|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lo người lao động 'nói những điều không hay', Tesla đã trả tiền thuê công ty theo dõi nhân viên trên nhóm kín Facebook

09:01 | 06/06/2022
Chia sẻ
Trong giai đoạn 2017 - 2018, nhiều nhân viên làm việc tại Tesla được khuyến nghị không nên kết bạn với các sếp trên Facebook bởi họ có thể sẽ nằm trong diện bị theo dõi.

Giai đoạn 2017 – 2018, khi một số công nhân Tesla tìm cách thành lập công đoàn tại nhà máy ở Fremont, California, công ty sản xuất xe điện của Elon Musk đã trả tiền cho một công ty tư vấn có tên MWW PR, để giám sát nhân viên trong một nhóm kín trên Facebook và rộng hơn là trên mạng xã hội, theo CNBC.

Hai điều mà MWW PR theo dõi sát sao là các cuộc thảo luận cáo buộc các hành vi lao động không công bằng tại Tesla và về một vụ kiện quấy rối tình dục. Mặc dù hồ sơ xác nhận việc giám sát nhân viên của Tesla đã xuất hiện từ lâu, nhưng chúng vẫn mang đến những thông tin liên quan mới, đặc biệt với những người có ý định vào Tesla làm việc.

Gần đây tỷ phú Elon Musk đã đạt thỏa thuận mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD. Đây là nền tảng mạng xã hội mà CEO Tesla thường xuyên sử dụng nhằm quảng bá cho công ty cùng các dự án của bản thân, hoặc chế nhạo những người mà ông không ưa, bao gồm những người có ý định bán khống cổ phiếu Tesla, những người chỉ trích ông, nhà báo và thậm chí cả giới quan chức,… Elon Musk được cho là sẽ trở thành CEO tạm thời của Twitter nếu thương vụ được hoàn tất.

Tesla đã thuê công ty theo dõi người lao động trên Facebook. (Ảnh: The Guardian).

Hồ sơ cho thấy Tesla đã trả tiền để MWW PR giám sát nhóm Facebook của nhân viên công ty. Ngoài ra, công ty PR này cũng giám sát các động thái trên mạng xã hội Facebook về những ý kiến liên quan tới Tesla, tiến hành đưa ra những bình luận tích cực để PR cho công ty của Elon Musk, phát triển các kế hoạch truyền thông lao động và quảng cáo dựa trên dữ liệu được thu thập.

Giám đốc truyền thông toàn cầu của Tesla trong thời gian đó, Dave Arnold, có quan hệ với MWW PR, công ty tư vấn mà nhà sản xuất ô tô thuê để thực hiện công việc này. Ông đã làm việc tại MWW trong khoảng 4 năm từ 2011 đến 2015 với tư cách là phó chủ tịch, sau thời gian làm Giám đốc truyền thông cho Rep. Anthony Weiner (D-N.Y.), theo một thông cáo báo chí từ MWW.

Tesla và Elon Musk đã có xung đột với những người ủng hộ công đoàn trong nhiều năm. Năm 2017, Tesla đã sa thải một nhà hoạt động công đoàn tên là Richard Ortiz. Một năm sau, Elon Musk đã đăng tải dòng tweet được cho là vi phạm luật lao động liên bang.

Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia đã ra lệnh cho Tesla khôi phục chức vụ của Ortiz và yêu cầu Elon Musk xóa dòng tweet của ông, điều mà họ nói rằng có thể đe dọa mức lương của người lao động. Tesla sau đó đã kháng cáo phán quyết của tòa án hành chính và dòng tweet của Elon Musk vẫn được giữ nguyên.

Musk tiếp tục chỉ trích nhiều quan chức được bầu của Đảng Dân chủ, bao gồm cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden vì quan điểm ủng hộ công đoàn của họ. Gần đây, Musk tiết lộ có kế hoạch bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới vì cho rằng “Đảng Dân chủ bị kiểm soát quá mức bởi các công đoàn” và các luật sư. Các nhà máy của Tesla ở Texas và California chưa bao giờ tổ chức bầu cử công đoàn.

“MWW PR đã tham khảo ý kiến ​​với Tesla trong giai đoạn 2017 – 2018 về sự tham gia giao tiếp rộng rãi của nhân viên trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của công ty. Một điều phổ biến là xem xét mức độ đưa tin của các phương tiện truyền thông và cuộc trò chuyện xã hội công khai về một công ty để hiểu rõ hơn về các vấn đề và nhận thức của các bên liên quan về thương hiệu”, theo hồ sơ.

“Social listening” hay giám sát quá mức?

Theo John Villasenor, giáo sư tại UCLA, có những lý do chính đáng khiến các công ty để mắt đến những gì nhân viên của họ đăng công khai trên mạng, với nghiên cứu tập trung vào tác động của công nghệ đối với xã hội, luật pháp và chính sách công. Dù vậy, Giáo sư Villasenor lưu ý, có những ranh giới đạo đức không nên vượt qua khi xem xét tài khoản và bài đăng mạng xã hội của nhân viên.

Jennifer M. Grygiel, Phó Giáo sư tại Đại học Syracuse, công ty nên tránh các hành động can thiệp đến quyền lợi của nhân viên, đặc biệt là quyền thảo luận, thành lập hay gia nhập công đoàn.

“Bất kỳ tổ chức nào cũng có thể tham gia vào việc “social listening”, sử dụng dữ liệu truyền thông xã hội công khai để có được thông tin chi tiết về việc phát triển sản phẩm hoặc để hiểu được nhân viên. Nhưng ở Mỹ có luật bảo vệ quyền của mọi người. Nếu bạn là một công ty PR hoặc một người quản lý phải thâm nhập vào một nhóm trên mạng xã hội, điều này sẽ bị coi là không trung thực. Tôi nghi ngờ Tesla làm điều này”, Jennifer M. Grygiel cho biết.

Ba người từng là nhân viên Tesla ở Fremont vào năm 2018 nói với CNBC rằng họ đã được các đồng nghiệp cảnh báo không nên kết bạn với sếp trên mạng xã hội, cũng như không được tham gia vào các nhóm nhân viên Tesla trên mạng xã hội, trừ khi họ biết từng người trong nhóm, bao gồm cả quản trị viên.

Trong nội bộ, các nhân viên trò chuyện trong một số nhóm, bao gồm trên Mattermost (một sản phẩm trò chuyện mã nguồn mở) và Teams (nền tảng hội nghị truyền hình của Microsoft), nhưng Tesla không sử dụng Workplace của Facebook.

Chính sách truyền thông hiện tại của Tesla nói rằng các nhà quản lý không nên truy cập các trang cá nhân của cấp dưới trên mạng xã hội, trừ khi có lý do kinh doanh riêng khiến họ phải làm như vậy.

Chính sách này đồng thời cũng không khuyến khích nhân viên trò chuyện về các vấn đề công việc và lưu ý: “Bạn có nhiều khả năng giải quyết những lo lắng về công việc bằng cách nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp, người giám sát hoặc nhân viên quản lý khác thay vì lan truyền trên internet”.

Doanh Chính

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.