|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

[LIVE] Tọa đàm 'Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới' diễn ra sáng nay 27/9

11:51 | 27/09/2022
Chia sẻ
Toạ đàm do Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức với sự góp mặt của các chuyên gia uy tín về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khởi đầu năm 2022 với tâm lý hết sức hưng phấn. VN-Index kết phiên 6/1 ở đỉnh lịch sử 1.528 điểm.

Ở Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lập kỷ lục xấp xỉ 36.800 điểm vào phiên 4/1, S&P 500 đóng cửa ở đỉnh gần 4.797 điểm vào hôm 3/1. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 cũng lên đỉnh vào phiên 5/1.

Tuy nhiên, bức tranh thị trường vào ngày 26/9 lại hoàn toàn khác biệt ngày đầu năm với nhiều gam màu xám xịt. VN-Index lao dốc xấp xỉ 29 điểm trong phiên đầu tuần vừa qua, tương đương mất 2,4%, và một lần nữa quay lại dưới mốc 1.200 điểm.

Dow Jones và S&P 500 đã mất lần lượt 23% và 19,6% so với đỉnh thiết lập hồi đầu năm. Chứng khoán châu Âu cũng đã giảm hơn 20% so với kỷ lục trong tháng 1.

Việc chứng khoán Mỹ sa sút được cho là vì tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng ở vùng 8-9%, nghiêm trọng nhất trong 4 thập kỷ gần đây. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã phải 5 lần nâng lãi suất liên tiếp thêm tổng cộng 300 điểm cơ bản (bps) trong nửa năm qua, trong đó có ba lần tăng 75 bps liền nhau, để kìm hãm đà tăng của giá.

Chi phí vay mượn tăng nhanh là một trong những lý do khiến cho GDP của Mỹ suy giảm trong cả hai quý đầu năm 2022.

Toàn cảnh tọa đàm sáng 27/9 do VietnamBiz, Việt Nam Mới, WiGroup tổ chức. (Ảnh: Ban Tổ chức).

Tại châu Âu, các nền kinh tế từ lớn đến nhỏ đều đang phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng và các bất ổn kinh tế - chính trị liên quan tới cuộc xung đột Nga – Ukraine. Nguy cơ suy thoái kinh tế cũng hiện hữu không kém gì ở Mỹ.

Trong khi đó tại Việt Nam, tình hình chính trị ổn định, năng lượng không thiếu hụt, rủi ro suy thoái khá xa vời khi GDP của quý I và II đều tăng trưởng dương, Ngân hàng Nhà nước mới tăng lãi suất một lần vào ngày 22/9, khu vực lân cận không có chiến tranh, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, …

Vậy nhưng VN-Index hiện đang thấp hơn 21,6% so với đầu năm, tương đương với mức giảm của các chỉ số chứng khoán Âu – Mỹ và đang chìm trong vùng thị trường gấu. Riêng trong tháng 9 (tính đến hết 26/9), VN-Index đã mất 8,3% và khối ngoại đã bán ròng hơn 2.900 tỷ đồng. 

Các chỉ số chứng khoán Việt Nam lao dốc trong 9 tháng đầu năm 2022.

Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” do Trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (vietnambiz.vn), Việt Nam Mới (vietnammoi.vn) và Công ty Cổ phần WiGroup phối hợp tổ chức sáng nay 27/9 sẽ giúp nhà đầu tư hiểu thêm về diễn biến thị trường 9 tháng đầu năm 2022 cũng như có các chiến lược phân bổ tài sản hợp lý, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu an toàn và hiệu suất tốt, mang lại giá trị cho nhà đầu tư và chung tay phát triển một thị trường vốn lành mạnh.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế; ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup; ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT; cùng sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia, quỹ đầu tư, …

Toạ đàm sáng 27/9 sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính gồm:

+ Đánh giá tác động của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, làm lành mạnh thị trường chứng khoán đến dòng vốn đầu tư

+ Những biến số vĩ mô tác động đến thị trường chứng khoán trong quý IV/2022 và cả năm 2023

+ Triển vọng dòng tiền vào thị trường chứng khoán

+ Triển vọng kinh doanh các ngành, một số lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng

+ Ý tưởng đầu tư, chiến lược phân lớp tài sản phù hợp cho năm 2023.

Tọa đàm cũng được tường thuật trực tiếp trên Fan Page: https://www.facebook.com/TintucVietnamBiz/  

Các tham luận tại tọa đàm

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup: Năm 2022 có vĩ mô tốt nhưng dòng tiền xấu, năm 2023 có vĩ mô xấu nhưng tiền tệ tích cực

Dẫn thông tin dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022-2024 của các tổ chức lớn, CEO WiGroup cho biết nếu các tổ chức có cập nhật mới dự phóng thì con số thậm chí còn thấp hơn hiện nay bởi sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều, các quốc gia lớn bước vào giai đoạn tăng lãi suất lớn, gây sức ép xấu hơn nữa đến triển vọng kinh tế thế giới.

Theo dự báo của các tổ chức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh năm 2022, tính trung bình các dự báo đạt khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% vào năm 2021.

