|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lo sợ Nga cắt khí đốt qua Ukraine, một quốc gia châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp

20:57 | 13/12/2024
Chia sẻ
Hôm 13/12, Quốc hội Moldova đã bỏ phiếu thông qua tình trạng khẩn cấp do lo ngại về mối đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của nước này nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Thủ tướng Moldova Dorin Recean. (Ảnh: Reuters).

Hôm 13/12, Quốc hội Moldova đã bỏ phiếu ban hành tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày, với lý do lo ngại về mối đe doạ trực tiếp đến an nguy của người dân nước này khi Nga dự kiến sẽ tạm ngừng cung cấp khí đốt.

Moldova là một quốc gia không giáp biển ở phía đông bắc của vùng Balkan. Hiện tại, Nga đang cung cấp khí đốt cho Moldova thông qua nước láng giềng Ukraine.

Tuy nhiên, thoả thuận vận chuyển khí đốt giữa tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12 và Kiev đã nhiều lần tuyên bố không có ý định gia hạn thoả thuận.

Theo CNBC, tổng cộng 56 trong 101 nhà lập pháp Moldova đã bỏ phiếu ủng hộ việc ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Chính phủ nước này cho biết động thái trên sẽ cho phép họ thực hiện một loạt biện pháp để ngăn ngừa và giảm bớt mối đe doạ từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Thông cáo báo chí của Quốc hội Moldova cho biết việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực Transnistria của nước này có thể gây ra “một cuộc khủng hoảng nhân đạo” cũng như “rủi ro đối với hoạt động và sự ổn định” của ngành năng lượng địa phương.

Thủ tướng Moldova Dorin Recean tuyên bố mùa đông năm nay phải là mùa đông cuối cùng trong lịch sử đất nước này bị đe doạ vì nguồn cung năng lượng. Trước đó, Nga tuyên bố sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine. 

Theo CNBC, Nga đã phát động một cuộc không kích lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào ngày 13/12. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ Moscow đã sử dụng 93 tên lửa và gần 200 máy bay không người lái trong cuộc tấn công.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Hà Lan ING cho biết nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) sẽ mất khoảng 15 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, tương đương 5% tổng lượng nhập khẩu. 

Khả Nhân