|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Liên tiếp thua lỗ, vùng mía nguyên liệu Trà Vinh ngày càng bị thu hẹp

14:19 | 13/04/2019
Chia sẻ
Trong niên vụ mía 2018-2019, nông dân Trà Cú chỉ xuống giống hơn 3.500 ha, giảm khoảng 600 ha so với trước. Dự kiến niên vụ 2019-2020, diện tích vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú tiếp tục bị thu hẹp.
Liên tiếp thua lỗ, vùng mía nguyên liệu Trà Vinh ngày càng bị thu hẹp - Ảnh 1.

Nông dân huyện Trà Cú thu hoạch mía niên vụ 2018-2019. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Niên vụ mía 2018 - 2019, tỉnh Trà Vinh trồng hơn 4.500 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trà Cú, Tiểu Cần. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 80% diện tích nhưng mỗi héc ta mía người dân nơi đây đang lỗ khoảng 40 triệu đồng do năng suất và chữ đường đều giảm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía ở Trà Vinh bị thua lỗ.

Mặc dù thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các ngành liên quan và địa phương tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trồng mía như nghiên cứu, đưa vào sử dụng các giống mía mới có năng suất, chữ đường cao; vận động nông dân tham gia hợp tác xã để liên kết sản xuất, đưa cơ giới hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành nhưng do giá mía quá thấp nên nông dân vẫn liên tục thua lỗ.

Trong niên vụ mía 2018-2019, nông dân Trà Cú chỉ xuống giống hơn 3.500 ha, giảm khoảng 600 ha so với niên vụ trước. Dự kiến niên vụ 2019-2020, diện tích vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú tiếp tục bị thu hẹp.

Hợp tác xã nông nghiệp Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú đang thu hoạch những diện tích mía cuối cùng của niên vụ này. Đây là hợp tác xã sản xuất mía duy nhất của tỉnh Trà Vinh được thành lập năm 2017 gồm 98 xã viên với tổng diện tích sản xuất 86 ha.

Người trồng mía tham gia hợp tác xã với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, do thua lỗ liên tục nên hiện nay, hợp tác xã chỉ còn 50 xã viên với tổng diện tích sản xuất trên 50 ha. Mặc dù Ban Giám đốc Hợp tác xã rất tích cực tìm kiếm các giống mía mới để tăng năng suất và chữ đường.

Theo ông Cao Văn Tổng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lưu Nghiệp Anh, niên vụ mía 2018-2019, hợp tác xã đã trồng thử nghiệm giống mía mới KK3 do Viện Nghiên cứu Mía đường khảo nghiệm. Đây cũng là giống mía được Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh khuyến khích nông dân trồng vì cho chữ đường cao, có thể lưu gốc.

Nhưng đến kì thu hoạch, chỉ có 1 ghe mía (30 tấn) được Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh đánh giá đạt 13 chữ đường (CCS), ghe thứ 2 được 10,5 CCS, những ghe còn lại chỉ được 9,9 CCS, tương đương chữ đường những ruộng mía trồng giống cũ (K95).

Ông Cao Văn Tổng chia sẻ, vụ mía này, hầu hết bà con ở Trà Cú nói chung, thành viên hợp tác xã nói riêng đều thua lỗ, do giá mía Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh mua quá thấp, chỉ 800 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường, giảm 100 đồng/kg so với niên vụ trước.

Nếu chữ đường tăng trên 10 thì công ty mua tăng thêm 10%/chữ và ngược lại, chữ đường giảm dưới 10 thì mua giảm 10%/chữ; trong khi đó, công ty lại đánh tạp chất khá cao, từ 7-8% khiến giá thu mua mía càng thấp thêm.

Không chỉ giá xuống thấp, niên vụ này các ruộng mía ở Trà Vinh tiếp tục bị giảm năng suất và chữ đường. Nguyên nhân là những vụ sản xuất mía trước, nông dân gặp khá nhiều khó khăn. Do vậy, vụ này nông dân trồng mía chủ yếu lưu gốc, không mặn mà chăm sóc nên năng suất chỉ đạt khoảng 75-80 tấn/ha, giảm 20-25 tấn/ha so với những vụ trước, chất lượng mía cũng giảm đáng kể.

Huyện Trà Cú là vùng mía nguyên liệu của tỉnh Trà Vinh, với diện tích những năm trước hơn 4.000 ha, chiếm khoảng 80% diện tích trồng mía toàn tỉnh. Vùng mía nguyên liệu này luôn được đánh giá rất cao về năng suất và chất lượng. Đây cũng được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên vùng đất bị nhiễm mặn vào mùa khô của huyện Trà Cú.

Cùng đó, năng suất cây mía ở Trà Cú thường ổn định khoảng 100 tấn/ha, nhờ vậy đem lại nguồn thu nhập cho nông dân từ 30-40 triệu đồng/ha, cao hơn 3 – 4 lần so với cây lúa được trồng trên cùng vùng đất. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ sản xuất mía của nông dân Trà Vinh liên tục gặp khó về giá cả, thị trường tiêu thụ khiến thu nhập rất bấp bênh.

Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Hồng Phúc cho biết, trước tình hình người trồng mía thua lỗ liên tục như thời gian qua, địa phương đang tập trung nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, chú trọng việc rà soát lại quy hoạch những diện tích mía hiện hữu, nơi nào có thể chuyển đổi sản xuất sang đối tượng khác huyện sẽ kiến nghị tỉnh điều chỉnh quy hoạch cắt giảm.

Đáng lưu ý, huyện rất tích cực phối hợp với các dự án đang triển khai trên địa bàn, các nhà nghiên cứu tại các viện, trường để tìm cây con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, từ đó định hướng cho nông dân chuyển đổi sản xuất đạt hiệu quả.

Để đảm bảo đầu ra cho các đối tượng chuyển đổi, huyện cũng tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đến nay, đã có doanh nghiệp thực hiện 3 mô hình trồng thử nghiệm các loại cây măng tây, khoai lang Nhật và chanh dây. Nếu những mô hình này đạt hiệu quả cao, huyện sẽ triển khai nhân rộng. Nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất; đồng thời, được doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm.

Đối với những vùng không chuyển đổi được, ngành nông nghiệp huyện vận động bà con tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để đưa cơ giới vào sản xuất nhằm giảm giá thành. Huyện cũng đã mời được doanh nghiệp thực hiện mô hình trồng mía trên diện tích 10 ha sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất để trình diễn cho nông dân trên địa bàn học tập làm theo.

Trước đó ngày 27/2/2018, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định phê duyệt rà soát, điểu chỉnh bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích trồng mía khoảng 5.800 ha; trong đó vùng tập trung là 5.700 ha; năng suất mía nguyên liệu bình quân đạt 129 tấn/ha; chữ đường bình quân 10,5 CCS… Tuy nhiên, niên vụ mía 2018-2019, tỉnh Trà Vinh đã giảm 1.000 ha so với niên vụ trước.

Theo dự đoán của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, tới đây ngành mía đường của Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lượng đường tồn kho còn rất nhiều bởi giá thành sản xuất đường của Việt Nam do các nhà máy mía đường trong nước sản xuất cao hơn sơn so với giá đường nhập khẩu nên rất khó cạnh tranh. Chính vì vậy, niên vụ 2019-2020, vùng mía nguyên liệu của Trà Vinh tiếp tục giảm là điều không tránh khỏi.

Mới đây UBND tỉnh Trà Vinh cũng ban hành quyết định bãi bỏ quy hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu mía này.

Thanh Hòa