Trong năm 2021 kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh bởi nhóm các quốc gia đã phát triển có mức nền thấp năm 2020. Tuy nhiên năm 2022 thì sự tăng trưởng này chậm lại khá rõ, chỉ duy trì ở mức 2-2,5%, thấp hơn mức trung bình trước khi COVID-19 diễn ra.

Trong kịch bản xấu hơn nữa, tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ ở mức 0-1%, suy thoái kinh tế là điều có thể diễn ra nhưng chưa có nhiều cơ sở. Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu diễn ra ở các nước phát triển nơi họ phải tăng lãi suất tương đối mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát.

Ở những quốc gia đang phát triển và mới nổi như Việt Nam thì lạm phát không phải vấn đề nhưng vì bảo vệ tỷ giá nên phải tăng lãi suất, điều này gây áp lực lên tăng trưởng lên các quốc gia đang phát triển.

Lạm phát của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu.

Bối cảnh chung cho thấy bức tranh không tích cực về kinh tế toàn cầu. Dự phóng kinh tế Việt Nam, tổng hợp từ các tổ chức uy tín cho thấy quý III sẽ tăng trưởng kỷ lục, nội tại không phải tăng trưởng quá mạnh nhưng do mức so sánh cùng kỳ quá thấp.

Có đơn vị dự phóng kinh tế Việt Nam tăng 13,8% trong quý III, điều này sẽ kéo tăng trưởng cả năm. Về tăng trưởng cả 2022, có tổ chức dự báo cao nhất là 8,5%, thấp nhất là 7%, bình quân khoảng 7,8% - vẫn là mức tương đối cao so với trước khi COVID-19 diễn ra. Tuy nhiên kết quả này đạt được là do nền tảng cơ sở năm 2021 thấp.

Sang năm 2023 khi nền tăng trưởng năm 2022 cao cùng tăng trưởng kinh tế chậm lại toàn cầu thì tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến khoảng 6,8%, thấp hơn trước dịch COVID-19. Các tổ chức lớn đều nhìn thấy sự tiêu cực trong bức tranh kinh tế 2023 của Việt Nam. 

Ông Trần Ngọc Báu trình bày tại tọa đàm sáng 27/9. (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ông Báu nhận định nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp; nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VND, dòng vốn chảy ra nước ngoài. Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo.

Về năm 2023, ông Báu cho rằng tình hình vĩ mô sẽ rất xấu khi tăng trưởng GDP chậm lại, xuống thấp hơn mức trước dịch, áp lực lạm phát lớn hơn so với 2022 - có thể lên tới 4,1%, tức là cao hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực hút ròng sẽ không còn mạnh, dòng tiền được kỳ vọng sẽ phục hồi dần.

Ông Báu cho rằng lãi suất năm 2023 sẽ đi ngang, áp lực tỷ giá sẽ không còn nặng nề khi nhiều quốc gia đạt tới đỉnh lạm phát và lãi suất của các nước này lập đỉnh ở 2023. 

Fed đã tăng lãi suất 5 lần liên tiếp, thêm tổng cộng 300 điểm cơ bản (bps).

Tại sao Việt Nam khó kích thích tăng trưởng kinh tế dù lạm phát thấp?

Nói về lạm phát năm 2022, một số tổ chức như Standard Chartered dự báo 4,2%; Chứng khoán VietinBank (CTS) dự báo 4,5%, HSBC ước tính 3,5%, ... Trung bình các dự báo là 3,8%. Theo quan điểm cá nhân của ông Báu, lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức 4% mục tiêu của Chính phủ.

Giá dầu giảm mạnh, giá xăng giảm, làm mặt bằng chung chỉ số về giá giao thông vận tải giảm từ 123 xuống 102, tương đương mức giảm 15%. Đây là động lực kéo CPI xuống thấp, bớt gây áp lực lên lạm phát. Trong khi đó giá heo đã ngừng tăng, dự phóng tăng 6% từ nay đến cuối năm.

Giá xăng dự kiến về mức 20.000 đồng/lít nhờ các chính sách giảm thuế. Chỉ số diáo dục và vật liệu xây dựng sẽ chỉ tăng nhẹ. Dự báo cá nhân của ông Báu là CPI năm nay chỉ tăng 3 - 3,3%.

Tăng trưởng quý IV/2022 nhìn chung sẽ tương đối tiêu cực. Việt Nam sẽ chứng kiến một quý IV tăng trưởng thấp hơn nhiều so với quý IV của các năm trước đó, dự báo khoảng 3,5 - 5,4%, trong khi tăng trưởng quý IV bình quân các năm trước khoảng gần 7% và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng cả năm.

Lạm phát đang trong tầm kiểm soát, Việt Nam có nhiều động lực để bơm tiền để kích thích kinh tế, tuy nhiên chúng ta lại không làm như vậy vì lý do liên quan đến tỷ giá.

Hiện ở các nước phát triển, lạm phát bình quân của các nước này tăng trung bình từ 2% vọt lên 8-10%. Đây là mức lạm phát rất cao. Để quay trở lại mức mục tiêu là 2% phải mất 1-2 năm nữa. Với viễn cảnh như vậy, các nước bắt buộc phải tìm nguyên nhân cốt lõi của lạm phát.

