|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ Techcombank: Giữ trái phiếu doanh nghiệp là chiến lược ngắn hạn, chưa có ý định mua cổ phiếu quĩ

08:55 | 13/04/2019
Chia sẻ
Trong Đại hội cổ đông thường niên, Chủ tịch Hồ Hùng Anh khẳng định Techcombank chưa có ý định mua cổ phiếu quĩ. Ông cho rằng những kết quả khả quan sẽ công bố trong thời gian tới sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu theo chiều hướng tích cực.
ĐHĐCĐ Techcombank: Giữ trái phiếu doanh nghiệp là chiến lược ngắn hạn, chưa có ý định mua cổ phiếu quĩ - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh mở đầu đại hội (Ảnh: Diệp Bình).

Sáng nay (13/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Đại hội lần này sẽ thực hiện biểu quyết thông qua về các vấn đề quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2019, tăng vốn điều lệ và bầu Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kì mới.

Đại hội thảo luận trước khi biểu quyết thông qua các tờ trình

Ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược phát triển của ngân hàng trong 5 năm tới?

TGĐ Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết trong những năm tới ngân hàng đặt kế hoạch tăng 20% mỗi năm trên vốn chủ sở hữu. Techcombank sẽ không tập trung tăng dư nợ để tăng doanh thu mà tập trung vào tăng phí. Hiện tại, 40% tổng doanh thu của Techcombank là từ phí. Tăng trưởng doanh thu kế hoạch là từ 20 - 30%, từ đó lợi nhuận giữ lại của ngân hàng khoảng 20%/năm.

Trước chính sách hạn chế tín dụng của NHNN, Techcombank có chiến lược gì để đối phó và tăng trưởng?

Techcombank luôn tuân theo chỉ đạo của NHNN, nếu chúng ta hoàn thành Basel II thì mức tăng trưởng tín dụng sẽ được nới thêm theo từng ngành nghề.

Xử lí nợ xấu làm thể nào để hiệu quả hơn?

Techcombank xử lí nợ xấu hiệu quả nhất trong các ngân hàng, đã mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC. Thu từ nợ xấu từ những năm trước là khá lớn. Tăng trưởng tín dụng đi cùng với xử lí nợ xấu. Ngân hàng đã xây dựng chương trình cảnh báo sớm về nợ xấu.

Dự án Vincity có thể giải ngân thêm trong năm nay thì danh mục TPDN tăng trong năm nay?

Ông Quốc Anh khẳng định vay mua nhà để ở không phải là vay kinh doanh bất động sản. Dư nợ BĐS của Techcombank chiếm tỉ trọng dưới 15%.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn/cho vay trung dài hạn là bao nhiêu?

Tổng giám đốc cho biết tỉ lệ này ở mức trên dưới 30%, rất thấp so với con số qui định của NHNN và Techcombank sẽ tiếp tục giữ mức thấp. Ngân hàng sẽ tăng mức giao dịch của khách hàng qua tài khoản Techcombank, đặc biệt là giao dịch trực tuyến.

Tăng trưởng danh mục trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Techcombank trong 3 năm qua là rất cao gần 86% và cho vay khách hàng năm 2018 lại giảm 0,6%. Năm nay có tiếp tục tăng trưởng danh mục này không? Xin cho biết tỉ trọng đầu tư trái phiếu của các công ty BĐS là bao nhiêu?

TGĐ Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết: Thay vì cho vay các doanh nghiệp lớn thì chúng tôi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nếu cần ngân hàng sẽ bán ra bên ngoài. Đây là mục đầu tư tốt. Techcombank chiếm 80% thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

Ông cho biết mục tiêu của Techcombank là không giữ TPDN lâu dài, đây là cách vấn đề linh động để ứng đối với việc giảm tăng trưởng tín dụng và qui định giảm về tỉ trọng huy động ngắn hạn cho vay dài hạn.

Xin chia sẻ về kết quả kinh doanh quí I/2019?

Ông Quốc Anh xin phép chưa công bố chính xác con số mà chỉ nêu rằng kết quả vượt kế hoạch đề ra. 

ĐHĐCĐ Techcombank: Giữ trái phiếu doanh nghiệp là chiến lược ngắn hạn, chưa có ý định mua cổ phiếu quĩ - Ảnh 2.

Ban lãnh đạo ngân hàng trả lời câu hỏi của cổ đông (Ảnh: Diệp Bình).

Techcombank chưa có ý định bán cổ phiếu quĩ

Giá cổ phiếu sau niêm yết đang giảm và hiện tại đang ở vùng giá thấp nhất, lãnh đạo ngân hàng có chiến lược gì để giúp giá cổ phiếu được cải thiện? Ngân hàng có kế hoạch mua cổ phiếu quĩ không?

Chia sẻ thêm về việc mức giá cổ phiếu hiện tại, Chủ tịch Hồ Hùng Anh nói: "Với những kết quả đạt được, tôi tin rằng giá trị cổ phiếu sẽ thể hiện đúng với những con số mà Techcombank đã đạt được."

