|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Liệu dòng vốn có rút khỏi cổ phiếu và các thị trường mới nổi?

14:57 | 15/02/2018
Chia sẻ
“Việt Nam nếu tạo dựng được một câu chuyện tốt cũng hoàn toàn có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi nhiều thị trường mới nổi khác bị bán ròng trong một kịch bản xấu bất lợi cho các thị trường mới nổi nói chung”, các chuyên gia SSI đánh giá.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong tuần đầu tháng 2, một lượng tiền lớn đã bị rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ở Mỹ, đây có thể là kết quả nhưng cũng có thể là nguyên nhân của việc thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ rớt mạnh, kéo theo TTCK toàn cầu.

lieu dong von co rut khoi co phieu va cac thi truong moi noi

Việt Nam nếu tạo dựng được một câu chuyện tốt cũng hoàn toàn có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi nhiều thị trường mới nổi khác bị bán ròng

Dòng tiền rút ra tại Mỹ lên tới 32,9 tỷ USD, lớn hơn tổng rút ra của 3 tuần trước đó cộng lại và là mức cao nhất kể từ khi có số liệu. Ngoài Mỹ, nhóm Tây Âu và một vài thị trường EM cũng có lượng rút tăng mạnh. Tổng rút tiền của khu vực Tây Âu là 3,28 tỷ USD, mặc dù rất khiêm tốn so với Mỹ nhưng cũng là mức cao nhất 80 tuần ở khu vực này. Ngược lại, Nhật bản và đa phần các thị trường EM, đặc biệt là tại Châu Á vẫn tiếp tục có dòng tiền đổ vào.

Nhật bản có mua ròng tuần thứ 10 liên tiếp và đạt giá trị cao nhất kể từ quý 4/2016, +4.7 tỷ USD. NHTW Nhật bản được cho là có chính sách tiền tệ nới lỏng nhất trong số các thị trường phát triển và triển vọng sáng sủa của sức cầu tại Mỹ khiến giới đầu tư chú ý hơn đến Nhật bản.

Trung Quốc và Ấn độ có thể được xem là 2 trường hợp chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu. Trung Quốc từ chỗ có lượng mua ròng cao đã giảm về dưới 1 tỷ USD còn Ấn độ từ chỗ đang có dòng tiền vào dương đã chuyển sang dòng tiền vào âm. Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng là không lớn bởi giá trị sụt giảm của dòng vốn khá nhỏ. Bên cạnh đó diễn biến dòng vốn tại 2 thị trường này liên tục biến động, không thể hiện rõ xu hướng inflow mạnh trước khi có cú sụt giảm đầu tháng 2.

Trong nhóm ASEAN-5, Thailand và Việt nam duy trì dòng tiền vào. Ngược lại Indonesia, Malaysia và Philippines chịu xu hướng rút tiền, đây cũng là những nước thường bị rút tiền khi đồng USD tăng giá.

Theo đánh giá của SSI, việc S&P 500 giảm sâu đến nay vẫn chưa có một lý giải xác đáng. Có một góc độ cần lưu tâm đó là S&P 500 đã tăng liên tục với đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Năm 2017 S&P 500 tăng 19,5% và trong tháng 1/2018 chỉ số này đã tăng 5,6%. Mức định giá PE của S&P 500 trước tuần sụt giảm đã lên tới 23, cao hơn khá nhiều mức trung bình của 5 năm là 18,8. Ở một mức giá cao, áp lực bán chốt lời sẽ rất lớn khi có biến động.

“Với nguyên nhân không rõ ràng của sự sụt giảm chứng khoán Mỹ và phản ứng dòng vốn chủ yếu diễn ra tại Mỹ trong khi nhiều khu vực, quốc gia khác vẫn thu hút dòng vốn, rất khó có thể kết luận rằng chiến lược phân bổ tài sản trên toàn cầu đã/sẽ thay đổi”, SSI nhận định.

Vẫn theo SSI, sự hồi phục của kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu đang diễn ra và nhờ sự hồi phục này, lãi suất mới có thể tăng. Khi lãi suất tăng, giá trái phiếu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất (giá trái phiếu giảm khi lãi suất tăng) nên cũng khó để dịch chuyển tài sản từ cổ phiếu sang trái phiếu trong một môi trường được dự báo lãi suất tăng.

“Việt Nam nếu tạo dựng được một câu chuyện tốt cũng hoàn toàn có thể thu hút được dòng vốn ngay cả khi nhiều thị trường mới nổi khác bị bán ròng trong một kịch bản xấu bất lợi cho các thị trường mới nổi nói chung. Câu chuyện cải cách của Việt nam có thể nói đến là cải cách thể chế kinh tế trong đó động lực kinh tế tư nhân được coi trọng, làn sóng thoái vốn nhà nước và nâng hạng thị trường chứng khoán”, SSI nhìn nhận.

Thanh Long

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.