Trong khi yếu tố cung đã được xử lý thì yếu tố về cầu vẫn còn tồn tại. Do giai đoạn COVID-19, các nước bơm tiền quá mạnh, dẫn đến kích thích thích nhu cầu chi tiêu thái quá làm giá hàng hóa tăng nhanh. Mỹ là nước đầu tiên tăng lãi suất, từ 0-0,25% hồi đầu năm nay lên 3-3,25% vào giữa tháng 9.

Từ giờ đến cuối năm, ông Báu dự báo mức lãi suất quỹ liên bang (Fed Fund Rate) ở mức 4,25%. Từ giờ đến cuối năm có thể còn hai đợt tăng lãi suất nữa, mỗi lần thêm khoảng 50 - 75 bps. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã gây áp lực lớn đến tỷ giá các quốc gia khác.

 VND mất giá so với USD trong năm 2022 do Fed tăng mạnh lãi suất.

Thế giới từng kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào năm 2023, tuy nhiên sau đợt tăng lãi suất vừa rồi cùng các bài phát biểu của Chủ tịch Fed, kỳ vọng về lãi suất đã lập tức thanh đổi. 

Fed giờ đây được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Việt Nam để ổn định tỷ giá cũng sẽ tăng lãi suất theo. Chỉ trong hai tháng mọi kỳ vọng của thị trường đã đảo lộn hoàn toàn và phải thừa nhận Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như này trong một năm nữa, không thể nhanh chóng nới lỏng.

Vấn đề tăng lãi suất chỉ là bề nổi, các ngân hàng trung ương (NHTW) từ tháng 5, tháng 6 bắt đầu triển khai thu hẹp bảng cân đối kế toán. Bản thân Fed giảm 200 tỷ USD từ bảng cân đối kế toán. Điều này giúp Mỹ kiểm soát lạm phát về vùng mục tiêu nhanh hơn nhưng áp lực thắt chặt lây lan sang các quốc gia khác. 

Việt Nam đã dùng dự trữ ngoại hối để hạn chế đà giảm của VND so với USD. Tuy nhiên, nước ta còn cần duy trì dự trữ ngoại hối ở mức an toàn là đủ cho 3 tháng nhập khẩu. Vì vậy trong năm 2023, Việt Nam sẽ hỗ trợ tỷ giá bằng cách nâng thêm lãi suất.

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research: Triển vọng thị trường chứng khoán quý IV/2022 và cả năm 2023 

Những điểm sáng và rủi ro vĩ mô

Về điểm sáng vĩ mô 8 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 là 7% có thể đạt được, tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022. Chỉ số PMI tháng 8 đạt trên mức 50 điểm tháng thứ 11 liên tiếp, với sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng mới từ khách hàng cả trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, lạm phát bình quân 8 tháng được kiểm soát ở mức thấp 2,6%; cán cân thương mại 8 tháng ước tính thặng dư 4 tỷ USD và thặng dư ngân sách với thu 8 tháng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra, ngành tiêu dùng hồi phục với doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng tăng mạnh 19% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa 8 tháng tăng đã vượt mức trước COVID-19, tăng 34% so với cùng kỳ 2019.

Ông Đào Minh Châu trình bày tại tọa đàm sáng 27/9 do VietnamBiz, Việt Nam Mới, WiGroup tổ chức. (Ảnh: Ban Tổ chức). 

Trong thời gian tới, ông Châu đánh giá động lực tăng trưởng quý IV2022 và 2023 đến từ chính sách tài khóa, với gói kích thích kinh tế có thể được giải ngân nhiều hơn vào quý cuối năm nay và trong năm 2023.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể dần nới lỏng các chính sách phong tỏa COVID-19 giúp thúc đẩy nhu cầu khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

FDI thực hiện trong 8 tháng đầu 2022 là mức cao nhất của 8 tháng trong 5 năm gần đây. 

Chia sẻ về các yếu tố rủi ro, ông Châu cho biết áp lực kinh tế thế giới càng tăng với rủi ro suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kênh xuất khẩu của Việt Nam. CPI Việt Nam có độ trễ so với thế giới và có thể tăng mạnh vào cuối năm khi chính phủ điều chỉnh các mặt hàng như giá điện, giá y tế và kỳ vọng tiếp tục cao trong năm 2023.

Chính sách tiền tệ ngày càng có xu hướng thắt chặt hơn với cung tiền giảm và lãi suất tăng trong quý IV/2022 và 2023 trong bối cảnh NHTW trên thế giới liên tục thắt chặt chính sách. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Thanh khoản thị trường BĐS có nguy cơ sụt giảm, đặc biệt thị trường BĐS trong 2023 và 2024 có rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu, trong hai năm tới khối lượng TPDN đáo hạn gần 250.000 tỷ, sẽ tác động tới ngành địa ốc và ngành ngân hàng.

Vấn đề tỷ giá tăng nhanh gây áp lực trong năm nay song có thể dịu bớt trong 2023.

Tiềm năng thị trường chứng khoán 

Thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay có xu hướng điều chỉnh sau hai năm tăng nóng. VN-Index giảm khoảng 21% từ đầu 2022 đến 23/9 do ảnh hưởng từ mức giảm của các ngành vật liệu, công nghiệp, BĐS, tài chính.