Ông cho rằng việc mà ban lãnh đạo ngân hàng sẽ làm là cố gắng đạt được các chỉ số tài chính và kế hoạch 5 năm đã đề ra, đạt tốt những giá trị về quản trị rủi ro, con người, hình ảnh thương hiệu…. Những yếu tố này sẽ tác động tốt tới cổ phiếu.

"HĐQT chưa thấy cần thiết phải mua lại cổ phiếu quĩ", ông khẳng định

Ông cũng chia sẻ thêm rằng dự kiến trong quí II sẽ hoàn thành đáp ứng theo Basel II và khi đó ngân hàng sẽ được nới thêm room tăng trưởng tín dụng.

"Đất vàng" số 23 Lê Duẩn về tay Techcombank

Ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ thêm về kế hoạch trụ sở mới?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết do giá trị đầu tư trụ sở mới không quá lớn và do không thuộc thẩm quyền ĐHCĐ nên HĐQT không đưa vào nội dung của đại hội. 

Ông chia sẻ ngân hàng đang dự kiến về việc đưa hai trụ sở được xây dựng vào năm 2019, khánh thành 2021 gồm (1) toà nhà Media bên cạnh trụ sở tại Bà Triệu hiện tại, (2) là số 23 Lê Duẩn - TP HCM. Hiện tại đang thuê công ty thiết kế số 1 thế giới thực hiện thiết kế. Các dự án đang trong quá trình xin phép các cơ quan chức năng.

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình và các phương án kế hoạch được trình.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019

Trong năm 2019, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.750 tỉ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2018. Tổng tài sản dự kiến đạt 375.821 tỉ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 13%, lên 245.366 tỉ đồng và có thể cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép.

ĐHĐCĐ Techcombank: Giữ trái phiếu doanh nghiệp là chiến lược ngắn hạn, chưa có ý định mua cổ phiếu quĩ - Ảnh 3.

Nguồn: Techcombank

Không chia cổ tức, chào bán 10 triệu cổ phiếu ESOP

Ngân hàng cũng đưa ra phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận, không chia cổ tức nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt 8.474 tỉ đồng, sau khi trích lập các quĩ lợi nhuận còn lại của năm 2018 gần 7.216 tỉ đồng.

Tính đến ngày 1/1, tổng lợi nhuận còn lại có thể phân phối của Techcombank là 10.286 tỉ đồng.

Cùng với đó, Techcombank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 100 tỉ đồng thông qua việc chào bán 10 triệu cổ phần cho người lao động (ESOP) trong năm 2019. Nếu thực hiện thành công, ngân hàng sẽ nâng mức vốn điều lệ tăng từ 34.966 tỉ đồng lên gần 35.066 tỉ đồng.

Bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kì mới 2019 - 2024

HĐQT nhiệm kì mới 2019 - 2024 của Techcombank được tăng từ 7 lên 8 thành viên. Ngoài những gương mặt tại HĐQT hiện tại (trừ ông Nguyễn Đoan Hùng - Thành viên HĐQT độc lập) có sự góp mặt của hai thành viên mới là: ông Saurabh Narayan Agarwal, ông Nguyễn Nhân Nghĩa (ứng cử thành viên độc lập của HĐQT). 

Trong đó, ông Saurabh Narayan Agarwal đang là Giám đốc (tư vấn tài chính và quản lý) của Warburg Pincus New York, Mỹ và Singapore. Ông Nguyễn Nhân Nghĩa từng đảm nhiệm các chức vụ như tại Ngân hàng Nhà nước, Phó Giám đốc Sở giao dịch 3 của BIDV; Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV.

Ngoài ra, danh sách Ban kiểm soát nhiệm kì mới gồm ba ứng viên là ông Hoàng Huy Trung, bà Bùi Thị Hồng Mai, ông Mag Rer Soc Oec Romauch Hannes.

Danh sách HĐQT hiện tại của Techcombank

ĐHĐCĐ Techcombank: Giữ trái phiếu doanh nghiệp là chiến lược ngắn hạn, chưa có ý định mua cổ phiếu quĩ - Ảnh 4.

Nguồn: Techcombank

Năm 2018, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh của Techcombank đều ghi nhận sự tăng trưởng, mặc dù một số vẫn chưa đạt mức kế hoạch đề ra trước đó. Tính chung trong 5 năm 2014- 2018, ngân hàng đều đạt tăng trưởng khá qua các năm (bảng dưới).

Đáng chú ý, trong năm tỉ trọng thu nhập từ dịch vụ tăng lên 20% trong tổng lợi nhuận (không tính thu từ thoái vốn TechcomFinance). Điều đó là nhờ sự tăng trưởng mạnh của mảng tư vấn phát hành chứng khoán và dịch vụ hoa hồng hợp tác bảo hiểm với đóng góp 33% và 20% trong tổng thu phí năm 2018.

ĐHĐCĐ Techcombank: Giữ trái phiếu doanh nghiệp là chiến lược ngắn hạn, chưa có ý định mua cổ phiếu quĩ - Ảnh 5.

Nguồn: tài liệu ĐHCĐ Techcombank

Diệp Bình

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.