NĐT có nên kỳ vọng vào một cú hồi của thị trường?
Áp lực bán tiếp tục đeo bám khiến các chỉ số tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần. VN-Index lùi về gần ngưỡng 1.200 điểm đóng cửa tại 1.203,28 điểm giảm 0,94%.
Trong thời điểm hiện tại, diễn biến trên VN-Index đang thực sự không quá tích cực khi nhiều chỉ báo kỹ thuật như RSI cũng đã đi qua vùng quá bán và ngấp nghé chạm mốc 30, các đường MA cũng đã bị phá vỡ cũng như thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm. VN-Index vẫn đang dao động ở mức 1.200 điểm và áp lực bán cũng chưa phải quá lớn.
Nếu như thị trường gặp phải áp lực bán mạnh mẽ như giá trị khớp lệnh khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng trong một buổi sáng thì giới đầu tư tương đối nghi ngại ở mức 1.200. Ngoài ra, phần lớn các mã cổ phiếu đã giảm điểm trong đó các doanh nghiệp tác động nhiều đến chỉ số như Vingroup (Mã: VIC) hay Vinhomes (Mã: VHM) cũng đang gặp phải áp lực điều chỉnh. Hai mã này xét về mặt kỹ thuật cũng đang có chỉ hướng khá xấu khi gãy ở ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Chia sẻ trong chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt cho rằng nhà đầu tư có thể không phải lo lắng quá về việc thị trường giảm quá sâu khi thị trường được dự báo sẽ có xu hướng đi ngang nhiều hơn trong thời gian tới. Tuy vậy, kỳ vọng về một nhịp hồi mạnh để kéo thị trường đi lên có vẻ đang dần cạn kiệt trong thời điểm này khi thị trường đang thiếu một vài cổ phiếu mang tính chất dẫn dắt.
Đây là giai đoạn tương đối khác so với giai đoạn hồi phục từ tháng 6 đến tháng 8. Thực ra, thanh khoản của thị trường trong 2 thời điểm kể trên đều rất thấp nhưng ở thời điểm ấy, thị trường vẫn kỳ vọng vào một nhịp hồi mạnh mẽ. Còn ở thời điểm hiện tại, con số này đang ở trong trạng thái cả bên mua lẫn bên bán đều đang rất lưỡng lự.
Xét về mặt tâm lý, có lẽ chỉ số sẽ không chuyển biến quá tệ trong thời gian sắp tới nhưng để câu chuyện nói về khung lâu hơn sẽ còn kéo dài thêm.
Cũng trong thời điểm này, khối ngoại đang bán ròng liên tục trên sàn HOSE. Đương nhiên câu chuyện khối ngoại năm nay đang tương đối tích cực so với thời điểm 2 năm trước khi quay trở lại mua ròng sau 2 năm liên tục xả hàng. Cũng có những thời điểm giới đầu tư cảm nhận được khối ngoại đang rất tích cực đặc biệt là quỹ ETF hay những dòng tiền tích sản đầu tư dài hạn. Khối ngoại luôn xuất hiện kịp thời vào những vùng đáy của thị trường.
Tuy nhiên, một vài phiên gần đây ghi nhận khối ngoại đang mua bán đan xen. Trong tuần qua, quỹ đầu tư từ nước ngoài sau khi mua ròng đã ngay lập tức quay trở lại bán ròng. Có vẻ như khi dòng tiền ngắn hạn đã bớt đi sự sôi nổi thì dòng tiền dài hạn cũng chưa thật sự tham gia mạnh mẽ và hình thành được xu hướng cho thị trường.
Nhìn nhận thông tin này, chuyên gia nhận định rằng đây là câu chuyện của vị thế. Nhà đầu tư cá nhân thường sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc nắm giữ tỷ trọng đủ lớn thì áp lệnh cũng như tận dụng những nhịp tăng giảm của thị trường để đầu tư. Tuy vậy, ở góc độ của nhà đầu tư nước ngoài thì họ hoàn toàn có thể giải ngân thoải mái trong 1 năm phụ thuộc vào mức định giá của nhiều nhóm ngành khác nhau.
Khi thị trường biến động thì nhiều nhà đầu tư cá nhân đã rơi vào trạng thái nguy hiểm nhưng nhà đầu tư nước ngoài có thể tạm chấp nhận trước những thông tin này. Vì vậy, ông Nam cho rằng nhà đầu tư không nên quá bận tâm trước yếu tố mua bán ròng của khối ngoại trong xu hướng ngắn hạn bởi chiến lược của hai bên có sự khác biệt rõ ràng.
Và trong vài ngày trở lại đây, Fed đã đưa ra thông báo tiếp tục tăng lãi suất và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán Mỹ cũng như tỷ giá tiền tệ. Chốt phiên giao dịch vừa qua thì chỉ số Dow Jones đã mất hơn 500 điểm tương đương 1,7%. Phố Wall cũng phải đón nhận phiên giao dịch tương đối sóng gió, trước khi Fed đưa ra quyết định thì thị trường vẫn tăng điểm khá tích cực nhưng sau thông báo của Fed thì phố Wall đã giảm điểm liên tục.