Giá trị giao dịch trên HOSE cho thấy xu hướng giảm mạnh từ mức đỉnh 2021. Việc thanh khoản giảm chủ yếu do dòng tiền vào của NĐT cá nhân giảm, nhiều NĐT cá nhân có xu hướng rút tiền ra. Số tài khoản mở mới trong năm 2022 lập đỉnh cũng tương tự như vào tháng 3/2018 khi VN-Index lên 1.200 điểm rồi lao dốc.

 

NĐT cá nhân liên tục mua ròng từ tháng 10/2020 tới tận tháng 3 năm nay. Trong tháng 4-8/2022, NĐT cá nhân liên tục rút ròng với giá trị khoảng 6.000 tỷ do bối cảnh dòng tiền thắt chặt, lãi suất tăng khiến chi phí vốn đầu tư tăng. Chỉ số sụt giảm khiến kênh đầu tư chứng khoán bớt hấp dẫn, nền kinh tế mở cửa dẫn tới nhiều NĐT rút tiên ra để quay lại sản xuất, kinh doanh.

NĐT nước ngoài là điểm sáng trong thời gian qua, giá mua ròng 2.000 tỷ trên HOSE, tập trung vào quý II với giá trị mua ròng hơn 9.000 tỷ, chủ yếu đến từ quỹ Fubon hay Diamond.

 

Thị trường chứng khoán được đánh giá vẫn hấp dẫn khi P/E (dựa trên số liệu lợi nhuận quá khứ) hiện tại khoảng 12x, trong khi các thị trường khác (Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia) đều cao hơn Việt Nam nhiều (khoảng 16x).

 ROE của VN-Index khoảng 15% cao hơn so mức 9-10% của khu vực. Tỷ giá ổn định là yếu tố NĐT nước ngoài quan tâm, tỷ giá từ đầu năm đến nay mất giá hoảng 4% so với USD, nhiều quốc gia khác (Thái Lan, Malaysia, Philippines) mất giá khoảng 10-15% so với USD. 

 

Về triển vọng trong thời gian tới, ông Châu dự phóng lợi nhuận nhóm công ty niêm yết đạt mức khả quan, khoảng 16,7% và mức tăng trường lợi nhuận này sẽ có thể giảm trong 2023 xuống 13,3%.

Vì vậy, SSI dự báo P/E năm nay khoảng 11,3 lần, P/E dự phóng cho 2023 khoảng trên 9,4 lần, so với quá khứ khá là thấp. Điểm đáng nói là chỉ số định giá của VN-Index rất nhạy cảm với đường lãi suất. Thời gian qua, lãi suất điều chỉnh tăng 1 điểm %, dự báo cuối năm nay và đầu năm sau vẫn có mức tăng khoảng 1 điểm % nữa sẽ gây áp lực lên định giá của chỉ số nói chung. 

Nhìn chung xu hướng TTCK trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó lường trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng. Nền kinh tế cùng một lúc chịu nhiều yếu tố bất định.

Trong bối cảnh đó, TTCK sẽ vẫn có những nhịp tăng/giảm, có sự phân hoá giữa các nhóm ngành và chính các cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Các doanh nghiệp đầu ngành sẽ được lưu ý hơn do có sức khoẻ tài chính tốt.

Theo ông Châu, các nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng gồm: ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế (bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin); cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI; cổ phiếu hưởng hưởng lợi từ khi giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hoá chất,…); cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc KQKD phục hồi từ đáy; các cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất.

Tựu chung lại, trong nguy có cơ, nhà đầu tư cần cần chắt lọc, thẩm định kỹ hơn. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng thanh lọc thị trường, tuy nhiên cơ hội đầu tư dài hạn sẽ tốt khi TTCK suy giảm nhưng cũng cần định giá kỹ. NĐT cần lưu ý giá nào, thời điểm nào cần mua/bán, đặc biệt là nguyên tắc quản trị rủi ro nên được đặt lên ưu tiên hàng đầu. 

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT: Cơ hội đổi đời

Bối cảnh kinh tế hiện nay không có điểm tốt đẹp, Việt Nam sẽ ghi nhận quý III/2022 tăng trưởng kỷ lục trên nền so sánh thấp của năm ngoái. Đối diện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhìn vào triển vọng vĩ mô nói chung vẫn là bức tranh xám màu.

GDP quý II/2022 của Việt Nam tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn đặc biệt ưa thích thích giai đoạn này. Đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua. Đây là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”.

Song việc đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro của từng người. Nhiều khách hàng của ông Tuấn tầm tuổi về hưu sẽ ưu tiên lựa chọn tiền gửi tiết kiệm cho giai đoạn này.

Về bối cảnh vĩ mô thế giới, khi mà đồng USD trở nên mạnh hơn ông Tuấn không bất ngờ. Đơn giản là khi các chính sách của Fed chưa rõ ràng thì sẽ có sự trục lợi (đầu cơ, short tỷ giá…), nhưngthực tế là thời gian qua Chủ tịch Fed Jerome Powell đã vạch ra đường lối chính sách rất rõ ràng. Fed nhìn vào các dấu hiệu lạm phát để đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp.

Về Việt Nam, chúng ta “khéo” trong điều hành chính sách. Lợi thế của chúng ta là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011 thì cũng như vậy.

Đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế, là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn của chúng ta vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.

Ông Huỳnh Minh Tuấn trình bày tại tọa đàm sáng 27/9 do VietnamBiz, Việt Nam Mới, WiGroup tổ chức. (Ảnh: Ban Tổ chức).  

Theo dự báo của FIDT, VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý IV năm nay.

Về các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế, hạ tầng bất động sản (BĐS) - khu công nghiệp …

Khi lãi suất tăng, giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu giao thương với thế giới cũng sụt giảm, ảnh hưởng tới các mặt hàng như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may….

Khi đó bài toán quay lại với việc kích thích tiêu dùng nội địa. Muốn kích thích thì thị trường phải có “room”. Người tiêu dùng cá nhân chấp nhận một mức lãi suất dịch chuyển lên khoảng 1-1,5% nhưng phải có room tín dụng, do đó ông Tuấn cho rằng Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ nới tay hơn trong việc điều chỉnh room tín dụng để kích thích tiêu dùng nội địa.

Nhờ lương thực thực phẩm mà chúng ta tự tin là lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát. Dư địa đầu tư công đang dồi dào. Nếu cuộc họp Quốc hội tới đây mà giảm được 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của xăng dầu thì giá xăng sẽ tiếp tục giảm.

Về mặt vĩ mô, việc triệt tiêu kỳ vọng lạm phát là bài toán phải giải quyết, ổn định mặt bằng giá cả, ít gây áp lực lên chính sách tỷ giá.

 

Thảo luận

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, điều phối thảo luận: Ông Báu đánh giá như thế nào về kết quả khảo sát của Ban Tổ chức cho thấy 75,8% nhà dầu tư lo ngại về tác động yếu tố biến động của vĩ mô toàn cầu đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup: Dựa trên quan sát vài chục nghìn người dùng, 3-4 tháng gần đây, tôi thấy nhu cầu tìm hiểu dải dữ liệu vĩ mô vượt trội nhiều, cho thấy nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến biến số vĩ mô. Điều này là bình thường trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, nếu vĩ mô ổn định thì câu chuyện lại khác.

Ở phương diện một người nghiên cứu sâu về vĩ mô, tôi cho rằng giai đoạn này bắt buộc phải quan tâm đến vĩ mô.

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm sáng 27/9, từ trái sang phải: TS. Đinh Thế Hiển, ông Trần Ngọc Báu, ông Đào Minh Châu và ông Huỳnh Minh Tuấn. (Ảnh: Ban Tổ chức).

TS. Đinh Thế Hiển: Nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào đầu tư công và kích thích kinh tế hơn là lợi nhuận doanh nghiệp, ông Đào Minh Châu nhận định ra sao về điều này?

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research: Kinh tế Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế ổn định và có khả năng chống chịu tốt trước xu hướng suy thoái toàn cầu. Ngành hàng sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam tăng trưởng tốt, đạt mức 20% so với cùng kỳ. Sức khỏe của ngân sách nhà nước (NSNN) cũng đang rất tốt, thu ngân sách tăng 20% trong 8 tháng 2022, thặng dư thương mại cũng cao.

So với nước khác trong khu vực, Việt Nam có lợi thế liên quan đến chi phí nhân công, chi phí năng lượng,… Thời gian tới, tôi đánh giá những động lực liên quan xuất khẩu sẽ chững lại. Có thể thấy mặt hàng xuất khẩu lớn như thép, dệt may, gỗ có xu hướng chững lại trong thời gian qua.

Về đầu tư công, SSI kỳ vọng đầu tư công trong quý IV/2022 và 2023 sẽ được Chính phủ đẩy mạnh. Dư địa của Chính phủ hiện nay với tỷ lệ nợ công, thặng dự ngân sách, còn khả năng tài trợ lớn cho đầu tư công.

Nếu trước kia chúng ta gặp những vướng mắc liên quan đến chính sách, giá vật liệu tăng cao thì nay khó khăn đã được tháo gỡ dần, giá thép giảm 25% từ mức đỉnh, bớt áp lực cho đầu tư công trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Minh Tuấn trả lời câu hỏi của nhà đầu tư. (Ảnh: Ban Tổ chức). 

TS. Đinh Thế Hiển: Tại sao các chuyên gia, các diễn đàn hô hào kinh tế tế tốt, nhiều cổ phiếu rẻ nhưng thị trường chứng khoán vẫn lình xình?

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT: Đối với NĐT chứng khoán, đầu tư phải phụ thuộc vào kỳ vọng. Thị trường luôn biến động trước nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng đã phản ánh từ cuối 2021, nhìn vào hai quý đầu năm sụt giảm cả tăng trưởng và xuất khẩu và có thể thấy TTCK phản ánh trước ít nhất nửa năm.

Chi phí lãi vay đang tăng dẫn tới dòng tiền bị rút ra. Chứng khoán là dòng tiền, tiền ít thì cổ phiếu không thể lên được. Xét trong ngắn hạn, thị trường biến động theo cung cầu, về dài hạn thị trường mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp. Do vậy nhà đầu tư không nên ngạc nhiên.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mất hơn 500.000 tỷ đồng vốn hóa trong tháng 9/2022.

