|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính
[ Live ]

ĐHĐCĐ OCB: Sẽ thu hồi ít nhất 1.200 tỷ đồng nợ từ Tập đoàn FLC ngay trong tháng này

08:47 | 23/04/2022
Chia sẻ
ĐHĐCĐ của OCB trả lời chất vấn của cổ đông xoay quanh hai vấn đề của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết và CTCP Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Phương Hằng.

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với 147 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 1 tỷ cổ phần, tương ứng với 81% số cổ phần có quyền biểu quyết.

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ Ngân hàng OCB. (Ảnh: Minh Hằng).

Năm nay, OCB đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước.

Tăng trưởng lợi nhuận được dựa trên cơ sở tăng trưởng dư nợ thị trường 1 ở mức 25% đạt 129.493 tỷ đồng. Cùng với đó, huy động vốn thị trường 1 dự kiến vượt 155.000 tỷ đồng, tăng 23%; tổng tài sản tăng 25%.

Có thể nhận thấy những con số tăng trưởng kế hoạch của OCB đều ở mức cao, cho thấy ngân hàng khá lạc quan về triển vọng phát triển năm 2022. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% sẽ còn phụ thuộc vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của OCB.

Ngân hàng cho biết năm 2022 là năm thứ hai trong giai đoạn phát triển 2021 - 2025, ngân hàng xác định sẽ tập trung tăng trưởng quy mô khách hàng, mở rộng mạng lưới, phát triển mảng bán lẻ và các phân khúc ưu tiên,...

Đáng chú ý, tại đại hội, OCB trình phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng thông qua hai phương án. 

Cụ thể, OCB dự kiến sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 0,88 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược Ngân hàng Aozora. Phương án này ngân hàng đã nộp hồ sơ cho NHNN và đang chờ chấp thuận.

Đồng thời, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 412 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 30% sau khi các phương án trên hoàn tất. 

Toàn bộ số tiền thu được từ tăng vốn sẽ được sử dụng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh (3.278 tỷ đồng), đầu tư và cho vay, phần còn lại để nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, đầu tư công nghệ thông tin, trang bị tài sản cố định, công cụ lao động.

Thảo luận:

Câu hỏi: FLC đang cho vay Tập đoàn FLC bao nhiêu và khả năng thu hồi nợ thế nào?

Tập đoàn FLC có nhiều dự án tiềm năng khắp cả nước, nhất là Bình Định, Quảng Ninh và Thanh Hóa. OCB cũng đã cho vay một số nhà đầu tư bất động sản (BĐS), không riêng gì FLC.

Ngân hàng cho rằng đây là nguồn hàng để phát triển bán lẻ. Đối với FLC, OCB cho vay FLC khoảng 1.500 tỷ đồng, chủ yếu tại hai dự án Dự án Hà Khánh 1 và Hà Khánh 2 nằm ở Quảng Ninh. Hiện hai dự án vẫn tiếp tục triển khai. Khi cho vay, chúng tôi đều làm nghiêm ngặt, chỉ cho vay với các dự án đủ giấy tờ đủ pháp lí,…Chúng tôi chỉ cho vay khi dự án đã giải phóng mặt bằng.

Trước khi cho vay, chúng tôi làm việc chặt chẽ và FLC có tài sản đảm bảo bằng BĐS trên 2.000 tỷ, đất đai là đất đai có sổ, sổ này là sổ cấp cho chủ đầu tư.

Về mặt giải ngân, đối với dự án Hà Khánh 2, tổng hạn mức cho vay là 400 tỷ. OCB xác định chỉ cho vay dựa trên khối lượng đã hình thành. Thực tế OCB đã giải ngân 280 tỷ.

Đại diện OCB cũng nhấn mạnh là thực tế FLC luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nợ với ngân hàng. FLC có hơn 2.400 tỷ để đảm bảo trả nợ, chưa kể tài sản đảm bảo và dư sức để trả nợ ngân hàng. Chúng tôi cũng tăng cường các giải pháp để thu hồi nợ nhanh.

Tổng Giám đốc OCB cũng tiết lộ ngay trong tháng này thì OCB sẽ thu hồi nợ của FLC khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng. 

Ngoài ra OCB cho vay Bamboo Airways khoảng 1.000 tỷ, được thế chấp bởi các BĐS. Nếu Bamboo Airways duy trì hoạt động tốt, có nguồn tiền và lợi nhuận tốt thì chúng tôi vẫn tài trợ cho họ.

Tựu chung lại, điều quan trọng là OCB đã làm đúng ngay từ đầu với các khách hàng, đến giờ chúng tôi chưa thấy được tổn thất đối với sự kiện của FLC. Hiện NHNN đang tạo điều kiện cho các ngân hàng để thu hồi nợ từ tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết. Và phía FLC cũng hợp tác rất tốt với các ngân hàng để trả nợ.

 Ảnh minh họa: Minh Hằng.

Khả năng thu hồi nợ của OCB tại CTCP Đại Nam của bà Nguyễn Phương Hằng?

"30 năm làm ngành ngân hàng chưa bao giờ gặp trường hợp như chị Nguyễn Phương Hằng", Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thốt lên.

Ngày hôm qua, khách hàng đã trả 450 tỷ, đồng thời bán các tài sản cho các chủ đầu tư khác. Trong hai tháng tới, số tiền Đại Nam có thể thu hồi lên tới 4.500 tỷ đồng, con số này đủ để trả nợ vay cho tất cả các ngân hàng. Các giấy tờ sổ đỏ của công ty này cũng được cấp đầy đủ, đúng pháp luật, nên vấn đề của Đại Nam không đáng lo.

Tổng Giám đốc OCB cho biết sự việc liên quan FLC và Đại Nam có ảnh hưởng tới kế hoạch tín dụng của ngân hàng thời gian tới, song OCB sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản, mở rộng cho vay bán lẻ. Khả năng kiểm soát nợ xấu dưới 1% là khả thi.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I?

Tổng Giám đốc OCB nhận định, bắt đầu 2022, Việt Nam có nhiều dự án sau khi dịch kết thúc. Tuy nhiên thế giới lại có biến động như lạm phát tăng nhanh, chiến sự Nga- Ukraine,… điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ông Tùng cho rằng năm 2022 trở nên phức tạp hơn. 

Chúng tôi vẫn kì vọng tỷ giá, tỷ suất vẫn diễn ra ổn định. Với động thái và kiểm soát định hướng của chính phủ nên năm 2022 vẫn ổn định về tỷ giá, tỷ suất.

Vốn tín dụng dự kiến sẽ chảy nhiều hơn về các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên theo đánh giá, số doanh nghiệp sản xuất tốt không nhiều nên các ngân hàng sẽ cạnh tranh lẫn sau.

Trong quý I, tổng tài sản tăng 2%, dự nợ tăng 6%. Lợi nhuận trước thuế khoảng 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo CIC trong BCTC quý 1 nên lợi nhuận đạt 836 tỷ. 

OCB đầu tư chứng khoán rất lớn lên, trên 4.500 tỷ đồng, vọt lên rất nhiều so với mấy chục tỷ trước đó. Công ty đang đầu tư cổ phiếu nào? 

Đây là khoản đầu tư trái phiếu chính phủ, như nhiều năm trước, không phải là đầu tư cổ phiếu như cổ đông nghĩ.

Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Minh Hằng