an ninh năng lượng, giảm phát thải nhà kính…
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay, vấn đề năng lượng là rất quan trọng, làm sao sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này, áp dụng công nghệ mới để khi đầu tư vào sẽ giúp giảm mức đầu tư, tăng hiệu quả…, thì phải dùng khoa học và công nghệ. Bộ đang xây dựng các nội dung phát triển liên quan công nghệ năng lượng tái tạo.
Thời gian tới, Bộ rất cần các nhà khoa học, doanh nghiệp có sự tham mưu, giúp đỡ để các chính sách hỗ trợ tốt nhất cho phát triển công nghệ năng lượng…
Cũng theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương – ông Hoàng Tiến Dũng, Quy hoạch Điện VIII sẽ chú trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai như: điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời…
Tới đây, với các chính sách hỗ trợ, dự kiến tổng công suất điện sạch gồm: điện khí, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 75% điện hệ thống, đóng góp sản lượng khoảng 70% trong tổng sản lượng điện...
Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang “điện sạch”. Vì vậy, bên cạnh các chính sách để khuyến khích thì công nghệ năng lượng cũng là định hướng phát triển trong tương lai.
Ông Hoàng Tiến Dũng cho hay, điện mặt trời đã phát triển khá nhanh, điện gió cũng đã có sự thể hiện khá ấn tượng trọng năm 2021.
Tuy nhiên, chúng ta còn phụ thuộc phần lớn công nghệ nhập khẩu. Vậy, làm sao để chủ động hơn trong xây dựng dự án, công nghệ xây lắp, sản xuất các thiết bị, linh kiện tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cho hay, trong tương lai, Việt Nam sẽ chú trọng phát triển điện gió ngoài khơi nên cần rất tập trung cho nghiên cứu phát triển, từ việc điều tra, kỹ thuật, sản xuất, xây lắp… để từng bước nội địa hóa.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ phát triển năng lượng sinh khối, địa nhiệt và kể cả trong tương lai xa hơn là thủy triều, sóng biển…
Ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, để tích hợp lượng lớn năng lượng tái tạo lên lưới điện, ngoài việc phát triển lưới điện thông minh, các công nghệ liên quan đến tích trữ năng lượng cũng là tương lai, định hướng tốt cho doanh nghiệp. Khi phát triển năng lượng tái tạo ở mức cao thì trong tương lai có thể nghĩ tới việc sản xuất hydro, công nghệ sản xuất tích trữ, lưu trữ hydro.
Tăng đầu tư cho nghiên cứu
Tại diễn đàn, chia sẻ về những rào cản trong phát triển công nghệ năng lượng, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, trong tiết kiệm năng lượng, có nhiều công ty có các kỹ sư Việt Nam giỏi, đưa ra các giải pháp, nhưng khi muốn bán giải pháp đó thì chưa có quy định cụ thể, do vậy, không có cơ chế thúc đẩy phát triển nghiên cứu.
Đó là điều quan trọng cần tháo gỡ về mặt chính sách. Một điểm nữa liên quan đến chi tiêu công cho chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, qua nghiên cứu, hiện khoảng 90% đầu tư là cho hai ngành nông nghiệp và giao thông… rõ ràng đầu tư cho giảm phát thải, công nghệ cho năng lượng còn rất thấp.
Cũng theo ông Đặng Hoàng Hợp, đại diện Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh là những công nghệ chiến lược cần thiết để thực hiện chuyển đổi năng lượng phù hợp với các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam đã cam kết.
Tuy nhiên, bất chấp đà tăng trưởng mạnh mẽ các dự án, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh tiếp tục đối mặt với những hạn chế có thể cản trở tốc độ tăng trưởng cần thiết trong những thập kỷ tới.
“Nên cập nhật các mục tiêu dài hạn cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm các mốc ngắn hạn quan trọng phù hợp với chiến lược năng lượng quốc gia và với sự đóng góp của quốc gia vào nỗ lực giảm thiểu khí hậu toàn cầu.
Đặc biệt, xác định và cung cấp mức tài trợ công phù hợp cho nghiên cứu và phát triển tương ứng với mục tiêu giảm chi phí và tiềm năng của công nghệ và mục tiêu giảm thiểu CO2; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển quốc tế để tận dụng tốt nhất các năng lực quốc gia”, ông Đặng Hoàng Hợp đề xuất.
Theo báo cáo từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, ở ngành điện mặt trời, để phát triển toàn diện, hàng loạt công nghệ phục vụ chuỗi giá trị khởi đầu từ công nghệ chế tạo và sản xuất vật liệu... Nhìn chung, điện mặt trời còn có rất nhiều tiềm năng cũng như thách thức để phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, trong tương lai dài hạn vấn đề quan trong nhất đối với công nghệ điện mặt trời là kết nối nguồn năng lượng này với mạng lưới điện một cách an toàn và hiệu quả.
Bài toán này sẽ được giải quyết thông qua các thiết bị điện tử công suất tiên tiến, công nghệ lưu trữ năng lượng và đặc biệt là những ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, để giảm vật liệu trong các công nghệ quang điện, lựa chọn tốt nhất là tăng cường nghiên cứu, phát triển theo hướng giảm lượng vật liệu nguy hiểm, cũng như giảm thiểu vật liệu trên mỗi tấm để tiết kiệm chi phí; hoặc thay thế các thành phần khác nhau được sử dụng cho các tấm pin năng lượng mặt trời, cụ thể là: tấm c-Si (thủy tinh, silicon), tấm CIGS (thủy tinh, polyme, nhôm) và tấm CdTe (kính, polyme, niken).