TS. Đinh Thế Hiển: Từ quý IV/2022 tới 2023, ngành bán lẻ, xây dựng, ngân hàng có hấp dẫn không? Nếu không phải ba ngành này thì các chuyên gia có thể gợi ý các ngành nào?

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research: Với nhóm bán lẻ, theo dự báo của SSI Research lợi nhuận của nhóm bán lẻ như PNJ, MWG vẫn có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số năm sau.

Khi đầu tư nên quan tâm tới định giá, hiện tại P/E của cổ phiếu nhóm này vẫn cao khoảng 15 lần so với P/E của VN-Index là 12 lần. Vì vậy, nhà đầu tư có thể chờ nhóm này về mức định giá hấp dẫn hơn. Về ngành xây dựng, NĐT lưu ý ngành này ngoài hưởng lợi về đầu tư công cũng phụ thuộc rất nhiều vào ngành BĐS.

BĐS thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lãi suất tăng khiến thanh khoản sụt giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn đi kèm với lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong hai năm tới. Do đó, nhà đầu tư cần phải lựa chọn doanh nghiệp xây dựng nào ít liên quan tới thị trường BĐS hơn, tập trung vào đầu tư công.

Với lợi nhuận ngành ngân hàng, SSI Research ước tính vẫn duy trì được tăng trưởng năm nay và năm sau. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tăng ảnh hưởng tới NIM của ngân hàng, tốc độ tăng trường tín dụng, và ngành ngân hàng cũng cần theo dõi sát tình hình nợ xấu.

Lợi suất tại Việt Nam hiện nay cao gấp 4 lần đầu năm 2022.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT: Về nhóm bán lẻ, NĐT hay đầu tư theo trend, nhóm này biên lợi nhuận gộp rất thấp, nên lựa ra những doanh nghiệp có chất xúc tác riêng (ví dụ mở ra ngành có sức hấp dẫn). NĐT cần có chiết khấu rẻ hơn cho nhóm bán lẻ.

Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp xây dựng có lợi nhuận thấp. Nếu theo trend, NĐT cần lựa chọn mã an toàn, nợ ít, có năng lực đàm phán dự án lớn. Mảng ngân hàng vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận năm sau khoảng 15%.

Nếu đầu tư vào ngân hàng thì tỷ lệ P/B nên quanh 1, lựa ra ngân hàng có NIM tốt, có hệ sinh thái khách hàng, đang chuyển đổi số. Sau hơn nữa thì NĐT cần xem hệ số hoạt động, trích lập dự phòng, độ bao phủ nợ xấu. 

Nhà đầu tư tại tọa đàm: Sau khi em nghe các bài phân tích của các diễn giả, em thấy bức tranh đang màu xám quá và có vẻ 3-6 tháng tới NĐT nên ngủ đông. Tuy nhiên liệu các NĐT cá nhân có nên sử dụng sản phẩm Copytrade từ các công ty chứng khoán hay không?

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research: Thị trường được dự báo kém khả quan trong ngắn hạn, nhưng vẫn sẽ có những cổ phiếu có thể tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau. Mặt khác trong những cuộc khủng hoảng sẽ có những cơ hội tuyệt vời để NĐT tích lũy cổ phiếu trong dài hạn từ 3-5 năm.

Ví dụ giai đoạn 2012 định giá nhiều cổ phiếu rất rẻ, từ đó đến nay nhiều công ty đã tăng trưởng lợi nhuận từ 10-20 lần. Hoặc trong những giai đoạn như COVID-19, sự lo ngại của NĐT về thị trường rất lớn nhưng đấy cũng chính là những lúc NĐT có cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ.

Về chiến thuật copytrade, đấy có thể là một cách cho NĐT muốn tiếp cận thị trường chứng khoán mà không có thời gian để nghiên cứu sâu. Tuy nhiên NĐT vẫn cần phải tìm hiểu hiệu quả đầu tư của các NĐT theo copytrade đó trong quá khứ như thế nào, và phong cách của họ ra sao (dài hạn, ngắn hạn), có phù hợp với mình hay không.

Ngoài copytrade ra, hiện nay các công ty quản lý quỹ cũng có các quỹ ETF hoặc quỹ ủy thác, các công ty chứng khoán sắp tới có thể có sản phẩm wealth management, đó cũng là những kênh các NĐT có thể ủy thác tiền của mình cho những người có kinh nghiệm hơn và theo sát thị trường hơn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT: Tôi nghĩ rằng bạn đang có thặng dư từ công việc chính của bản thân, và đang muốn phân bổ thặng dư đó để phát triển tiếp. Câu chuyện là phân bổ tài sản đối với một người không làm trong ngành tài chính thì cần ưu tiên an toàn trên hết.

Bởi đối với thị trường chứng khoán, thẳng thắn ngay cả những diễn giả ở đây cũng phải sứt đầu mẻ chán từ đầu năm 2022 đến nay. Với chiến lược copytrade thì bạn phải có “back test”, thực tế có những người có lãi trong 1-2 năm, tuy nhiên có thể ngay lúc bạn quyết định copytrade họ có thể gặp rủi ro và chính bạn sẽ chịu theo rủi ro đó.

Ông Lê Hồng Kỹ, Giám đốc Nội dung trang thông tin điện tử tổng hợp vietnambiz.vn và vietnammoi.vn (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cho các diễn giả tại tọa đàm sáng 27/9/2022. (Ảnh: Ban Tổ chức).

Khán giả tại tọa đàm: Nhiều doanh nghiệp lớn như Trungnam Group, NovaGroup, Hưng Thịnh sắp IPO, nhà đầu tư có nên chờ đợi và đón sóng IPO này không?

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT: Thực ra, sóng đi chung với thị trường và định giá của doanh nghiệp chuẩn bị IPO. Nếu trong trend lên của thị trường thì các doanh nghiệp này sẽ rất “hot” như Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) giai đoạn 2017 - 2018.

Với thị trường chứng khoán hiện tại, sự chủ động thuộc về người mua. Vì vậy, mức chiết khấu này có nên đón sóng hay không nếu so với định giá của thị trường.

Khán giả tại toạ đàm: TTCK của 2023 có tốt hơn 2022 không?  

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup: Thị trường chứng khoán phụ thuộc dòng tiền, không phụ thuộc vĩ mô. Dòng tiền quý IV vẫn tiếp tục căng thẳng trong khi dòng tiền 2023 sẽ cải thiện hơn. Vì vậy, dự báo thị trường chứng khoán 2023 sẽ tích cực hơn 2022.

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research: Thị trường chứng khoán vẫn còn thận trọng trong một đến hai quý tới khi lãi suất vẫn có xu hướng tăng. Nhìn vào lịch sử, khi lãi suất đạt đỉnh thì TTCK tạo đáy và phục hồi.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT: TTCK dự báo sẽ tốt từ cuối quý I/2023. 

Khán giả đặt câu hỏi cho các diễn giả tại tọa đàm sáng 27/9. (Ảnh: Ban Tổ chức).

Khán giả tại tọa đàm: Chúng ta bàn về cái mới, xu thế đầu tư mới nhưng thực tế trong chứng khoán việc cắt lỗ là điều rất khó, ví dụ mua cổ phiếu BĐS giảm 50% nhưng mình nhìn ra quỹ đất của doanh nghiệp vẫn còn, tiềm năng phát triển có, vậy NĐT có cắt lỗ được để sang những cổ phiếu mới không?

Chuyên gia có thể đưa lời khuyên NĐT nên cơ cấu danh mục như thế nào trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiêu cực như hiện nay, có nên rút vốn từ chứng khoán để chuyển sang những kênh an toàn hơn như tiết kiệm, trái phiếu…?

Với những NĐT đã trót “đu đỉnh” thì nên nhìn vào đâu để đặt kỳ vọng vào thị trường sắp tới?

Ông Đào Minh Châu: Về cơ cấu danh mục, khi chúng ta đầu tư thì cần xác định chúng ta là NĐT như thế nào. Ví dụ như định giá về cổ phiếu, mức chiết khấu thế nào là đủ lớn, yêu cầu lợi nhuận ra sao…

Nếu là một NĐT ngắn hạn, chúng ta phải nhìn vào xu thế thị trường. Như giai đoạn trước thị trường tăng mạnh, NĐT hoàn toàn có thể để một danh mục 100% cổ phiếu, khi xác định thị trường sideway thì chúng ta có thể giảm tỷ trọng cổ phiếu hoặc không đầu tư margin, nếu thị trường xuống thì lại càng phải giảm tỷ trọng hơn nữa.

Một điều quan trọng nữa là chúng ta mua cổ phiếu vì lý do gì thì chúng ta phải bán vì lý do đấy. Nếu mua vì đồ thị giá đang đẹp (break cản) thì khi đồ thị giá không đúng theo xu hướng kỳ vọng (phá hỗ trợ) nữa thì chúng ta cần phải bán.

Nếu mua vì yếu tố cơ bản ví dụ như cổ phiếu được hưởng lợi nhờ ngành hoặc lợi nhuận tăng trưởng cao 20-30% thì khi không còn tăng trưởng lợi nhuận nữa hoặc yếu tố hỗ trợ không còn nữa thì chúng ta bán.

Trong giai đoạn này công tác quản trị rủi ro cần được ưu tiên. Những khoản lỗ mà cắt càng nhanh thì càng dễ dàng hơn và càng dễ gỡ gạc lại hơn. Nếu xác định lý do mua cổ phiếu bị sai thì nên ưu tiên công tác quản trị rủi ro càng sớm càng tốt.

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tôi xin chia sẻ theo cơ cấu danh mục và cơ cấu hành vi. Đầu tiên, nếu NĐT đang lỗ 60-70% thì thậm chí đợi một chu kỳ tăng giá tiếp theo cũng chưa chắc về vốn. Trường hợp NĐT đang dùng đòn bẩy thì nên hạ margin để đưa danh mục về trạng thái không bị công ty chứng khoán ép bán (force sell) nữa. 

Nếu còn trẻ dưới 30 tuổi, chúng ta nên nâng cao hiệu suất công việc của bản thân, đẩy mạnh thu nhập chính để bù đắp cho khoản lỗ của danh mục, không nên phát sinh tâm lý vội vàng gỡ lại số tiền đã lỗ. Vì khi vội vàng, bạn càng có rủi ro thua lỗ nặng hơn. NĐT cần chấp nhận rằng chúng ta thất bại ở giai đoạn đầu tư này.

Chúng ta rút bài học sau đó vào chờ chu kỳ mới, chờ sự bùng nổ trở lại của nền kinh tế chứng khoán và làm lại. Trong 20 năm tôi làm trong lĩnh vực chứng khoán, tôi đã chứng kiến được ba con sóng lớn. Trong những con sóng đó việc NĐT x5 x10 tài khoản là điều bình thường.

TS. Đinh Thế Hiển: Các quỹ đầu tư chọn danh mục dựa trên một bộ phương trình, sau đó chọn ra ví dụ 5 trên 10 cổ phiếu đáp ứng những phương trình đó và tương ứng số vốn họ có thể đầu tư.

Khi gặp vấn đề cơ cấu, các quỹ chạy lại phương trình đó để đánh giá các cổ phiếu nào không còn đạt điểm cao thì được đẩy ra và đưa cổ phiếu khác đạt điểm vào.

Về tỷ trọng tiền - chứng khoán: Khi thị trường tốt thường chúng ta giữ 10% tiền mặt. Nếu thị trường dự báo xấu có thể duy trì 30% tiền mặt phòng thủ, bởi thị trường xấu nhưng vẫn sẽ có những cổ phiếu tốt. Nếu NĐT “đu đỉnh” thì hãy cứ bình tĩnh, bởi thực tế là khó có ngành nào kiếm tiền nhanh như chứng khoán. Chúng ta có thể tích lũy thêm từ thu nhập chính và chờ cơ hội tốt hơn.

Về tỷ trọng tiền - chứng khoán: Khi thị trường tốt thường chúng ta giữ 10% tiền mặt. Nếu thị trường dự báo xấu có thể duy trì 30% tiền mặt phòng thủ, bởi thị trường xấu nhưng vẫn sẽ có những cổ phiếu tốt. Nếu NĐT “đu đỉnh” thì hãy cứ bình tĩnh, bởi thực tế là khó có ngành nào kiếm tiền nhanh như chứng khoán. Chúng ta có thể tích lũy thêm từ thu nhập chính và chờ cơ hội tốt hơn.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup trao quà tặng cho hai khán giả có câu hỏi hay tại tọa đàm sáng 27/9. (Ảnh: Ban Tổ chức)

Khán giả tại tọa đàm: Như chúng ta đã thấy sau khi Mỹ tung các gói hỗ trợ, lạm phát của quốc gia này tăng rất cao. Hiện Trung Quốc cũng đang hỗ trợ cho ngành bất động sản, xin hỏi các chuyên gia trong thời gian tới lạm phát của Trung Quốc có tăng lên không. Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng hóa, nguyên liệu từ Trung Quốc, nếu lạm phát của Trung Quốc tăng thì nguy cơ lạm phát sắp tới của Việt Nam sẽ ra sao?

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research: Trung Quốc gần đây có một số gói hỗ trợ như gói kích thích cơ sở hạ tầng. Với ngành bất động sản, nước này có hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho một số nhà phát triển hoàn thành dự án sẵn có.

Tuy nhiên quy mô các gói này khoảng một vài trăm tỷ USD, hiện nay chưa được đánh giá có thể đảo chiều được xu hướng của nền kinh tế, đặc biệt là ngành bất động sản Trung Quốc vì trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc đã mạnh tay siết chặt thị trường này.

Doanh số bán đất động sản, giá bất động sản tại Trung Quốc giảm khá nhiều trong vòng hơn một năm qua. Hơn nữa, bối cảnh Trung Quốc thực hiện chính sách này hơi ngược với thế giới. Trước đây có giai đoạn toàn bộ nền kinh tế lớn trên thế giới cùng thực hiện một chính sách nới lỏng, ví dụ trong giai đoạn COVID-19, đó mới là lúc giá hàng hóa tăng mạnh.

Hiện nay trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy giảm, theo quan điểm cá nhân, áp lực lạm phát xét riêng từ Trung Quốc là chưa cao.

TS. Đinh Thế Hiển: Việt Nam dường như đang áp dụng cách của Trung Quốc, nghĩa là chúng ta đang nới lỏng tín dụng, hỗ trợ bất động sản. Nhưng chúng ta không phải đưa tiền ra cho doanh nghiệp bất động sản vay. Cần lưu ý lạm phát xảy ra khi tiền nhiều hơn hàng hóa, nhưng Trung Quốc và Việt Nam đang dùng dòng tiền để dịch chuyển nợ xấu chứ không phải đưa tiền vào bất động sản để tăng nguy cơ lạm phát. Vì thế không cần lo ngại yếu tố này.

Chúng ta nhập siêu của Trung Quốc. Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới suy giảm về nhu cầu, Trung Quốc cũng không thể tăng giá sản xuất hàng hóa. Ngay cả các nhà sản xuất Việt Nam cũng đang cố giữ giá. Áp lực lạm phát đến từ hai yếu tố. Yếu tố liên quan đến giá dầu, yếu tố đứt gãy chỗi cung cung ứng làm cho chi phí vận chuyển tăng sẽ dần được khắc phục. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền - Anh Đào - Hoàng Kiều - Thu Thủy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.